Người hâm mộ Kpop đang có những đêm mất ngủ vì sắp đến lúc các nhóm nhạc thần tượng ra mắt vào năm 2015 phải gia hạn hợp đồng với công ty quản lý của họ. Một số nhóm nhạc phải chia tay vài thành viên, có trường hợp thậm chí tan rã. Do đó, đây là một năm đáng sợ đối với nhiều người hâm mộ.
Hàng loạt nhóm nhạc đứng trước bờ vực tan rã
Vào ngày 9/5, WM Entertainment thông báo 6 trong 7 thành viên Oh My Girl gia hạn hợp đồng. Jiho - người không gia hạn - sẽ rời công ty và nhóm nhạc nữ. Cùng ngày, công ty quản lý Starship Entertainment của Monsta X thông báo 3 trong số 6 thành viên của nhóm gia hạn hợp đồng. Ba người còn lại đang đàm phán. Thông báo trên khiến người hâm mộ rơi vào tình trạng lo lắng.
Năm 2009, Ủy ban Thương mại Công bằng Hàn Quốc quy định hợp đồng độc quyền của người nổi tiếng và công ty được giới hạn tối đa là 7 năm. Từ đó thuật ngữ "Lời nguyền 7 năm" thường được sử dụng trong ngành công nghiệp Kpop. Nhiều nhóm nhạc tan rã hoặc thay đổi đội hình ở cột mốc 7 năm kể từ khi ra mắt.
Ở thời điểm này, nhiều thành viên quyết định rời đi. Khi sang công ty giải trí mới, họ khó có thể hoạt động cùng nhóm nhạc cũ, chẳng hạn trường hợp Naeun - thành viên của Apink. Ban đầu khi nữ ca sĩ chuyển sang công ty YG Entertainment, cô khẳng định vẫn hoạt động cùng Apink. Tuy nhiên, vài tháng sau, Naeun thông báo rời nhóm vì không thể điều chỉnh lịch trình.
Tương lai của TWICE đang khiến người hâm mộ lo lắng. |
Với năm 2015, khoảng 50 nhóm nhạc nam và nữ đã được giới thiệu tới công chúng. Qua đó, thế hệ thứ 3 của Kpop dần hình thành. 2022 đánh dấu năm thứ 7 họ hoạt động và hầu hết trong số họ đã biến mất giữa bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Kpop thế hệ thứ 3 với nhiều nhóm nhạc tiêu biểu, trong đó có TWICE góp phần giúp Kpop được chú ý ở thị trường quốc tế.
Do đó, tương lai của TWICE cũng như những nhóm nhạc Kpop ra mắt năm 2015 đang là điều được quan tâm nhất với cộng đồng fan. Khả năng tan rã của những nhóm nhạc kể trên được coi là một bi kịch đối với người hâm mộ trong nước và quốc tế.
Một số nghệ sĩ đáng chú ý ra mắt năm 2015 bao gồm TWICE, iKON, CLC, DAY6, UP10TION và DIA. Hai nhóm nhạc nam Seventeen và N.Flying đã gia hạn hợp đồng vào đầu năm 2021. DIA tuyên bố tan rã vào ngày 11/5. Với những nhóm còn lại, người hâm mộ đang suy đoán xem thành viên nào tái ký, ai không hoặc liệu các thần tượng có chuyển sang đóng phim hay không. Việc mỗi thành viên tái ký hợp đồng hoặc chia tay công ty quản lý sẽ ảnh hưởng đến tương lai của cả nhóm.
Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu về nhạc pop và truyền thông tại Đại học George Mason, Hàn Quốc cho biết: “Trong ngành công nghiệp nhạc pop phương Tây, các nhóm thường được thành lập bởi những người muốn làm cùng một thể loại nhạc. Hoặc họ là những người bạn thân. Mặt khác, các nhóm nhạc Kpop được công ty quản lý xếp thành một nhóm, bất kể gu âm nhạc hay tình bạn cá nhân của họ như thế nào. Họ thiên về mối quan hệ kinh doanh nghiêm ngặt hơn. Họ có thể kết thân với nhau sau khi hoạt động chung nhưng tới cột mốc 7 năm, nhiều người lại chọn rời đi”.
Chuyên gia chỉ ra không chỉ các thần tượng mà ý định dừng gia hạn hợp đồng có thể xuất phát từ công ty, vì tài chính hoặc để thành lập một nhóm mới.
GFriend tan rã sau khi công ty không gia hạn hợp đồng với các thành viên. |
“Việc tan rã đôi khi đơn giản là vì công ty quyết định như vậy. Điều này cũng không phổ biến ở phương Tây. Hầu hết nhóm nhạc phương Tây tan rã vì các thành viên sa sút hoặc mất dần độ nổi tiếng. Ở Kpop, ngay cả khi các thành viên muốn tiếp tục và người hâm mộ luôn ủng hộ, họ cũng có thể tan rã nếu công ty chủ quản quyết định không gia hạn", Lee Gyu Tag nhận định.
Nhóm nhạc nữ GFriend bất ngờ tan rã vào tháng 5/2021 trước sự hụt hẫng của người hâm mộ. Sau đó các thành viên tiết lộ chính công ty không muốn gia hạn hợp đồng với các thành viên. Sau khi GFriend tan rã, các thành viên cũ SinB, Eunha và Umji thành lập nhóm nhạc mới mang tên Viviz dưới sự quản lý của một công ty khác.
Những dấu hiệu khả quan có thể phá bỏ “lời nguyền 7 năm”
Nhà phê bình âm nhạc Kim Young Dae cho biết các thành viên đóng góp công sức lớn vào thành công của nhóm. Nhưng cốt lõi của nhóm nhạc Kpop vẫn là hoạt động dựa trên khả năng của công ty quản lý. Trong khi đó, đối với hầu hết ban nhạc phương Tây, một số thành viên như giọng ca chính rời đi có nghĩa sự nghiệp của cả nhóm chấm dứt.
“Các nhóm nhạc Kpop có nhiều không gian hơn để công ty quản lý can thiệp và điều chỉnh khi một số thành viên rời đi. Họ có thể chọn cách thay đổi phong cách, thể loại âm nhạc hoặc thêm thành viên mới. Do đó các nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn có thể hoạt động khi thiếu vắng thành viên”, Kim Young Dae chỉ ra.
Một yếu tố hữu ích khác là người hâm mộ Kpop đã quen với việc nhóm nhạc họ yêu thích thiếu đi thành viên nào đó. Kim Young Dae nhận định thần tượng Kpop thường hoạt động với mô hình nhóm nhỏ. Vì vậy, khi một vài thành viên rời đi, người hâm mộ có thể dễ chấp nhận hơn.
GOT7 tiếp tục hoạt động sau khi các thành viên rời khỏi công ty cũ. |
“Đặc biệt, với nhóm nhạc thần tượng nam, người hâm mộ đã quen với việc các thành viên phải vắng bóng suốt 2 năm để hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Do đó họ không quá sốc khi thành viên nào đó rời nhóm. Đương nhiên, với người hâm mộ, họ thích sự trọn vẹn nên bất cứ sự thiếu vắng của thành viên nào cũng khiến họ buồn bã”, nhà phê bình đánh giá.
“Tôi tự tin điều đó không xảy ra sớm, nhưng tôi không thể tưởng tượng bản thân thế nào khi nhóm nhạc yêu thích của tôi tan rã”, một người hâm mộ 18 tuổi của nhóm nhạc nam NCT Dream nói với Korea JoongAng Daily.
Nhà phê bình Kim Young Dae cho biết: “Trong giai đoạn đầu sau khi ra mắt, các nhóm có thể dễ dàng thay đổi thành viên và sắp xếp lại đội hình. Nhưng sau khi hình ảnh của nhóm được thiết lập ở mức độ nào đó, những thay đổi về thành viên nhất định ảnh hưởng đến sự nghiệp của nhóm. Điều đó chắc chắn ảnh hưởng đến danh tính của một nhóm nhạc và fandom của họ, đặc biệt nếu thành viên rời đi có lượng lớn người hâm mộ. Rất hiếm khi một nhóm mất đi thành viên và trở nên thành công hơn”.
Tuy nhiên, giáo sư Lee tỏ ra lạc quan về tương lai của các nhóm nhạc Kpop. Theo ông, nhiều nhóm nhạc đã vượt qua lời nguyền 7 năm. Hợp đồng của 7 thành viên GOT7 với JYP Entertainment kết thúc vào năm 2021 và các chàng trai hiện thuộc công ty quản lý khác nhau. Tuy nhiên, họ sẽ phát hành sản phẩm mới vào ngày 23/5 với tư cách một nhóm hoàn chỉnh gồm 7 người, nhờ sự hợp tác của mỗi công ty.
TVXQ, Super Junior, EXO, SNSD, T-ara là ví dụ đáng chú ý về những nhóm nhạc vẫn hoạt động sau 7 năm và mất đi thành viên.
“Những thần tượng thế hệ thứ hai và đặc biệt là thế hệ thứ 3 đã đi một chặng đường dài. So với những thần tượng thế hệ đầu tiên chỉ tồn tại được 5 năm. Giờ đây, có nhiều cách thay thế để các nhóm có tuổi thọ dài hơn”, giáo sư Lee Gyu Tag nhận định.