Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời khai việc đưa và nhận hối lộ vụ 'chuyến bay giải cứu' giai đoạn 2

Tại phiên tòa xét xử 17 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2, sáng 24/12, HĐXX đã dành thời gian để thẩm vấn nhóm người bị cáo buộc đã có hành vi đưa và nhận hối lộ.

Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Văn Văn (SN 1965, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) bị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Thời điểm tháng 5/2021, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó tổng giám đốc Công ty Bluesky, bị can giai đoạn 1 vụ án) đã liên hệ, đến phòng làm việc của bị cáo Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường (cựu Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam) để trao đổi về việc, các công ty của bà Hằng đã được Văn phòng Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài hồi hương cách ly y tế tại tỉnh Quảng Nam và nhờ hỗ trợ, tham mưu UBND tỉnh tiếp nhận công dân về cách ly y tế tập trung tự trả phí, được Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường đồng ý.

Tháng 5/2021-1/2022, bị cáo Nguyễn Văn Văn và Lê Ngọc Tường đã phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam tiếp nhận công dân Việt Nam về trên 56 chuyến bay do Nguyễn Thị Thanh Hằng thực hiện đến cách ly y tế tại tỉnh Quảng Nam.

Chuyen bay giai cuu,  Cong ty Bluesky,  Vietjet,  Hang bay Vietjet,  Cong ty Vietjet anh 1

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV.

Trả lời thẩm vấn tại tòa, cựu Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam thừa nhận bản thân đã 5 lần nhận tiền từ bà Hằng, với tổng số tiền 450 triệu đồng. Việc này để công ty của bà Hằng đưa người về Quảng Nam cách ly y tế. Bị cáo Văn thừa nhận sai phạm và cho rằng, thời điểm nhận tiền là do nhận thức pháp luật hạn chế nên dẫn tới sai phạm.

Trong khi đó, cựu Phó giám đốc Sở Văn hóa Thế thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng thừa nhận đã cầm số tiền 400 triệu đồng từ Nguyễn Thị Thanh Hằng để giúp đỡ, tham mưu cho bà Hằng trong việc đưa công dân về cách ly tại Quảng Nam.

Bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, bị cáo Nguyễn Mạnh Trường (cựu chuyên viên Phòng Vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải) khai rằng, bị cáo được cấp trên đưa cho 244 triệu đồng và nói là tiền của doanh nghiệp “cảm ơn” vì đã cấp phép chuyến bay.

Theo lời khai của ông Trường, biết số khách trên các chuyến bay này là vượt quá quy định của Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhưng bản thân bị cáo chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

Bị truy tố về tội “Đưa hối lộ”, bị cáo Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng vận tải hàng không, Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT) cho biết, bản thân có quen biết ông Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) qua công việc. Bị cáo đã liên hệ với ông Phạm Trung Kiên và được ông Kiên đồng ý, thỏa thuận chi phí 10 triệu đồng/công dân.

Sau đó, ông Quang có trao đổi với bị cáo Nguyễn Mạnh Cương (cựu Trưởng phòng thương mại điện tử, Công ty CP thương mại hàng không Vietjet) và Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do) về việc, bản thân có thể xin được văn bản cấp phép cho công dân về nước trên chuyến bay đơn lẻ, mức phí 2.000-3.000 USD/công dân.

Tiếp đó, Cương và Dũng trao đổi với lãnh đạo của một số doanh nghiệp, tập hợp hồ sơ các công dân có nhu cầu xin về nước. Cả hai thỏa thuận với các giám đốc doanh nghiệp tổ chức chuyến bay chi phí chênh lệch lên 100-500 USD/công dân (so với chi phí Quang yêu cầu) để hưởng lợi.

Và nhóm giám đốc đã tập hợp hồ sơ từ công dân và thỏa thuận chi phí chênh lên 100-500 USD/công dân (so với chi phí Dũng, Cương đưa ra).

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, Phạm Trung Kiên chuyển thông tin, hồ sơ đến Cục Y tế dự phòng để tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế duyệt, ký văn bản theo quy trình của Bộ này. Tại tòa, ông Vũ Hồng Quang thừa nhận đã đưa hối lộ cho Phạm Trung Kiên hơn 7,4 tỷ đồng để có được văn bản chấp thuận cho hơn 600 công dân về nước trên các chuyến bay. Bản thân ông Quang hưởng lợi gần 20 tỷ đồng.

Sách về Pháp luật

Cuốn sách "Cẩm nang thi hành án dân sự" đáp ứng nhu cầu tra cứu nhanh, chính xác các quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan trong quá trình tổ chức thi hành bản án, quyết định của tòa án, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc trong các quy định của pháp luật khi áp dụng vào các tình huống thi hành án cụ thể.

https://vietnamnet.vn/loi-khai-viec-dua-va-nhan-hoi-lo-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-giai-doan-2-2355865.html

T.Nhung/Vietnamnet

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm