Ban đầu, những người ủng hộ tiền số chĩa mũi dùi công kích vào hệ thống ngân hàng tập trung hiện nay. Họ cho rằng viễn cảnh về một hệ thống tài chính không bị trói buộc bởi các ngân hàng lớn sẽ tốt hơn nhiều.
Tuy nhiên, khi một công ty tiền số lớn thông báo họ có hàng tỷ USD vẫn bị mắc kẹt tại SVB, phe chỉ trích tiền số được dịp lên tiếng. Một số nhà đầu tư công nghệ lập luận rằng chính các đặc điểm của thế giới tiền số đã góp phần tạo ra khủng hoảng.
Những tuyên bố qua lại là chỉ dấu cho thấy chủ nghĩa bè phái trong ngành công nghệ Mỹ. Hệ thống ngân hàng, người gửi tiền, chính phủ và chính SVB đều là các đối tượng bị chỉ trích.
Sự sụp đổ bất ngờ
Cuộc khủng hoảng tại SVB bắt đầu từ hôm 8/3 khi ngân hàng này tiết lộ họ đã mất gần 2 tỷ USD, cũng như cho biết sẽ bán tài sản để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng. Thông tin trên đã gây ra làn sóng sợ hãi trong ngành công nghệ. Nhiều công ty khởi nghiệp tức tốc rút tiền khỏi ngân hàng.
Giống như nhiều vụ việc rút tiền hàng loạt khác, dự đoán của các khách hàng đã tự biến thành sự thật. Tới hôm 10/3, giới chức Mỹ tuyên bố sẽ giành quyền kiểm soát SVB. Đây là ngân hàng lớn nhất sụp đổ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Các công ty công nghệ không kịp rút tiền giờ đây đau đầu với bài toán trả lương nhân viên bằng cách nào.
Theo giới chức bang California, tình hình tài chính tại SVB vẫn ổn trước ngày 9/3. Ngân hàng này chỉ mất khả năng thanh toán sau khi các nhà đầu tư và người gửi tiền đồng loạt rút tiền.
Giống như nhiều ngân hàng lớn khác, SVB không giao dịch nhiều với ngành công nghiệp tiền số. Đây dường như lại là vận may với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Một chi nhánh của SVB tại San Francisco. Ảnh: New York Times. |
“Nhiều công ty khởi nghiệp gặp khó khăn khi muốn làm ăn với SVB”, ông Haseeb Qureshi, nhà đầu tư tiền số tại công ty đầu tư mạo hiểm Dragonfly, nói. “Do đó, ảnh hưởng với chúng tôi thấp hơn so với dự báo”.
Tuy vậy, không phải không có ngoại lệ. Circle, công ty phát hành stablecoin (các loại tiền số được thiết kế để giữ tỷ giá ổn định với tiền pháp định), cho biết họ có gửi một lượng tiền vào SVB.
Tới hôm 10/3, Circle xác nhận số tiền họ gửi là 3,3 tỷ USD - trên tổng số 40 tỷ USD dự trữ. Công ty cho biết lệnh rút tiền từ hôm 9/3 vẫn chưa thể thực hiện.
Thông tin này đã khiến giá đồng stablecoin USDC của Circle không thể tiếp tục giữ tỷ giá 1 đổi 1 với USD. Tới cuối ngày 10/3, sàn giao dịch tiền số Coinbase tuyên bố ngừng chuyển đổi giữa USDC và USD do biến động trên thị trường.
Đâu là nguyên nhân?
Giới ủng hộ tiền số coi sự sụp đổ của SVB là bằng chứng ủng hộ luận điểm mà họ đã nhiều lần lặp lại từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự kiện cho thấy hệ thống tài chính đang bị tập trung hóa quá mức.
“Các thực thể tập trung ít công khai hơn”, ông Brad Nickel, chuyên gia về tiền số, nói. Theo ông, nếu tiền số phổ biến trong hệ thống tài chính thế giới, nhiều sự cố sẽ không xảy ra hoặc ít nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, những người phản đối tiền số cho rằng một khi tiền số là phương tiện chủ đạo, những vụ sụp đổ như với SVB sẽ trở nên tồi tệ hơn.
“Nếu đây là một ngân hàng tiền số không bị điều chỉnh, số tiền có thể biến mất”, ông Joe Marchese, một nhà đầu tư tại hãng đầu tư mạo hiểm Human Ventures, nói. Việc giới chức Mỹ đã xử lý tình hình một cách có trật tự cho thấy “hệ thống vẫn đang hoạt động”.
Biểu tượng của Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) trong một chi nhánh của SVB tại Wellesley, bang Massachusetts, Mỹ. Ảnh: AP. |
Trong những ngày tới, giới chức Mỹ sẽ trả những người gửi tiền tối đa 250.000 USD, trong khi giám sát quá trình phục hồi lại số tiền đã mất.
“Không có đơn vị quản lý tiền số nào bảo hiểm 250.000 USD cho mỗi tài khoản”, ông Danny Moses, một nhà đầu tư mạo hiểm, chỉ ra.
Trong khi đó, một số nhà phân tích khác nhận định chính SVB đã tự làm xấu đi tình hình khi thông báo khoản mất mát về tài chính ngay sau khi ngân hàng Silvergate Capital - vốn có quan hệ chặt chẽ với giới tiền số - bắt đầu thu hẹp quy mô hoạt động vào tuần trước.
Theo các nhà phân tích này, cách thức giao tiếp của SVB đã góp phần khiến khách hàng hốt hoảng, dẫn đến rút tiền hàng loạt.
“Dù đến từ nguyên nhân nào, SVB đã công bố thông tin sai thời điểm”, ông Adam Sterling tại Trường Luật, Đại học California, Berkeley, nói.
Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế
Mục Thế giới giới thiệu cuốn “Quốc gia thăng trầm: Lý giải vận mệnh của các nền kinh tế” được NXB Thế giới cho ra mắt vào năm 2018. Tác phẩm làm rõ sự phát triển và đi xuống của nền kinh tế thế giới từ cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000. Cuốn sách vạch ra 10 quy luật để nhận diện về chu kỳ kinh tế dẫn đến vận mệnh tăng trưởng hay suy thoái của một quốc gia.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.