Infinity War và Endgame là hai trong số những siêu bom tấn ăn khách nhất mọi thời đại. Bộ đôi này sau khi ra mắt đã càn quét phòng vé toàn cầu suốt nhiều tuần, liên tục chinh phục những cột mốc doanh thu ấn tượng. Có rất nhiều yếu tố góp phần tạo nên thành công của phim, từ cặp đạo diễn tài năng Joe/Anthony Russo, dàn sao đình đám, cho tới nội dung hay thậm chí là CGI mãn nhãn.
Bên cạnh đó, khó phủ nhận sức hấp dẫn của Infinity War và Endgame một phần lớn đến từ phản diện Thanos (Josh Brolin thủ vai). Sự xuất hiện của gã ác nhân tạo nên cơn sốt chấn động phòng vé mà chưa bộ phim MCU nào trước đó làm được. Thanos được đông đảo khán giả và các nhà phê bình khen ngợi. Gã thường được nhắc tới với biệt danh “phản diện tuyệt vời nhất lịch sử dòng phim siêu anh hùng”.
Dấu ấn khó phai của “triều đại” Thanos
Để có được thành công ấn tượng như vậy, Marvel Studios đã phải tốn hàng thập kỷ chuẩn bị cho màn chào sân của kẻ phản diện này. Trước đó, gã Titan điên từng được “nhá hàng” trong đoạn post-credit của The Avengers (2012). Chỉ bằng giọng nói ma mị và một nụ cười bí ẩn, cái tên Thanos đã khiến người xem phải tò mò, thậm chí tạo nên nhiều cuộc tranh luận về màn ra mắt của hắn trong MCU.
Các bộ phim trong Infinity Saga (bao gồm Giai đoạn 1, 2 và 3) của Vũ trụ Điện ảnh Marvel thể hiện rõ tính liên kết. Hầu hết sự kiện diễn ra đều có liên quan đến âm mưu to lớn của gã Titan điên. Dù không trực tiếp xuất hiện, cảm giác về sự hiện hữu của Thanos vẫn âm thầm tồn tại. Hắn chủ yếu ra lệnh cho tay sai lùng sục mọi ngõ ngách của vũ trụ, nhằm mục đích thu thập đủ 6 Viên đá Vô cực.
Thanos vẫn là tượng đài không thể thay thế của MCU. Ảnh: Marvel Studios. |
Nhờ sự kỳ công xây dựng xuyên suốt khoảng thời gian dài như vậy, màn chào sân của Thanos đã rất thành công. Chính thức đặt chân lên màn ảnh rộng trong Infinity War, Thanos dù là phản diện vẫn được lòng nhiều khán giả.
Không bị rập khuôn như đa số phản diện trong nhiều phim siêu anh hùng khác, nhân vật thể hiện được động cơ và tính cách nhất quán, có chiều sâu. Ngoài ra, sự thú vị của Thanos còn nằm ở lý tưởng mà hắn theo đuổi, được khai thác dưới góc nhìn đa chiều.
Sự hiện diện của gã đã phá vỡ mọi định kiến mà Marvel phải hứng chịu. Bởi trước đó, các dự án nhà MCU thường bị giới chuyên gia chỉ trích vì sự khập khiễng giữa hai tuyến nhân vật. Không khó để liệt kê các phản diện “tệ” đến mức đáng quên mà Marvel Studios từng tạo ra, đơn cử là Whiplash, Laufey, Abomination, Malekith, Alexander Pierce, Ronan và còn nhiều cái tên khác.
Đây đều là những nhân vật theo dạng "dùng một lần", khó để lại ấn tượng với người xem. Sở dĩ nói như vậy vì họ được xây dựng đơn chiều, thậm chí ngớ ngẩn, chỉ như những tấm thảm trải sẵn trên hành phiêu lưu của các Avengers.
Sự trồi sụt của tuyến phản diện MCU
Hầu hết phim siêu anh hùng MCU đều tuân thủ một cấu trúc nhất định. Thông thường, các người hùng - đại diện cho tuyến chính diện - sẽ phải tìm cách ngăn chặn một kẻ xấu hay ác nhân có dã tâm đe dọa xã hội.
Việc lặp đi lặp lại một mô-típ quen thuộc dễ khiến hãng phim rơi vào vũng bùn của những chiêu trò thu hút. Thậm chí, đạo diễn Luc Besson cũng từng phải lên tiếng về vấn đề này. Câu chuyện xoay quanh các nhân vật bước ra từ truyện tranh ngày càng trở nên nhàm chán, chủ yếu do thiếu sự đột phá trong kịch bản.
Mới đây, đạo diễn James Gunn cũng thừa nhận rằng Marvel khó làm phim hay sau Avengers: Endgame. Theo anh, vấn đề không chỉ là các nhân vật, mà còn nằm ở cách các nhà làm phim kể chuyện.
Thanos để lại "lời nguyền" cho tuyến phản diện MCU. |
Rõ ràng, sự kiện Endgame không chỉ khép lại Infinity Saga của MCU, mà còn khép lại thời huy hoàng của chính hãng phim. Bên cạnh sự kế thừa “nhạt nhẽo” của thế hệ siêu anh hùng mới, Marvel Studios cũng chưa thể tạo ra một phản diện thực sự nổi trội.
Sau Thanos, Kang the Conqueror được xem là ác nhân chủ chốt trong Multiverse Saga (Giai đoạn 4, 5 và 6). Dẫu vậy, màn ra mắt mờ nhạt của nhân vật này trong Quantumania khiến khán giả không khỏi thất vọng. Được hãng quảng cáo là “đối trọng” của Thanos, song, Kang vẫn tỏ ra khá yếu đuối, chưa để lại bất cứ ấn tượng đặc biệt nào. Ngoài ra, Saga thứ 2 của MCU còn mang đến nhiều ác nhân nhàm chán khác.
Namor (trong Black Panther 2) có lẽ là một trong số phản diện hiếm hoi được xây dựng đa chiều và thực sự là thách thức với tuyến chính diện. Dù vẫn còn lỗ hổng, đạo diễn đã khắc họa thành công chiều sâu nhân vật, bên cạnh câu chuyện nguồn gốc tương đối thuyết phục. Tuy nhiên, hồi kết Black Panther 2 lại “dìm chết” nhân vật, vô tình biến Namor trở nên “nửa vời”, vơi hẳn sức hấp dẫn đã mất công xây dựng từ đầu phim.
Vệ binh dải Ngân Hà 3 chưa xóa được "lời nguyền"
Khởi chiếu từ đầu tháng 5, phần 3 Vệ binh dải Ngân Hà là tín hiệu tích cực mới từ MCU. Bộ phim cuối cùng của James Gunn trước khi rời Marvel nhận những đánh giá khả quan từ khán giả lẫn các nhà phê bình. Nhiều ý kiến cho rằng đây là phim hay nhất kể từ sau Avengers: Endgame.
Cốt truyện đơn giản, nhưng tác phẩm vẫn thành công chinh phục người xem bằng cách dẫn dắt đan xen khéo léo giữa thực tại - quá khứ, cùng việc khai thác câu chuyện cảm động về nguồn gốc nhân vật. Chưa kể, phim còn mang tới CGI mãn nhãn, do đội ngũ hậu kỳ không phải chịu áp lực thời gian như nhiều dự án khác trước đó.
Adam Warlock và High Evolutionary chưa ấn tượng. Ảnh: Marvel Studios. |
Chuyện phim khởi nguồn từ việc nhóm Vệ binh bị một nhân vật lạ mặt tấn công. Cuộc đột kích khiến Rocket Raccoon trọng thương, buộc các đồng đội phải đột nhập căn cứ kẻ thù tìm cách chữa trị cho cậu trước khi quá muộn. Cũng từ đây, quá khứ của chú gấu mèo được hé lộ, lấy đi nước mắt của không ít khán giả.
Phim đã xây dựng tuyến chính diện khá tốt. Bên cạnh câu chuyện đầy cảm xúc của Rocket, các nhân vật còn lại đều có sự trưởng thành trông thấy. Đây được coi là màn tri ân trọn vẹn khép lại hành trình của các siêu anh hùng đặc biệt này. Thậm chí, ngay cả những nhân vật phụ như Cosmo hay Kraglin cũng được dành thời gian để hoàn thành câu chuyện trước khi phim khép lại.
Tuy nhiên, MCU một lần nữa lại gây thất vọng bởi sự hụt hơi khi xây dựng tuyến phản diện. Adam Warlock và High Evolutionary đều có màn thể hiện đáng quên trong phim. Sự rập khuôn, một màu và đầy tính sắp đặt biến cả hai thành những nhân vật kém hấp dẫn.
Đây là vấn đề “thâm căn cố đế” của MCU trong Giai đoạn 4 và 5, khi nhiều phản diện như Gorr, Scarlet Witch, Văn Vũ... hoặc xuất hiện hời hợt, hoặc câu chuyện không thuyết phục, khó cảm.
Trở lại với Vệ binh dải Ngân Hà 3, High Evolutionary là phản diện chính nhưng chưa định hình chiến lược cụ thể. Dù sở hữu trí tuệ kiệt xuất, gã lại tỏ ra ngờ nghệch và đầy sơ hở trong mỗi quyết định, nước đi. Trong khi đó, Adam Warlock đúng nghĩa chỉ là nhân vật “ở rìa” của tác phẩm, được đưa vào với tư cách “ra mắt” mà không được phát triển cẩn thận. Do đó, sự xuất hiện của nhân vật tỏ ra thừa thãi.
Vệ binh dải Ngân Hà 3 đã tiến bộ đáng kể, song vẫn chưa thể xóa bỏ được “lời nguyền” mà Endgame để lại. Dù đã đi được nửa chặng đường Multiverse Saga, MCU vẫn chưa tìm ra một phản diện hay như Thanos.
Chuyên mục Giải trí giới thiệu Những món vũ khí mạnh nhất của Thanos: Bên cạnh chiếc Găng tay vô cực từng làm mưa làm gió trên màn ảnh rộng, người hâm mộ có cơ hội khám phá thêm các món vũ khí siêu khủng khiếp được sở hữu bởi Thanos.