Chiều 29/8, kết thúc việc công bố bản cáo trạng, HĐXX TAND Hà Nội bắt đầu chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo trong đại án Oceanbank.
Lái xe làm tổng giám đốc
Người đầu tiên đứng trước vành móng ngựa trả lời các câu hỏi của HĐXX hôm nay là Trần Văn Bình (sinh năm 1966), nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung.
Bình khai bản thân là lái xe bộ phận hành chính của tập đoàn, không chuyên trách chở ai. Đến khi cơ quan điều tra xét hỏi mới biết mình có chức vụ Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung.
Trước câu hỏi của HĐXX khi đứng vị trí tổng giám đốc, bị cáo làm gì không, Bình đáp gọn lỏn: "Không". Bình cũng cho hay khoản tiền vay 500 tỷ của Oceanbank, bị cáo không biết gì.
Bị cáo Trần Văn Bình tại phiên tòa sơ thẩm lần 2. Ảnh: Việt Hùng. |
Người thứ 2 được HĐXX xét hỏi là bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh). Trước khi trả lời, Danh nói rằng do trí nhớ của bản thân kém, sức khỏe không đảm bảo nên xin HĐXX được trả lời một mạch.
Nghe HĐXX hỏi về mối quan hệ với bị cáo Bình, ông Danh cho biết bản thân rất ít tiếp xúc và gặp người này. Theo ông Danh, thời điểm đó Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Trung Dung được tập đoàn Thiên Thanh thành lập mới, cần có người đứng đầu nên Phòng hành chính nhân sự của tập đoàn đề nghị ông Bình (lái xe phòng hành chính) làm Tổng giám đốc.
“Tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của Bình. Trong lúc công ty đang chờ người đứng tên thì anh Bình xin được cho vào làm vị trí đó", bị cáo Danh nói và cho rằng Bình khai nhiều điểm chưa đúng. "Với trình độ của một lái xe đối diện trước pháp luật tôi nghĩ anh Bình sợ. Anh nói anh không hiểu biết gì là chưa đúng. Thưa HĐXX, anh Bình làm Tổng giám đốc Công ty Trung Dung không có ai ép buộc", Danh khẳng định.
30 phút trả lời các câu hỏi, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh xin được trình bày nhiều điều chưa nói ở phiên xử sơ thẩm lần 1 khiến chủ tọa phải nhắc nhở cần trình bày ngắn gọn. Do Danh kêu mệt nên bị cáo Hà Văn Thăm ngồi sát đó mở chai nước đưa cho ông ta. Đây là lần đầu, 2 bị cáo giáp mặt nhau kể từ khi phiên tòa sơ thẩm lần 2 mở lại.
HĐXX hỏi: Ai nghĩ ra việc vay 500 tỷ từ ngân hàng Đại Dương? Bị cáo danh nói Hứa Thị Phấn là người động viên dù lúc đó ông ta không còn tài sản và tâm trạng làm việc nữa. Danh cho rằng do Phấn nhiều lần thuyết phục nên ông ta đã đồng ý mượn tài sản của Phấn để đi vay 500 tỷ.
Giải thích việc vì sao lúc đó không dùng danh chủ tịch tập đoàn đi vay tiền mà lấy mác của Công ty Trung Dung, Danh nói lúc đó tập đoàn đang hoạt động tốt nên không muốn làm xấu hình ảnh nơi mình công tác. Danh ý thức rõ được khoản vay trên sẽ không trả được.
Ngồi nghe Phạm Công Danh trình bày, Cựu chủ tịch HĐQT Oceabank - Hà Văn Thắm - tỏ vẻ bồn chồn. Thắm liên tục xoa đùi, vuốt mặt, đan tay vào nhau.
"Bị đề nghị truy tố tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, bị cáo có ý kiến gì không", chủ tọa hỏi ông Danh câu hỏi cuối trước khi cho tòa tạm dừng nghỉ giải lao, Danh nói: "Tôi có nhiệm vụ trình bày trung thực toàn bộ việc làm và tin tưởng vào phán quyết của HĐXX. Trong phiên xét xử trước, tôi tham gia với vai trò người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhưng lần này là bị cáo, kính mong hội đồng xét xử làm rõ việc này", bị cáo 52 tuổi trả lời.
Theo luật sư bào chữa cho ông Danh, bị cáo này hầu tòa khi đang mang bệnh. Ảnh: Việt Hùng. |
Tâm trạng trái ngược của các bị cáo
Theo ghi nhận của Zing.vn ở buổi xét xử thứ 2, 3 bị cáo tiếp tục vắng mặt với lý do sức khỏe không tốt, trong đó có nữ đại gia Hứa Thị Phấn (70 tuổi, đại diện nhóm cổ đông Ngân hàng Đại Tín - TrustBank).
Cũng giống như ngày xét xử đầu, bị cáo Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn tỏ ra khá thoải mái, đôi lúc tươi cười với mọi người trên đường dẫn giải từ xe vào phòng xử. Trong khi đó, bị cáo Phạm Công Danh và Nguyễn Minh Thu vẻ mệt mỏi.
Hoàng Thị Hồng Tứ - nữ bị cáo từng làm thư ký cho Hà Văn Thắm tại Oceanbank, sau đó được bổ nhiệm Chủ tịch Công ty BSC ngày thứ 2 liên tiếp đeo khẩu trang đến tòa. Trước đó, trong buổi thẩm tra căn cước sáng 28/8, "bóng hồng" này khóc nức nở khi nghe xét hỏi.
Sáng một ngày trước, sau khi khai mạc phiên tòa, HĐXX đã thẩm tra căn cước các bị cáo cùng hàng trăm người có vai trò liên quan bị triệu tập. Theo chủ tọa Trần Nam Hà, tòa triệu tập tổng cộng 747 người liên quan, tuy nhiên trong sáng 28/8 ghi nhận vắng nhiều. Theo thẩm phán, với những người vắng mặt, trong quá trình xét hỏi thấy cần thiết tòa sẽ triệu tập hoặc đề nghị cơ quan công an áp giải theo quy định.
Trong phiên xử chiều 28/8, khi đại diện VKSND Hà Nội đọc được 2 trang cáo trạng thì bất ngờ thẩm phán Trương Việt Toàn yêu cầu vị này dừng công bố vì tòa cần hội ý 5 phút do “phát sinh tình tiết mới”.
Sau khi hội ý, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết HĐXX hội ý để trả lời một số câu hỏi của luật sư. Theo thẩm phán, bà Phấn không thuộc diện được xét xử vắng mặt, do đó, HĐXX đã quyết định tạm giam với bị cáo này.
Tuy nhiên, trong quá trình thi hành, xác định bà Phấn đang nằm viện nên Bộ Công an đã lập biên bản việc bị cáo 70 tuổi này ốm yếu, không đến dự tòa được. Căn cứ vào đơn đề nghị của bà Phấn về việc xin xét xử vắng mặt, dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của bị cáo này, HĐXX tạm thời chấp nhận cho bà Phấn vắng mặt. Tuy nhiên, theo thẩm phán Toàn, quá trình xét xử, nếu cần thiết, HĐXX sẽ quyết định tạm giam lại.
Còn luật sư Trương Thị Minh Thơ (luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh) cho rằng từ bút lục số 1 đến số 88 của vụ án được bà sao chụp trước đó đến nay bị nghi có sửa đổi, đánh tráo. Về việc này, thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định "không có việc hồ sơ bị đánh tráo".
Ông Toàn cho hay, hồ sơ nghi bị "đánh tráo" mà luật sư cung cấp cho tòa sáng nay là hồ sơ vụ Phạm Công Danh chứ không phải vụ Hà Văn Thắm.
- Tháng 2/2017, TAND Hà Nội đưa 47 bị cáo ra xét xử 3 tội: Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ, HĐXX trả lại hồ sơ điều tra bổ sung.
- Tháng 7/2017, VKSND ra bản cáo trạng mới. Lần này có thêm 4 người vướng vòng lao lý. Trong đó, Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn bị truy tố thêm tội Tham ô tài sản.
- Ngày 28/8, tại phiên xử sơ thẩm lần 2 tại Hà Nội, có 48 bị cáo có mặt, 3 người vắng mặt.