Thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2016 được soát xét bởi các công ty kiểm toán. Từ đây, điệp khúc lãi thành lỗ, lỗ ít thành lỗ nhiều của nhiều doanh nghiệp đã khiến nhà đầu tư được phen thót tim vì kết quả “đổi trắng thay đen” lại xuất hiện.
Lỗ tăng theo cấp số nhân
Công ty chứng khoán Agribank (AGR) có mức lỗ 164 tỷ đồng theo báo cáo tài chính tự lập nhưng sau kiểm toán thì mức lỗ lên tới 424 tỷ đồng.
Lỗ đã tăng gấp 2,5 lần và là mức lỗ khủng hàng đầu trong số các doanh nghiệp niêm yết.
Nguyên nhân của kết quả trên là chi phí hoạt động sau soát xét của AGR tăng từ 164 tỷ đồng lên 428 tỷ đồng. Ngoài khoản trích lập 155 tỷ đồng do đầu tư vào cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai thì AGR phải ghi nhận thêm 167 tỷ đồng chi phí lãi vay, lỗ từ các khoản cho vay, phải thu và gần 101 tỷ đồng chi phí khác.
Dù là công ty chứng khoán có vốn điều lệ đứng thứ 2 thị trường nhưng do thua lỗ triền miên, mỗi cổ phiếu AGR hiện chỉ còn 2.500 đồng. Tính đến 30/6, lỗ lũy kế của doanh nghiệp này đã lên tới 581 tỷ đồng.
Tương tự, Báo cáo tài chính soát xét bán niên của CTCP Thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cho thấy doanh nghiệp này lỗ gần 19,6 tỷ đồng chứ không phải gần 6,5 tỷ đồng như công bố trước đó.
Giải trình về mức lỗ bỗng nhiên tăng gấp 3 lần, công ty cho biết có bán lô cá ngừ nguyên liệu 10 tỷ đồng nhưng chất lượng giảm phải hạ giá nên bị lỗ 4,4 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty phải trích khấu hao quyền sử dụng đất đã hết thời hạn 7,7 tỷ đồng, dự phòng giảm giá hàng tồn kho 3,8 tỷ đồng, lãi vay 1,4 tỷ đồng, dự phòng phải thu khó đòi 1,3 tỷ đồng và chi phí khác gần 900 triệu đồng.
CTCP Hạ tầng Sông Đà (SDH) cũng là doanh nghiệp có số lỗ tăng theo cấp số nhân sau kiểm toán. SDH báo cáo cho biết lỗ 5,6 tỷ đồng nhưng con số này đã tăng thêm 2,6 lần, tức 15 tỷ đồng. Nguyên nhân là công ty có nhiều khoản công nợ ứ đọng, khó khăn trong thu hồi nên công ty kiểm toán đã trích lập dự phòng 10 tỷ đồng.
Một số công ty khác cũng có số lỗ tăng mạnh như CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) lỗ từ gần 2 tỷ lên gần 12 tỷ đồng, CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) tăng thêm 6 tỷ đồng so với báo cáo tài chính chưa soát xét, Công ty Cổ phần Địa ốc Đà Lạt lỗ tăng thêm gần 3 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại Thủy Sản (ICF), Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bạch Đằng TMC,…
Từ lãi sang lỗ nặng
Bên cạnh những trường hợp lỗ chồng lỗ sau kiểm toán thì nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng đang lãi chuyển thành lỗ.
Đơn cử, tại CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội (NHN), lợi nhuận sau thuế công ty mẹ bất ngờ âm gần 99 tỷ đồng sau kiểm toán. Nguyên nhân là lợi ích cổ đông không kiểm soát chuyển từ lỗ 64,8 tỷ đồng sang lãi 108,8 tỷ đồng.
CTCP Khoáng sản và Vật liệu Xây dựng Hưng Long (KHL) là công ty bị đặt nhiều dấu hỏi về tính minh bạch trong điều hành và quản trị doanh nghiệp. Cụ thể, KHL không những vi phạm công bố thông tin mà nội dung công bố cũng không chính xác về việc sử dụng vốn chào bán chứng khoán, có biểu hiện gian dối đối với nhà đầu tư. KHL bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt, cổ phiếu bị hạn chế giao dịch trên thị trường.
Mới đây, tại báo cáo kết quả 6 tháng, doanh nghiệp này đã “vẽ ra” lợi nhuận 367 triệu đồng nhưng khi kiểm toán vào cuộc đã phát hiện hàng loạt vấn đề tại đây và mức lỗ nâng lên gần 13 tỷ đồng.
Sau những bê bối về kết quả tại Gỗ Trường Thành, ông Võ Trường Thành đã đã bị bãi nhiệm chức Chủ tịch HĐQT tại đây. |
Rúng động trên thị trường chứng khoán trong thời gian qua là CTCP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) - doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu gỗ Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính quý I/2016 của TTF tự lập thì doanh nghiệp này lãi 54 tỷ đồng. Sau khi kiểm toán vào cuộc ở báo cáo soát xét 6 tháng thì TTF đang lãi chuyển thành lỗ 1.211 tỷ đồng do thiếu hàng tồn kho.
Mặc dù không ghi nhận lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế của nhiều doanh nghiệp cũng “bốc hơi” tới 60% - 70% như ở Saigontel báo lãi hơn 23 tỷ đồng xuống còn 3,7 tỷ đồng, In & Bao bì Mỹ Châu giảm lãi 12 tỷ đồng. Khoáng sản Hòa Bình, Khoáng sản Luyện kim màu… cũng tương tự.
Cần có chế tài đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm
Việc kết quả kinh doanh của doanh nghiệp quay ngoắt 180 độ, chủ yếu theo chiều hướng xấu đi đã khiến nhiều cổ đông đặt câu hỏi về trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo tài chính, công bố các thông tin liên quan cho cổ đông.
Theo một chuyên gia tài chính thì hiện doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán tự lập báo cáo tài chính hàng quý, chỉ có báo cáo tài chính 6 tháng và báo cáo năm mới phải thực hiện kiểm toán. Việc chênh lệch các số liệu đã thể hiện sự thiếu minh bạch của doanh nghiệp. Từ đây, nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu có hay không tình trạng trục lợi từ phía doanh nghiệp khi muốn giữ giá cổ phiếu, giấu các thông tin bất lợi.
Thực tế vẫn có những quan điểm khác nhau về hạch toán chi phí, giá vốn, trích lập dự phòng khi doanh nghiệp tự lập báo cáo tài chính nhưng số liệu chênh nhau không nhiều. Báo cáo tài chính có những chuẩn mực kế toán riêng đã được quy định. Vì vậy số liệu nhảy múa từng thời điểm khác nhau đã gây mất uy tín của doanh nghiệp.
Để thông tin đến với nhà đầu tư được chính xác hơn, cơ quan quản lý cần xử phạt mạnh đối với doanh nghiệp thường xuyên sai phạm để đảm bảo tính răn đe và giúp thị trường minh bạch hơn.