Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lớp học cho tâm hồn giá 0 đồng

Hoạt động từ năm 2005, một trung tâm phục vụ cộng đồng trực thuộc UNESCO Việt Nam liên tục mở các lớp học miễn phí dành cho tâm hồn với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lớp học tâm hồn phục vụ cộng đồng Lê Thu Huyền, một tình nguyện viên, cho biết trước khi trở thành người đứng lớp tại Inner Space, cô cũng xuất phát từ vị trí là một học viên.

Nằm trong một con ngõ nhỏ tại phố Tô Ngọc Vân (Hà Nội), trong nhiều năm qua, Inner Space thu hút hàng nghìn học viên đến tham dự. Những khóa học trung tâm cung cấp chính là bài học dành cho tâm hồn.

Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là mọi hoạt động do Inner Space tổ chức đều không thu phí, nhằm tạo điều kiện cho bất cứ ai cũng có thể tham gia.

Lop hoc cho tam hon anh 1
Lê Thu Huyền, tình nguyện viên của Inner Space. Ảnh: Kim Ngân.

"Cảm xúc là một trong những thứ tác động lớn nhất tới tâm trạng, các mối quan hệ và chất lượng cuộc sống của chúng ta. Tuy nhiên, nó lại là điều khó kiểm soát nhất".

Lê Thu Huyền - tình nguyện viên của Inner Space

Người phụ nữ 38 tuổi cho biết ở Hà Nội, ngoài địa điểm ở Tô Ngọc Vân, các lớp học thỉnh thoảng diễn ra tại 75 Xã Đàn. Nơi này do chính một bạn học viên cho trung tâm mượn.

Đa phần học viên đến lớp ở trong địa bàn Hà Nội. Họ có thể là sinh viên hoặc người đã đi làm. Tuy nhiên, một số học viên là người đến từ các tỉnh khác như Hải Dương và Vĩnh Phúc.

"Bản thân các bạn ấy đang rất cần những lớp học như vậy nên không quản ngại xa xôi để đến với trung tâm. Dù không thể tham dự đầy đủ, họ vẫn cố sắp xếp thời gian dự vài khóa học", cô Huyền thông tin.

Ngoài hai cơ sở ở Hà Nội và TP.HCM, Inner Space cũng tổ chức các hoạt động tại các tỉnh như Đà Nẵng và Hải phòng. Những lớp học cơ bản như Chiến thắng giận dữ, Quý trọng bản thân, Kỹ năng làm cha mẹ hay Khám phá sức mạnh phụ nữ thường xuyên được lặp lại và xen kẽ với những sự kiện mang tính mới mẻ.

Mong muốn phục vụ cộng đồng

"Niềm vui lớn nhất của Inner Space là được làm việc cùng các tình nguyện viên tại đây. Họ luôn làm việc với tâm thế vô tư, vị tha và mong muốn mang lại lợi ích cho cộng đồng", cô Huyền chia sẻ.

Người phụ nữ này cho biết các tình nguyện viên của trung tâm không nhận bất cứ khoản lương hay trợ cấp nào cho việc làm của họ. Ngoài đứng lớp, họ thay phiên nhau làm công việc như lễ tân và lau dọn. 

"Từ rèm, đệm, ghế cho đến xích đu, mọi thứ đều có bàn tay, tâm sức, tình yêu và tâm huyết của mọi người", cô nói.

Tự bản thân mỗi tình nguyện viên đều có cam kết rất cao với công việc. Nhờ vậy, mọi hoạt động của Inner Space không diễn ra bộc phát, không theo quy củ mà được lên kế hoạch rất cụ thể.

"Điều quan trọng nhất, nhiều người xuất phát từ học viên. Họ trải qua quá trình học tập và nhận thấy những ích lợi mà trung tâm mang lại. Khi đã trở thành tình nguyện viên, họ vẫn không ngừng học hỏi và rèn luyện.

Điều đó khiến những lợi ích mà họ nhận được không ngừng gia tăng và khiến các tình nguyện viên gắn bó hơn với trung tâm", cô nhấn mạnh.

Nhân rộng lợi ích

Về phần học phí, cô Huyền khẳng định trung tâm luôn tôn trọng lựa chọn của các học viên cũng như không thu bất cứ khoản phí nào từ họ. Tuy nhiên, nếu học viên cảm thấy muốn đóng góp cho trung tâm như một phần trách nhiệm, họ có thể đặt một khoản tùy tâm vào trong một chiếc hộp.

Inner Space sẽ dùng số tiền này để trang trải cho các hoạt động của trung tâm, gồm duy trì việc mở lớp mới - tạo điều kiện cho nhiều người khác tiếp cận.

Cô Huyền thông tin tuy không yêu cầu cam kết bắt buộc, trung tâm vẫn có một số nội quy như nếu học viên nghỉ quá nhiều buổi trong một khóa học thì sẽ không được tham dự các buổi tiếp theo của khóa học đó. Điều này nhằm đảm bảo việc tiếp thu của các học viên, tránh tình trạng hổng kiến thức.

Lop hoc cho tam hon anh 2
Các học viên chia ra thành từng nhóm để thảo luận những vấn đề trong lớp học. Ảnh: Kim Ngân.

"Trước đây, mình là người khá tiêu cực và không thể nhận ra điều đó. Tuy nhiên, các học viên và tình nguyện viên ở đây đã giúp mình thay đổi", Lê Thị Thu (sinh viên năm 4, Đại học Giáo dục) nói. 

Nữ sinh này cho biết cô đã tham gia nhiều khóa học của Inner Space, trong đó, riêng khóa Quý trọng bản thân Thu đã học đi học lại 3 lần.

Trong khi đó, Châu Ngọc Phương Ly (sinh viên năm 2, Học viện Ngân hàng) thông tin sự kiện đầu tiên cô tham gia với trung tâm là Bình an giữa dòng đời bận rộn. Sau đó, Ly cũng đăng ký vài khóa học khác.

Cô cho hay những lớp học dành cho tâm hồn khiến con người cô dần thay đổi, bình tĩnh và nhìn cuộc sống theo cách tươi vui hơn. Điều này cũng giúp nữ sinh này cải thiện kết quả học tập.

Trung tâm Inner Space là tổ chức phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng trực thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam.

Ra đời với mong muốn khơi dậy quá trình thay đổi tích cực trong mỗi con người, Inner Space giúp các học viên khám phá những giá trị tốt đẹp của bản thân, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống của mình và tạo nên sự thay đổi tích cực.

Để tham dự các lớp học, mọi người (dù mới hay cũ) cũng có thể đăng ký trực tiếp trên website hoặc Facebook của trung tâm.

Sự khác biệt có thể dẫn đến phân biệt đối xử và bạo hành

"Em bị cô giáo chủ nhiệm cho là người lệch lạc. Giờ chủ nhiệm nào, em cũng bị kêu lên bục giảng và bị cô nói trước toàn lớp về điều này".

'Tôi sẽ khuyên con bớt học đi và chơi nhiều hơn'

"Thay bằng việc mải miết học tập, con chúng ta phải biết đàn hát, nấu ăn, chơi thể thao và giải quyết xung đột. Cha mẹ hãy để trẻ bớt học đi, chơi nhiều hơn", một phụ huynh viết.

Kim Ngân

Bạn có thể quan tâm