Năm học mới bắt đầu chưa lâu, chúng tôi liên tục nhận được đơn của tập thể giáo viên (GV) nhiều trường phổ thông ở TP HCM khiếu kiện người đứng đầu nhà trường - hiệu trưởng (HT), về những bất công trong phân chia lợi ích, một vấn đề đã rộ lên trong năm học vừa qua và chưa có dấu hiệu dừng lại.
Giáo viên nai lưng làm, hiệu trưởng hưởng?
Xã hội hóa giáo dục là một chính sách đúng nhằm thu hút nhiều nguồn lực của xã hội cho giáo dục. Từ khi thực hiện chủ trương này, ngoài nguồn ngân sách được cấp, các trường còn có thêm nhiều nguồn thu không hề nhỏ như học phí buổi hai, học phí tăng tiết, tiếng Anh, vi tính, bán trú...
Với nguồn thu tăng tiết, việc chi được quy định không quá 65% cho GV giảng dạy (trước đây là 80%), 15% cho công tác quản lý, còn lại dành cho các khoản chi khác. Với dạy hai buổi, việc chi không được quy định rõ, nhưng nhiều trường cũng áp dụng theo cách chi nguồn thu tăng tiết.
Tuy nhiên, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) không biết căn cứ vào đâu lại tự đặt ra quy định mỗi tuần HT được hưởng 30 tiết buổi hai và 12 tiết kiêm nhiệm, sau đó lại trừ đi 17 tiết nghĩa vụ (trong khi theo quy định HT chỉ có 2 tiết nghĩa vụ ).
Với quy định “lòng vòng” đó, mỗi tháng HT được hưởng 100 tiết, tương đương số tiền gần 10 triệu đồng. Trong khi đó, GV các môn tiếng Anh, Văn, Toán dạy nhiều nhất cũng chỉ được khoảng 16-20 tiết/tháng, nhận được thù lao từ 1,6 - 2 triệu đồng, thua đến năm sáu lần mức HT được hưởng!
Môi trường giáo dục không thể chấp nhận chuyện khuất tất thu chi, lợi ích nhóm - Ảnh: Phụ Nữ TP HCM. |
Trường lại trả thù lao tăng tiết theo thâm niên (từ 66.000- 99.000đ/tiết), nên trên thực tế, thù lao của nhiều GV từ nguồn học phí buổi hai còn thấp hơn nữa; những GV các môn không có tiết tăng thì không được hưởng đồng nào.
Đó là chưa kể, trường còn đem số tiết tăng cấn trừ vào số tiết dạy nghĩa vụ nếu GV chưa dạy đủ 17 tiết/tuần (dù để GV thiếu tiết dạy là lỗi của ban giám hiệu chứ không phải lỗi GV).
Những quy định vừa nêu đã làm cho sự chênh lệch thu nhập từ nguồn thu buổi hai giữa HT với GV tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai là rất lớn. Theo tính toán của nhiều GV, mức thu nhập từ học phí buổi hai của HT gấp 10 lần mức thu nhập bình quân của GV. Do vậy, GV cảm thấy họ đang nai lưng làm việc cho HT… hưởng!
Vấn đề là dựa vào đâu để quy định HT được hưởng 30 tiết tăng và 12 tiết kiêm nhiệm? Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai giải thích, quy định này đã tồn tại từ đời HT trước, trong đó 30 tiết tăng được tính cho 10 buổi làm việc/tuần (mỗi buổi được tăng 3 tiết); riêng 12 tiết kiêm nhiệm/tuần là đã giảm so với trước (trước quy định 18 tiết).
Nhưng vô lý ở chỗ, HT là công chức nhà nước, phải làm việc 40 giờ /tuần, vậy thì lấy đâu ra thời gian để làm thêm 30-40 tiết nữa?
Bức xúc, 61 GV đã cùng ký một kiến nghị yêu cầu trường phải thay đổi cách chi học phí buổi hai theo hướng 15% cho bộ phận gián tiếp, trong đó có HT, phó HT, kế toán, thủ quỹ, nhân viên văn phòng, giám thị, bảo vệ; chi 65% cho GV trực tiếp giảng dạy, GV dạy tiết nào được trả tiết đó mà không bị khấu trừ vào tiết nghĩa vụ; phần còn lại dành cho các hoạt động khác.
Đề đạt này được gửi đi từ tháng 11/2014 nhưng lãnh đạo trường cho rằng việc chi đã được thống nhất trong quy chế chi tiêu nội bộ nên muốn sửa đổi phải chờ đến năm học sau (!?).
Cũng thế, trong suốt năm học vừa qua, tập thể GV và HT Trường THCS Phước Bình (quận 9) không thể thống nhất được với nhau về mức chi các nguồn quỹ học phí buổi hai, bán trú và tăng cường tiếng Anh.
Ông HT thì đòi chi 15% ở cả ba khoản tiền trên cho công tác quản lý trong khi GV cho rằng tỷ lệ đó là quá cao, đòi hạ xuống 10%. Đòi hỏi của GV không phải là vô cớ, bởi vào cuối năm học trước, Phòng Kế hoạch tài chính quận về trường kiểm tra và kết luận:
“Đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ với mức chi cho bộ phận quản lý chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng chi của các quỹ, trong khi số người của bộ phận này lại ít, từ đó dẫn đến chênh lệch về thu nhập giữa bộ phận cán bộ quản lý và cán bộ công nhân viên tương đối lớn”.
Thế nhưng ông HT nhất định không chịu thiệt. Mâu thuẫn này kéo dài đến cuối năm, cuối cùng HT chấp nhận nhượng bộ, hạ tiền quản lý xuống còn 13% và đưa vấn đề ra liên tịch (GV không được tham gia) để biểu quyết thông qua.