Vụ việc ông Đinh Bằng My - Hiệu trưởng THCS Phổ thông Dân tộc Nội trú Thanh Sơn (Phú Thọ) - bị tố xâm hại nhiều học sinh nam khiến dư luận đặt câu hỏi về giáo dục giới tính cho học sinh. Đặc biệt, câu chuyện bảo vệ học sinh nam trước nạn xâm hại tình dục cũng không được quan tâm như với bạn nữ.
Nên dạy phòng tránh xâm hại tình dục từ mầm non
Sách giáo khoa của học sinh tiểu học, cuốn Khoa học lớp 5 có bài đầu tiên về giáo dục giới tính với chủ đề: Nam hay nữ (bài 2-3); Cơ thể chúng ta được hình thành như thế nào (bài 4); Từ lúc mới sinh đến tuổi dậy thì (bài 6); Tuổi dậy thì và vệ sinh tuổi dậy thì (bài 8); Phòng tránh bị xâm hại (bài 18).
Sách giáo khoa này viết: "Tuổi dậy thì của con gái thường bắt đầu từ 10-15 tuổi, con trai bắt đầu 13-17 tuổi. Ở tuổi này, cơ thể phát triển nhanh về chiều cao và cân nặng. Cơ quan sinh dục bắt đầu phát triển, con gái xuất hiện kinh nguyệt, con trai có hiện tượng xuất tinh.
Đồng thời, giai đoạn này cũng diễn ra những biến đổi về tình cảm, suy nghĩ và mối quan hệ xã hội. Chính vì lý do trên mà tuổi dậy thì có tầm quan trọng đặc biệt với cuộc đời mỗi con người".
Sách giáo khoa lớp 5 nói về tuổi dậy thì và phòng chống xâm hại tình dục. Ảnh: Q.Q. |
Bài học về phòng tránh bị xâm hại nêu một số tình huống có thể dẫn đến nguy cơ như đi đường tắt, về nhà muộn, người khác rủ đi chung xe. Học sinh được đặt câu hỏi làm thế nào để phòng tránh?
Bài học nêu một số trường hợp cụ thể kèm lời khuyên như: Không đi một mình nơi tối, vắng vẻ; không ở trong phòng kín một mình với người lạ; không nhận tiền, quà hoặc giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do; không đi nhờ xe người lạ; không để người lạ vào nhà, nhất là trong nhà chỉ có một mình.
Bài tập thực hành là ứng phó với nguy cơ bị xâm hại. Trong trường hợp bị xâm hại, học sinh được khuyên nên liệt kê những người bạn có thể tin cậy, chia sẻ, tâm sự. Những người đó sẽ giúp nạn nhân khi gặp chuyện lo lắng, sợ hãi, bối rối và khó chịu.
Cô Thùy Trân, giáo viên tiểu học tại huyện Cẩm Giàng, TP Hải Dương, cho rằng sách giáo khoa lớp 5 mới dạy kiến thức về giáo dục giới tính, phòng chống xâm hại tình dục là quá muộn. Hơn nữa, phần này cũng chưa được đầu tư, chủ yếu dạy và học kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Cô Trân thông tin thường có một giáo viên chuyên dạy Khoa học, Lịch sử, Địa lý, nhưng cũng có nơi giáo viên chủ nhiệm dạy tất cả môn học. Nếu là giáo viên “có tâm”, họ sẽ liên hệ thực tế để dạy học trò những tình huống, hoàn cảnh cụ thể. Nếu không, thầy cô chỉ dạy kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa.
Nữ giáo viên nhận định học sinh cấp một ngày nay lớn, hiểu biết và tò mò hơn nhiều so với thế hệ trước. Vì vậy, kiến thức trong sách giáo khoa hiện tại chậm hơn so với sự phát triển của các bé.
Cô Phạm Liễu, giáo viên tại trung tâm thành phố Quảng Ninh, bày tỏ bài học được đưa vào trong sách muộn, từng trường sẽ có cách triển khai sao cho phù hợp. Trường tiểu học của chị mỗi tháng mời một chuyên gia về nói chuyện về các chủ đề khác nhau, trong đó có phòng chống xâm hại tình dục.
Trước đó, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam - dẫn thực tế đau lòng, nhiều em bị xâm hại từ rất bé, thậm chí mới hơn 1 tuổi. Bà dẫn lại câu chuyện bé gái 17 tháng tuổi ở Bắc Giang bị xâm hại, từ đó khẳng định cần giáo dục cho trẻ sớm hơn nữa, ngay từ tuổi mẫu giáo.
Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội - lưu ý việc tuyển chọn, đào tạo giáo viên cần có phương thức để phát hiện, loại bỏ những người có “bệnh” ra khỏi môi trường giáo dục. Nếu để những người “khuyết tật” làm giáo dục, dứt khoát dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Quy tắc 5 ngón tay
Theo số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm (từ 2011 đến 2015), cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua, một trẻ em bị xâm hại.
Các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó không dám lên tiếng.
Nhiều chuyên gia có lời khuyên giúp cha mẹ bảo vệ con trước nạn xâm hại tình dục, trong đó có "quy tắc 5 ngón tay". Quy tắc này rất đơn giản, giúp trẻ có thể tránh xa những đối tượng nguy hiểm và bảo vệ chính bản thân mình.
Quy tắc "5 ngón tay" dạy trẻ tránh bị xâm hại. Ảnh minh họa. |
Ngón cái - gần mình nhất, tượng trưng cho những người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột. Bé có thể ôm hôn những người này hoặc đồng ý để các thành viên trong nhà ôm hôn, thể hiện tình yêu thương, tắm rửa khi bé còn nhỏ. Nhưng khi đã lớn, bé sẽ tự tắm và thay quần áo trong phòng kín.
Ngón trỏ tượng trưng cho thầy cô, bạn bè ở trường lớp hoặc họ hàng của gia đình. Những người này có thể nắm tay, khoác vai hoặc chơi đùa, song chỉ dừng lại ở đó. Còn nếu ai chạm vào "vùng đồ bơi", bé sẽ hét to và gọi mẹ.
Ngón giữa - người quen biết nhưng ít khi gặp như hàng xóm, bạn bè của cha mẹ. Những người này, bé chỉ nên bắt tay, cười và chào hỏi.
Ngón áp út - người quen của gia đình bé mới gặp lần đầu. Trẻ chỉ nên dừng lại ở mức vẫy tay chào.
Ngón út - ngón tay xa bé nhất thể hiện cho những người hoàn toàn xa lạ hoặc có cử chỉ thân mật, khiến bé thấy lo sợ, bất an. Với những người này, trẻ có thể bỏ chạy, hét to để thông báo với mọi người xung quanh.
Ông Nguyễn Huy Tùng, Trưởng phòng Đào tạo - Giảng viên, Trung tâm Phòng chống Tai nạn Thương tích Trẻ em, Hội bảo vệ Quyền trẻ em, cho hay đối tượng xấu thường có hành vi sờ mó vào bộ phận riêng tư của trẻ. Cha mẹ cần dạy con nói không, sau đó kêu cứu và chạy đến chỗ gần nhất và đông người để được bảo vệ.
TS Vũ Thu Hương - nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội - cho hay cha mẹ cần dạy con một số điều cơ bản để phòng chống bị xâm hại. Bố mẹ dặn trẻ tuyệt đối không nhận quà của người lạ.
Phụ huynh cũng lưu ý các con học thuộc số điện thoại của người thân; không nên tò mò tụ tập tại những nơi công cộng; đi chơi cùng nhóm bạn 3-4 người; không đi một mình khi trời tối.
Bố mẹ luôn nhắc con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình. Khi thấy ai đó khả nghi đi theo, các con lập tức đi về phía chú công an (nếu có) nhờ đưa về nhà. Nếu không có chú công an, con chọn một bác phụ nữ già nhất, trông dáng vẻ đang đi chợ để đến gần hỏi han. Kẻ xấu sẽ tưởng trẻ gặp người nhà và bỏ đi.
Trẻ bị ai đó bắt thì không nên hét “cứu con với” mà hét “cháy nhà” sau đó vùng bỏ chạy.
Bố mẹ cần tập luyện cho con dưới tình huống giả thiết các con sẽ làm gì khi gặp kẻ xấu, thay vì dọa dẫm trẻ về nguy cơ xâm hại, với tinh thần để học sinh vui vẻ tập luyện với tâm lý thoải mái.