Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời nguyền 10 năm của người đóng cảnh nóng đầu tiên ở VN

Để được vào đoàn Hải Hưng, NSƯT Trần Nhượng đã lấy vợ theo yêu cầu của gia đình khi vừa tròn 21 tuổi. Nhưng ông quan niệm, dù với lý do gì đi nữa thì chồng vợ vẫn là duyên nợ.

Đến với nghệ thuật như một duyên nợ

Sau nhiều cuộc điện thoại và một lần lỡ hẹn, tôi mới có cơ hội trò chuyện với NSƯT Trần Nhượng, người đã quen mặt với khán giả Việt qua rất nhiều phim như Chủ tịch tỉnh, Bản di chúc bí ẩn, Khi người đàn ông góa vợ bật khóc... Từ khi chuyển từ đoàn kịch Công An sang đảm nhận vị trí Giám đốc TT Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu, ông rất bận rộn.

Đón tôi trong văn phòng làm việc thoáng mát, gọn gàng, người nghệ sĩ tỏ ra rất cởi mở. Dù cuộc trò chuyện thỉnh thoảng bị cắt ngang bởi những cuộc điện thoại liên quan tới công việc nhưng ông chẳng tỏ ra gấp gáp. Ngược lại, NSƯT Trần Nhượng còn cởi mở, trầm tĩnh khi cùng tôi ôn lại chuyện xưa.

Kể về cơ duyên đến với nghề diễn, ông chia sẻ: “Lúc đầu tôi không nghĩ mình sẽ làm nghệ thuật dù hồi nhỏ ngồi xem các đoàn văn công biểu diễn rất thích, rất yêu. Cũng có lúc ước ao mình là diễn viên nhưng cứ có cảm giác người ta cao siêu quá, mình mơ cũng chẳng thể nào chạm tới được. Vậy mà nghệ thuật đến với tôi rất tình cờ.

Khi đi nộp hồ sơ để thi Đại học, tôi nhìn thấy đoàn ca múa kịch Hải Hưng tuyển sinh nên mon men lại gần xem. Lúc ấy, bọn bạn cứ đẩy vào tuyển thử nhưng tôi nhát lắm. Đứng đó một lúc, có mấy anh chị trong ban tuyển sinh tiến về phía tôi chuyện trò, gợi ý rồi hướng dẫn mình làm theo người ta. Sau đó, họ đưa tôi đến một nơi khác để thi tuyển và tôi đã may mắn được chọn.

Vậy nhưng khi về nhà thì bố mẹ không cho vì thời ấy, bác sĩ, kỹ sư mới là nghề được trọng vọng. Bố mẹ tôi suốt đời làm nông, vất vả rồi nên muốn con có một cái nghề. Một thời gian sau, thấy tôi kiên quyết, gia đình cho theo đoàn nhưng bù vào đó, tôi phải lấy vợ để cả nhà yên tâm”.

Và chàng trai 21 tuổi trở thành một người đàn ông có gia đình cũng chỉ bởi muốn theo nghiệp diễn. Nhưng quyết định đó chưa bao giờ làm ông phải hối hận. Đến với nghệ thuật có phần tréo ngoe như thế nhưng càng làm ông càng yêu nghề, càng bị cuốn hút và chỉ muốn gắn bó với nghiệp diễn suốt đời: “Ban đầu cũng bỡ ngỡ nhưng may mắn bản thân là người có năng khiếu cộng với khả năng tiếp thu nhanh nên tôi luôn là người đứng đầu các khóa đào tạo. Cũng nhờ vậy, tôi đến với nghề khá thuận lợi. Mãi sau này, năm 92, tôi mới vào trường sân khấu điện ảnh để học đạo diễn, còn trước đó chỉ học nghề diễn tại đoàn. Đây là môi trường tốt để tôi được đào tạo và hoàn thiện kỹ năng diễn xuất.

Thời tôi bắt đầu làm nghệ thuật, lúc bấy giờ không ai nghĩ đến vật chất hay tiền bạc, đi diễn cũng chẳng ai nghĩ đến cát-xê hay tiền bồi dưỡng. Các nghệ sĩ thời ấy có một chế độ ưu đãi của nhà nước gọi là chế độ thanh sắc. Chúng tôi được ba cân thịt, ba cân đường và chín hộp sữa mỗi tháng. Vậy là ưu ái lắm rồi.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng gặp không ít thiệt thòi vì điều kiện học hỏi và tiếp xúc với văn hóa bên ngoài rất khó. Các diễn viên trong đoàn phải tự học lẫn nhau và tự tư duy sáng tạo để phát triển và xây dựng hình tượng nhân vật. Ngày ấy, chúng tôi chỉ có một hội trường nhỏ, quạt cũng hiếm, thế nên chuyện diễn viên bị ngất trên sàn tập không phải là chuyện hiếm.

Thời gian đào tạo ở đoàn lúc đó nghiêm túc lắm. 4h30 sáng chúng tôi đã dậy tập hình thể, múa và các kỹ thuật. Khoảng 5h30 về đánh răng rửa mặt, đi ăn sáng và 7h lại lên sàn tập đọc báo để nghe tin tức thời sự và rèn luyện tiếng nói. 7h30 đi về chuẩn bị quần áo để đi tập chuyên môn. Buổi tối 9h đã phải đi ngủ rồi.

Bây giờ các bạn học trong trường thoải mái hơn rất nhiều. Tất nhiên tôi biết không thể so sánh vì sẽ nảy sinh khập khiễng nhưng nói như vậy để thấy rằng những khó khăn và khắt khe chính là môi trường tốt để những người nghệ sĩ có thể rèn luyện và trưởng thành một cách chắc chắn, yêu nghề và say sưa hơn. Đổ nhiều mồ hôi và công sức vào nghề chắc chắn sẽ khiến nghệ sĩ đam mê hơn chứ”.

Khó khăn vất vả là thật nhưng bù vào đó, những người nghệ sĩ luôn nhận được tình cảm nồng nhiệt của công chúng. “Ngày xưa chúng tôi đi diễn là trống dong cờ mở. Đến nơi diễn, bà con treo khẩu hiệu, băng rôn rầm rộ để đón đoàn. Lúc bấy giờ Hải Hưng là đoàn tổng hợp có cả kịch, xiếc và ca múa nhạc. Mỗi lần di chuyển, chúng tôi đi rất đông, có 8 xe ô tô, trong đó có 3 xe 29 chỗ chở diễn viên. Đến bất kỳ đâu, chúng tôi đều ăn ở với dân. Bà con quý lắm, thậm chí họ còn đến để đăng ký để được đưa diễn viên về nhà ở”, ông không giấu được niềm hãnh diện khi nhớ lại.

Sau một thời gian dài gắn bó với đoàn Hải Hưng, NSƯT Trần Nhượng chuyển công tác lên Hà Nội, về đoàn Nghệ thuật Công An. Đây cũng là thời điểm, ông bắt đầu làm quen với phim nhựa. Những vai diễn đầu tay trước còn bỡ ngỡ sau đó ông dần hiểu được lối diễn của điện ảnh nên vào vai rất ngọt. Tuy nhiên, kịch vẫn là mảnh đất chính mà người nghệ sĩ vẫn hăng say cầy xới.

“Năm 1980, đoàn Hải Hưng đi Hội diễn ở Hải Phòng. Đài truyền hình Việt Nam thấy vở diễn có nội dung tốt nên đề nghị đoàn lên Hà Nội để ghi hình. Lúc tôi đang ghi hình ở trường quay thì có một đoàn làm phim đi tuyển diễn viên cho phim Vệt sáng ngược và tôi đã nhận được lời mời.

Quay xong phim đó, mọi người ở xưởng phim kéo tôi về đoàn Công An. Tôi về xin chuyển nhưng đoàn Hải Hưng không đồng ý. Sau này, tôi phải nhờ một người bác làm việc ở Tỉnh can thiệp thì mới có thể đi được. Ngày ấy, được trở thành diễn viên điện ảnh không phải là ước ao của riêng mình tôi nhưng đoàn Điện ảnh Công an Nhân dân chưa có chỉ tiêu, trong khi đoàn Nghệ thuật Công an Nhân dân thì mới thành lập nên họ giới thiệu tôi về đó” - ông kể.

Đồng hành với sân khấu kịch từ ngày chỉ mới là cậu thanh niên 21 tuổi, NSƯT Trần Nhượng được chứng kiến gần như toàn bộ sự thay đổi, lên xuống của bộ môn nghệ thuật đậm nét văn hóa truyền thống. Ông vẫn còn nhớ, thời kỳ đỉnh cao của sân khấu kịch, đoàn của ông thu được hàng bao tải tiền chỉ nhờ bán vé. Người nghệ sĩ ngày ấy cũng chẳng có thời gian để buồn phiền hay chăm lo cho đời sống cá nhân.

Ngẫm lại quãng thời gian đó, ông vẫn không khỏi tiếc nuối: “Thời kỳ hoàng kim của sân khấu, một ngày chúng tôi có thể diễn đến 3 - 4 suất. Một vé xem kịch ngày ấy có mấy ngàn thôi nhưng chúng tôi cũng thu được một bao tải tiền.

Những suất diễn liền nhau khiến diễn viên không đủ thời gian để ăn cơm, chỉ kịp uống cốc nước cam hoặc cái bánh mì là lại tiếp tục bước lên sân khấu. Đó là chưa kể đến các rạp Hà Nội. Khán giả muốn đi xem phải xếp hàng mua vé, thậm chí là phải có sổ phân phối về các cơ quan.

Vì diễn nhiều nên trong nghệ thuật, cũng có người bị gọi là thợ diễn. Họ bị chai lì cảm xúc, ra sân khấu như một cái máy. Trong khi đó, việc giữ được cảm xúc là điều rất quan trọng đối với một nghệ sĩ. Một người làm nghệ thuật phải luôn có hai cái tôi: một của diễn viên và một của nhân vật. Cái khó của người nghệ sĩ biểu diễn là nắm được cảm xúc của nhân vật nhưng cũng có sự tỉnh táo để cái tôi diễn viên chỉ đạo cảm xúc của nhân vật.

Nhưng nói thì dễ, làm mới là việc khó. Có những nhân vật trong quá trình làm nghề trở thành ấn tượng. Nhiều khi nghĩ đến nhân vật trong hoàn cảnh nào đó, cảm xúc lại trào về khiến bản thân tôi bỗng chốc lại hóa thành nhân vật, dù lúc đó không đang phải đang biểu diễn. Việc đó cũng hay xảy ra”.

Cống hiến 42 năm cuộc đời cho đam mê, cho dòng máu nghệ thuật đang chảy trong huyết quản, vậy nhưng khi được hỏi đã đóng bao nhiêu bộ phim, vở kịch, người nghệ sĩ ấy lại gãi đầu bối rối. Ông thừa nhận đó là điểm dở nhất của bản thân. Trần Nhượng chẳng thế nhớ ông đã thể hiện bao nhiêu vai vì chẳng bao giờ ghi lại.

Hạnh phúc bên vợ trẻ kém 23 tuổi

Thành công trong sự nghiệp nhưng đường tình duyên của người nghệ sĩ tài hoa lại gặp không ít trắc trở. Cuộc hôn nhân đầu tiên đã cho ông ba đứa con hiếu thảo nhưng lại không cho ông người bạn đời để đi đến hết cuối con đường.

Đổ vỡ với người phụ nữ 22 năm gắn bó, ông quan niệm: “Các cụ có câu vợ chồng là do duyên số, thế nên đến rồi tan đều là duyên số cả. Có hàng nghìn lẻ một lý do để tan vỡ thế nên chúng ta phải chấp nhận như là một số phận. Rất nhiều người cũng quan tâm đến lý do chia tay nhưng tôi chỉ trả lời một cách đơn giản: không phù hợp và đến thời điểm thì phải chia tay. Không có gì dằn vặt hay quá ghê gớm khi mình đã xác định nó là số phận.

Sau khi chia tay người vợ đầu tiên, tôi có khoảng thời gian 10 năm cô đơn và lời nguyền tôn thờ chủ nghĩa độc thân vì cảm thấy cuộc sống một mình thoải mái và nhẹ nhàng hơn nhiều. Con cái cũng đã trưởng thành hết rồi nên tôi xác định sẽ sống một mình.

Cuộc sống gia đình thật ra rất phức tạp. Nếu thuận vợ thuận chồng, biết hy sinh vì nhau thì sẽ có được hạnh phúc. Nhưng nếu không hiểu được, không thông cảm, không chia sẻ được với nhau thì cuộc sống sẽ rất nặng nề. Chính vì thế, tôi rất sợ và rất ngại khi nghĩ đến việc đi bước nữa.

Vậy nhưng, cũng có khi bản thân tôi có suy nghĩ ngược lại. Những ngày lễ, ngày Tết, khi mình ốm đau, về nhà một mình tôi cũng cảm thấy buồn và cô đơn. Không có gì sợ bằng sự cô đơn bởi nó sẽ khiến con người nảy sinh suy nghĩ tiêu cực và bị đẩy vào những tình huống khó lường. Những lúc ấy tôi thấy cuộc đời thật vô nghĩa. Người ta sống phải có gia đình, phải có tổ ấm trong khi mình chỉ một mình. Sống để như thế để làm cái gì.

Tất cả suy nghĩ mâu thuẫn cứ đan xen lấy nhau khiến tôi quyết định từ bỏ lời nguyền tôn thờ chủ nghĩa độc thân đi. Nhưng thật sự vợ chồng là cái duyên cái số, mình có muốn cũng không được. Điều gì đến sẽ đến và đi sẽ đi. Thế nên, quan điểm của tôi là: Hạnh phúc mong manh lắm, hãy cố giữ lấy”.

Và cũng chính duyên số dành cho ông một cuộc gặp gỡ định mệnh ở lúc xế chiều. Người vợ thứ hai nhỏ hơn ông đến 23 tuổi nhưng rất biết cách cùng ông chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống.

“Tôi không nghĩ là sớm hay muộn. Tuổi, hoàn cảnh và điều kiện của tôi đã được sắp đặt như thế. Tôi và cô ấy hay nói vui với nhau, kiếp trước cô ấy nợ tôi nên kiếp này phải đến trả nợ. Đến bao giờ trả nợ xong thì có thể cô ấy sẽ rời đi. Nợ thì nợ thật nhưng lãi suất càng ngày càng cao nên cũng khó trả hết.

Chính người vợ hiện tại cũng từng hỏi tôi lý do tôi đã chọn cô ấy và tôi cũng trả lời rằng tôi không hiểu. Chỉ biết rằng gặp cô ấy, tôi có cảm xúc không bình thường. Khi nói chuyện thì cảm thấy có điều gì đó gắn bó, phù hợp, tin tưởng và như quyện lại với nhau. Cứ như thế, chúng tôi xích lại gần và trở thành vợ thành chồng.

Nếu tình yêu của những người trẻ bay bổng, lãng mạn và nghịch ngợm thì tình cảm của chúng tôi kỹ càng và soi xét hơn. Vợ tôi còn trẻ nên đôi khi cũng hay giận dỗi, bản thân tôi đôi lúc cũng thấy tự ái. Nhưng tôi cho đó là tình yêu và sự giận hờn đó chính là gia vị của tình yêu.

Vì chênh nhau nhiều tuổi nên chúng tôi không tránh được sự chênh lệch về mặt nhận thức lẫn sinh lý. Đó là trở ngại trong quá trình xây dựng hạnh phúc gia đình. Nếu không cẩn thận thì độ chênh đó sẽ tạo ra bi kịch trong cuộc sống của hai người. Thế nên, cả hai phải hy sinh cho nhau” - ông hạnh phúc kể về tổ ấm mới.

Ngồi đối diện người nghệ sĩ ấy, tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc không giấu được trong đôi mắt. Ông thích kể về vợ, về người phụ nữ có thể khoác tay ông tung tăng như đôi trẻ trên phố, một người rất nóng tính nhưng vô cùng chân thành và lãng mạn.

Cô là người chăm sóc chồng rất chu đáo, là người lúc nào cũng dành phần ông một cốc nước hoa quả trong tủ lạnh sau mỗi ngày đi làm vất vả.

Cuộc nói chuyện của chúng tôi chỉ dừng lại khi ông nhận ra đã đến giờ đưa vợ đi xem phim. Tiễn tôi ra đến cổng, NSƯT Trần Nhượng vui vẻ: “Hôm nay là thứ 5, là ngày đi xem phim của hai vợ chồng tôi. Bây giờ tôi về qua nhà để đón vợ, cô ấy cũng đang trên đường về rồi”.

http://vietnamnet.vn/vn/van-hoa/200124/loi-nguyen-10-nam-va-cuoc-song-nguoi-dong-canh-nong-dau-tien-o-vn.html

Theo Đại Lộ

Bạn có thể quan tâm