Những năm gần đây, phim truyền hình Việt Nam cho thấy sự nỗ lực không ngừng, làm nên diện mạo mới mẻ, đầy dấn thân với nhiều mảng đề tài mới, cách khai thác, dàn dựng chuyên nghiệp, cùng các chiến dịch truyền thông thú vị. Dẫu vậy, nhiều nhược điểm bất hủ của phim Việt giờ vàng vẫn mãi chưa được khắc phục.
Phim như kịch
Phim truyền hình Việt Nam đa phần đặt trong bối cảnh đương đại, một số ít thuộc về thời đại cũ như Thương nhớ ở ai, Mộng phù hoa. Tuy nhiên, tất cả đều thuộc dòng tâm lý – tình cảm, khai thác các mảng đề tài gắn liền đời sống hiện thực. Vậy mà, các bộ phim thường xa rời thực tế, thiếu đi hơi thở đời thường.
Một lỗi kinh điển của phim Việt là kịch bản lê thê, nặng tính trình bày, nhiều cảnh phim vô thưởng vô phạt, không gắn kết với câu chuyện tổng thể của phim. Lời thoại phim thường khuôn mẫu, không đúng như thói quen giao tiếp thường ngày của người Việt Nam. Cách nhả chữ theo kiểu kịch nói sân khấu của diễn viên càng làm câu thoại mất tự nhiên.
Tình khúc bạch dương đầu tư nhiều chi phí nhưng thiết kế bối cảnh và đạo cụ vẫn sơ sài. |
Chưa kể đến bối cảnh, đạo cụ nhiều khi thiết kế quá sơ sài, dàn dựng thiếu chiều sâu, chủ yếu mang tính minh họa, gợi cảm giác giả tạo. Rõ rệt nhất là với trường hợp Tình khúc bạch dương, trong phần truyện diễn ra tại Liên Xô (cũ) thập niên 1980 ở nửa đầu của phim.
Xem phim truyền hình trong nước, người ta hay bắt gặp các cảnh quay mang tính mô phỏng và dàn nhân vật đóng vai trò “hưởng ứng phong trào”. Đó là những cảnh quay quy tụ nhiều tuyến vai, song nội dung câu chuyện thì đơn giản.
Biên kịch và đạo diễn thảo ra hàng trang lời thoại, cho nhân vật của họ lần lượt tung hứng mỗi người một vài câu. Thường, đó là những câu nói nhạt nhẽo, không có tính xây dựng, bỏ đi cũng không sao. Loạt biểu cảm mang tính làm nền cũng được tung ra liên tục. Mục đích là đảm bảo tất cả diễn viên đều xuất hiện trên hình.
Diễn viên ở ta nhiều người xuất thân là diễn viên kịch. Bản thân các trường đại học, cao đẳng cũng đào tạo chung chuyên ngành diễn xuất cho diễn viên sân khấu, truyền hình và điện ảnh. Vậy nên, diễn viên khi lên phim khó tránh lối diễn cường điệu cả hình thể, tâm lý lẫn đài từ.
Quảng cáo tràn ngập
Việc một dự án nhận tiền tài trợ từ các doanh nghiệp, đổi lại quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp đó trên hình là hết sức bình thường trong nền công nghiệp phim ảnh. Tuy nhiên, đưa quảng cáo vào phim thế nào cho duyên dáng và dễ chịu dường như vẫn là điều phim truyền hình Việt luyện mãi chưa được.
Trong phần 1 của Tuổi thanh xuân, gia đình của Linh (Nhã Phương) từng dành một cuộc trò chuyện để ca ngợi chất lượng cửa sổ của một thương hiệu nổi tiếng. Sang tới Tình khúc bạch dương, Quyên (Thanh Mai) chi số tiền lớn mua cho con trai căn hộ của khu chung cư cùng thuộc sở hữu với thương hiệu cửa sổ kia. Một ngân hàng trong nước thì xuất hiện logo lớn trong phim này, khi trở thành đối tác làm ăn của nhân vật Quyên.
Tình khúc bạch dương đưa vào phim quá nhiều quảng cáo |
Quảng cáo lộ liễu và khó chịu nhất có lẽ là Người phán xử tiền truyện. Giữa tập 2 và cuối tập 4, phim dành mỗi tập khoảng hơn 5 phút trên tổng thời lượng 20 phút để miêu tả trọn vẹn trường đoạn vui chơi của cậu ấm Phan Hải (Việt Anh) trong một công viên giải trí.
Tựu chung lại, quảng cáo thương hiệu hiện diện trong phim Việt rất gượng ép, gây khó chịu vì câu giờ và nhảm nhí.
Giọng thoại giết chết cảm xúc
Bắt kịp công nghệ làm phim trên toàn cầu, thu thanh trực tiếp ngày càng phổ biến trên màn ảnh nhỏ Việt Nam. Song không ít phim vẫn sử dụng việc lồng tiếng mà tiêu biểu nhất gần đây là Thương nhớ ở ai. Diễn viên lồng tiếng không trực tiếp đóng phim, không sống cùng nhân vật, cảm xúc đối với câu chuyện không đủ sâu, giọng nói cất lên đầy hời hợt.
Nhiều giọng lồng tiếng xuất hiện hết phim này tới phim khác, có khi trong các phim lên sóng cùng thời điểm, gây tẻ nhạt. Không ít chất giọng mới cất lên là lộ độ vênh so với vai diễn, nổi bật nhất là giọng lồng tiếng cho Thanh Vân Hugo trong phim Zippo, mù tạt và em. Nhân vật ghê gớm mà giọng nói quá ủy mị.
Không thể phủ nhận, nhiều diễn viên không may mắn có được chất giọng hay hoặc âm vực đài từ chuẩn mực, tìm kiếm giọng thoại thay thế là điều dễ hiểu. Nhưng lựa chọn giọng lồng tiếng nào cần có sự chuẩn bị tỉ mỉ hơn.
Cảnh nóng câu view
Đây là vấn đề gây phản cảm nhất của phim Việt, khi mà truyền hình của ta thể hiện sự cởi mởi trong việc sản xuất và kiểm duyệt phim, cảnh nóng tràn ngập mản ảnh nhỏ.
Người phán xử và Người phán xử tiền truyện chứa nhiều cảnh khoe thân của Vân Điệp (Thanh Bi) cùng nhiều cô gái thuộc tuyến vai quần chúng, trong các cảnh phim thác loạn của cậu ấm Phan Thị.
Thương nhớ ở ai thiết kế tạo hình hở hang, lộ lưng, lộ vai, không mặc nội y cho phụ nữ Việt Nam giai đoạn những năm 1940. Bộ phim của đạo diễn Lưu Trọng Ninh cũng chứa cảnh nóng sập giường gây tranh cãi giữa Vạn (Lâm Vissay) và Hạnh (Trà My) – con gái của người yêu cũ của anh.
Phim Thương nhớ ở ai xây dựng tạo hình nhân vật táo bạo so với bối cảnh đầu thế kỷ 20 |
Ồn ào nhất phải kể đến phim Quỳnh Búp Bê mới phát sóng. Hãm hiếp, giường chiếu, bán dâm là những yếu tố cần thiết với một phim đi sâu vào đề tài tệ nạn buôn người và mại dâm. Song loạt cảnh này được tung ra quá nhiều, gần như chiếm lĩnh màn ảnh.
Với Người phán xử và Quỳnh Búp Bê, tạo hình gái làng chơi hở hang không tạo nên tính gợi cảm, mà mang tính phô diễn da thịt nhiều hơn. Phần vì trang phục không đẹp, phần vì ngoại hình diễn viên phụ có nhiều hạn chế. Cách dàn dựng không khéo léo càng biến các cảnh phim này trở nên thô thiển, cho thấy sự cẩu thả của đạo diễn.