Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lời nói dối về bản năng làm mẹ ở phụ nữ

Quan niệm sai lệch rằng làm mẹ là thiên chức của nữ giới đã góp phần duy trì bất bình đẳng suốt hàng thập kỷ. Khoa học đang chứng minh điều ngược lại.

Khi Mimi Niles bắt đầu làm mẹ, hàng xóm của cô cũng có cặp sinh đôi. Khi tình cờ gặp nhau ở hành lang hoặc ngoài đường, Niles thường hỏi thăm người phụ nữ kia.

“Tôi rất hạnh phúc. Có con thật tuyệt vời”, người hàng xóm nói.

Câu trả lời làm Niles chết lặng. Cô cảm thấy làm mẹ là điều tuyệt vời nhưng cũng thường xuyên kiệt sức và lo lắng. Cô ngủ ít và khóc nhiều. Dù đã cố gắng gắn kết với con gái, cô luôn phải vật lộn để hiểu đứa bé cần gì.

Những khó khăn của Niles rất ít khi được nhắc đến trong câu chuyện làm mẹ. Xung quanh cô, mọi người chỉ nói về niềm vui và sự xúc động khi lần đầu có con. Sự dịu dàng và vị tha đối với trẻ nhỏ được coi như bản năng tự nhiên ở nữ giới.

Tuy nhiên, đó là một quan điểm khá độc hại, được xây dựng và củng cố bởi nam giới qua hàng thập kỷ. Nó khiến ta hiểu sai bản chất của việc làm cha mẹ và ngăn cản người mẹ nhận được sự hỗ trợ cần thiết, theo New York Times.

Nghiên cứu mới về não bộ của cha mẹ cho thấy thiên chức làm mẹ ở phụ nữ là một lời nói dối. Bất chấp nỗ lực của các nhà nữ quyền để xóa bỏ hiểu lầm này, nó vẫn tồn tại rộng rãi đến ngày nay.

thien chuc lam me,  ban nang lam me anh 1

Bản năng làm mẹ là một điều không có thật, được ngụy tạo nhằm giới hạn phụ nữ. Ảnh: Baby Chick.

Lịch sử

Trong Cơ đốc giáo, hình mẫu người mẹ được lấy cảm hứng từ huyền thoại Eva và Đức Mẹ Maria - 2 người phụ nữ với phẩm hạnh cùng sự phục tùng vô điều kiện. Điều này tạo ra quy chuẩn đạo đức rất khắc nghiệt với nữ giới thời bấy giờ.

Năm 1800, Charles Darwin cùng các nhà khoa học ủng hộ thuyết tiến hóa đã thay đổi cách hiểu về bản chất con người, với trọng tâm chuyển từ tôn giáo sang sinh học.

Điều này tưởng chừng sẽ giúp xóa bỏ quan điểm trước đây về phụ nữ và việc làm mẹ. Thế nhưng, Darwin lại dùng khoa học để củng cố ý niệm rằng chức năng chính của nữ giới là sinh đẻ và chăm con. Theo Darwin, phụ nữ có đặc điểm sinh học phù hợp với việc chăm sóc, còn đàn ông sinh ra để cạnh tranh. Vì vậy, nam giới vượt trội hơn nữ giới ở gần như mọi mặt, bao gồm khả năng tư duy, lập luận và tưởng tượng.

Các nhà hoạt động nữ quyền đã sớm chống lại những tư tưởng này. Năm 1875, nhà nữ quyền Antoinette Brown Blackwell phản bác rằng Darwin chỉ đơn thuần tìm ra “lối lập luận mới cho kết luận cũ” về sự thấp kém của phụ nữ.

Blackwell và đồng nghiệp đưa ra giải pháp là các nhà khoa học nữ học tập, nghiên cứu nhằm tìm ra khía cạnh mới. Điều này nói dễ hơn làm, bởi trong giai đoạn đó, phụ nữ rất khó tiếp cận khoa học do những rào cản bất công của hệ thống.

Trong vài thập kỷ tiếp theo, khi phụ nữ đã có thể tham gia nghiên cứu khoa học, họ nỗ lực đẩy lùi những quan niệm lỗi thời về bản năng làm mẹ. Tuy nhiên, khái niệm này vẫn tồn tại, thậm chí trở nên phổ biến hơn sau Thế chiến 2. Ở thời bình, khi đàn ông trở về từ chiến trường, cơ hội việc làm cho nữ giới dần biến mất.

thien chuc lam me,  ban nang lam me anh 2

Xuyên suốt lịch sử, việc sinh nở và chăm con được coi là thiên chức của phụ nữ. Ảnh: Today's Parent.

Thay đổi

Ngày nay, đã có nhiều lời khẳng định rằng làm mẹ không phải nghĩa vụ hay sứ mệnh và phụ nữ vẫn là một bản thể hoàn thiện nếu không có con.

Tuy vậy, bản năng làm mẹ vẫn thường được nhắc đến trong các bài viết khoa học, lời khuyên về nuôi dạy con cái và các cuộc trò chuyện thường ngày.

Quan niệm ngụy tạo về bản năng làm mẹ đặt hết trách nhiệm liên quan đến con cái lên người phụ nữ. Nó khiến những ông bố trở thành kẻ ngoài cuộc hoặc chỉ đóng vai trò phụ trong việc nuôi dạy con.

Đồng thời, nó ảnh hưởng quyền lợi và sự công nhận đối với các cặp đồng tính cũng như những bậc cha mẹ chuyển giới, phi nhị nguyên giới. Đây là nhóm thường bị nghi ngờ về khả năng chăm sóc con cái.

Hiện nay, những câu chuyện hoàn hảo về việc mang thai và làm mẹ đang bị thách thức. Ngày càng nhiều người chia sẻ những khía cạnh không mấy hào nhoáng của việc làm cha mẹ và cú sốc khi lần đầu có con.

Trên mạng xã hội, các bà mẹ chia sẻ trải nghiệm thực tế khi mang thai, chăm trẻ, hình ảnh cơ thể sau sinh, nỗi lo về việc nuôi dạy con cái, cũng như nguyên nhân dẫn đến tình trạng sảy thai, vô sinh.

Những hình ảnh được đăng tải cũng chân thực hơn: vết rạn da, vết sẹo mổ, nước mắt, bãi nôn, một lần cho con bú vụng về, bàn tay ôm lấy chân của bé.

thien chuc lam me,  ban nang lam me anh 3

Hiện nay, đã có nhiều thay đổi trong quan điểm về phụ nữ và vai trò người mẹ. Ảnh: Huffington Post.

Khoa học về não bộ của cha mẹ, hiện là công trình của các nữ khoa học gia, có thể phơi bày những thành kiến cũ và chuẩn mực lỗi thời, tiết lộ ảnh hưởng của chúng lên cách ta suy nghĩ về gia đình, cha mẹ, đồng thời đưa ra góc nhìn mới.

Sử dụng công nghệ hình ảnh não và những công cụ khác, kết hợp tham khảo tài liệu về động vật, giới khoa học đã phát hiện ra rằng não bộ của cha mẹ cần thời gian để đáp ứng việc nuôi con. Sự thích nghi này được thúc đẩy bởi cả kinh nghiệm chăm trẻ lẫn thay đổi nội tiết tố khi mang thai và sinh nở.

Các nghiên cứu cho thấy khoảng 10% người sinh con mắc chứng lo âu sau sinh. Trong nhiều tuần và tháng đầu, não bộ của những người mới làm cha mẹ rơi vào trạng thái kích thích mạnh, với sự gia tăng hoạt động ở các vùng não liên quan đến động lực, sáng tạo ý nghĩa và cảnh giác. Điều này giúp cha mẹ hiểu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của trẻ sơ sinh.

Dù cơ chế sinh học ở người mang thai khác người không mang thai, các nhà khoa học tin rằng chỉ cần cha mẹ dành thời gian và tâm trí vào việc chăm sóc đứa trẻ, não bộ của họ cũng sẽ thay đổi như nhau.

Phát hiện này đem lại sự công nhận cho các kiểu gia đình đa dạng: bố mẹ nuôi, đồng tính, chuyển giới. Đồng thời, nó cho thấy việc làm phụ huynh là giai đoạn phát triển mới, cần nhiều thời gian, đi kèm những nguy cơ và thay đổi lớn.

Trên hết, nó giúp cuộc trò chuyện giữa các bậc cha mẹ thêm chân thực và mang tính động viên, chia sẻ.

Áp lực phải gầy của phụ nữ

Phụ nữ châu Á thường bị định kiến ​​là mỏng manh, yếu đuối và gầy gò. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể hoặc muốn đáp ứng những tiêu chuẩn đó.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm