Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lớp mầm non học ké hội trường thôn ở Đắk Lắk

Hiện nay, tại nhiều thôn, buôn trên địa bàn huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk), trẻ em trong độ tuổi mầm non chịu cảnh học nhờ, có khi phải ở nhà vì không đủ phòng.

Huyện Krông Năng (tỉnh Đắk Lắk) hiện có 40 thôn, buôn có nhu cầu mở lớp mầm non nhưng không có phòng học. Vì vậy, nhà trường đã phải mượn 17 hội trường để đảm bảo cho trẻ được đến lớp.

Cảnh học tạm bợ của trẻ mầm non ở Đắk Lắk Vì điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên tại nhiều thôn, buôn ở Đắk Lắk, trẻ em trong độ tuổi mầm non phải chịu cảnh học nhờ, có khi còn phải ở nhà vì không đủ phòng học.

Tại điểm trường mầm non Hoa Cúc Trắng (xã Ea Dăh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk), cô trò phải dắt díu nhau đi học ké ở hội trường thôn. Do cơ sở vật chất thiếu thốn nên nhiều năm qua, các em học tập trong điều kiện rất khó khăn.

Xã Ea Dăh có 7 điểm trường với 11 lớp học, chỉ đáp ứng được nhu cầu đến lớp của 336-445 trẻ trong độ tuổi mầm non trên địa bàn xã. Do hạn chế về cơ sở vật chất và giáo viên nên nhà trường phải ưu tiên nhận trẻ 5 tuổi vào học để phổ cập cho các bé chuẩn bị vào lớp 1.

Theo bà Đinh Thị Tuấn - hiệu trưởng trường mầm mon Hoa Cúc Trắng, hội trường thôn là nơi để nhiều vật dụng của người dân nên không bảo đảm tiêu chuẩn dạy và học.

Ngoài mấy chiếc ghế để ngồi, các em không có đồ dùng học tập, đồ chơi hay không gian tổ chức các tiết học ngoài trời. Đây là sự thiệt thòi rất lớn đối với các em.

tre mam non khong co phong hoc anh 1
Quang cảnh lớp học nhờ tại hội trường thôn của trẻ mầm non trường Hoa Cúc Trắng. Ảnh cắt từ clip.

Ngoài khó khăn về phòng học, sân chơi cho các em tại các điểm trường cũng không có. Do vậy, trẻ em phải vừa học, vừa chơi ngay ở hội trường thôn.

Chia sẻ những khó khăn này, cô giáo H'Lê Na Nô (trường mầm non Hoa Cúc Trắng) cho biết: "Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, khu vực sân chơi cho trẻ cũng bị hạn chế. Thậm chí, cả nước sạch và nhà vệ sinh cũng không có. Vào những ngày trời nắng, cô giáo phải trực tiếp đi xách nước cho trẻ".

Việc dạy và học như này khiến phụ huynh lo lắng vì không đảm bảo vệ sinh, lại vừa dễ xảy ra tai nạn, không đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ.

Trước thực tế trên, người dân mong muốn chính quyền và các ngành chức năng quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp để trẻ em vùng sâu vùng xa được học tập trong điều kiện thuận lợi nhất, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học đối với bậc học mầm non ở những vùng đặc biệt khó khăn này.

Hàng trăm học sinh Quảng Ngãi phải quỳ học giữa lớp

Học sinh trường Tiểu học Nghĩa Điền (Quảng Ngãi) phải ngồi xổm, quỳ xuống đất mới viết được bài vì bàn ghế thấp, người lại cao.

Vũ Loan

Theo VTV

Bạn có thể quan tâm