Chiều 5/11, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp về chống lũ điều hành hồ chứa sau bão số 12.
Bộ trưởng nhận định sau khi cơn bão số 12 có cường độ rất mạnh đổ bộ Nam Trung Bộ, các địa phương cần tập trung gồng mình tổ chức các biện pháp khắc phục. Đặc biệt, bão đổ bộ vào Khánh Hòa, nơi nhiều năm không có bão, đã gây thiệt hại nặng nề.
“Chúng ta đang đối mặt với hiểm họa toàn tuyến, hồ, sông và vũng trũng đầy. Diễn biến mưa vùng này đang rất nguy hiểm, tốc độ nước từ thượng nguồn đổ về các hồ vẫn lớn so với khả năng chứa”, Bộ trưởng Cường lo lắng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (đứng) chủ trì cuộc họp. Ảnh: TM. |
Mưa dồn dập, lũ giảm chậm
Dự báo về tình hình mưa lũ sau bão số 12, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương nhận định trong đêm nay và ngày mai, lượng mưa ở từ Quảng Bình đên Quảng Ngãi đạt 200-300 mm, ở Kon Tum, Gia Lai là 100 mm.
“Từ đêm 5-6/11, lượng mưa sẽ giảm hơn song tốc độ khá chậm. Không khí lạnh gây mưa lớn, kéo dài hết ngày 6-7/11”, ông Cường cho hay.
Trong 2 ngày qua, mưa lớn đổ xuống nhiều tỉnh miền Trung. Các điểm mưa cực đại gồm: A Lưới (Thừa Thiên - Huế) 867 mm; Nam Đông (Thừa Thiên Huế) 764 mm; Bắc Trà My (Quảng Nam) 791 mm; Ba Tơ (Quảng Ngãi) 640 mm; TP Quảng Ngãi 495.
Trung tâm Khí tượng thủy văn trung ương dự báo lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Bình Định, nam Tây Nguyên sẽ tiếp tục lên. Các sông ở Phú Yên, Khánh Hòa và bắc Tây Nguyên tiếp tục xuống và còn ở mức cao.
Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, lũ trên sông Hương đang dâng cao, trên báo động ba 1 m. Về tình hình giao thông, hơn 80% đường giao thông ở Thừa Thiên - Huế bị ngập sâu 0,2-0,4 m, cục bộ có điểm ngập sâu 0,6 m gây ách tắc giao thông.
Theo ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, Bắc Trung Bộ hiện có 83 hồ xung yếu. Các hồ ở Nam Trung Bộ đang tăng dung tích nhiều. Lấy dẫn chứng cho thực trạng này, ông Tỉnh khẳng định 100% hồ chứa nhỏ và 70-90% hồ chứa lớn đã đầy nước. Ở vùng Nam Trung Bộ, mực nước và lưu lượng tăng rất nhanh, vài ngày nữa 100% các hồ đầy nước.
"Bên cạnh đó, hồ chứa nhỏ đều là đập đất, trông thì vững chãi, nhưng khi mưa tập trung, nước tràn qua đỉnh đập thì những hồ này không chịu được", ông Tỉnh nói.
Tại cuộc họp, ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho hay 9/10 hồ chứa đang xả theo chỉ đạo và quy định của ban chỉ đạo.
“Tình trạng ngập lụt buộc cắt tải 10% điện ở Thừa Thiên - Huế. Khi nước rút, chúng tôi sẽ cấp điện trở lại, đảm bảo an toàn”, vị này cho hay.
Đại diện Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn khẳng định căn cứ lượng mưa, Ủy ban đề nghị phổ biến thông tin quyết liệt, di dời dân ở vùng ngập lụt. Các địa phương vẫn còn tư tưởng chủ quan, chưa lường hết được mức độ phức tạp.
"Sẽ trữ ít, xả nhiều hơn"
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biêt hơn 1 tỷ m3 nước về sông Hương, nhưng chúng ta chỉ trữ lại một nửa. Vậy mà, Thừa Thiên - Huế vẫn ngập kinh khủng. Trong những ngày tới, chỉ trữ lượng nhỏ và xả mức độ cao hơn.
“Về việc vận hành hồ chứa, an toàn hạ du là bài toán cần cân nhắc kỹ lưỡng. Các ban chỉ huy ở địa phương phải tính kịch bản bất lợi để chủ động tính toán”, Thứ trưởng kiến nghị.
Không khí lạnh kết hợp với hoàn lưu bão số 12 gây lượng mưa rất lớn ở các tỉnh miền Trung. |
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý hồ, các lưu vực sông và vùng trũng từ Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ đều ở trạng thái rất nguy hiểm.
Bộ trưởng nhấn mạnh đặc điểm chung năm 2017 là mưa lớn, nhiều trên cả nước, hồ đã đầy nước thì càng đầy hơn. Mưa vẫn còn tiếp diễn đến 7/11, thậm chí, có nơi mưa to.
“Nguy cơ nhiều lưu vực sông quá sức chịu đựng, ẩn chứa thảm họa. Nếu mưa còn tiếp diễn, thì diện tích ngập tăng lên. Chúng ta không tổ chức công tác ứng phó, ngập úng hạ du thì hậu quả còn nặng nề hơn”, Bộ trưởng nói.
Nhiều tuyến đường ở Huế chìm trong biển nước. Ảnh: Phạm Trường. |
Bộ trưởng yêu cầu công tác quản lý, giám sát, điều hành vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đặt lên quyết liệt, tích cực, cụ thể hơn
"Ban chỉ huy các tỉnh chỉ đạo xuyên suốt, thường xuyên, xây dựng các kịch bản cụ thể, trong đó có kịch bản xấu nhất. Giả sử mai kia tiếp tục mưa lớn như thế, nếu không tính toán trước thì nước đến chân nhảy không kịp, lúng túng", Bộ trưởng yêu cầu.
Theo báo cáo chiều 5/11 của Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai, bão số 12 - Damrey khiến 29 người chết; trong đó, Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3, Khánh Hòa 16, Lâm Đồng 3, Đăk Lắk 1 và 4 người do sự cố tàu vận tải. Ngoài ra, 29 người còn mất tích, Bình Định 4, Phú Yên 1 và 24 người do sự cố tàu vận tải.