Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lừa đi lao động ở Campuchia rồi ép chuộc 30.000 USD

Bộ Công an xác định nhiều người bị lừa sang Campuchia lao động rồi bị ép gọi điện về cho người thân nộp tiền chuộc từ 3.000 USD đến 30.000 USD.

Ngày 4/7, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an cho biết thời gian qua, nhiều người trong độ tuổi 18-35 bị lừa sang Campuchia làm việc thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ bạn bè, người quen rủ rê, giới thiệu ra nước ngoài làm việc nhẹ nhàng, lương cao.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở tổ chức hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo... Họ bị cưỡng ép lao động từ 12 giờ đến 16 giờ mỗi ngày, không được ra khỏi cơ sở hoặc bị bán cho các chủ sử dụng lao động khác.

Có nạn nhân bị ép gọi điện về cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc nhưng bị kẻ sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Sang Campuchia anh 1

Nhóm người bị Công an Đồng Nai tạm giữ với cáo buộc đưa 200 người trốn sang Campuchia.

Cơ quan công an làm rõ các cơ sở cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản của người Việt tập trung chủ yếu tại các khu vực: Bà Vẹt, tỉnh Svaytieng; Banteay Meanchay, tỉnh Poipet; thành phố Shihanoukvile, tỉnh Preah Shihanouk, Chrey Thom, tỉnh Kandal và tại thành phố Phnompenh.

Theo Bộ Công an, kẻ cầm đầu hoạt động cưỡng bức lao động và đòi tiền chuộc, cưỡng đoạt tài sản là người Trung Quốc. Trong đó có sự tham gia, giúp sức của một số người Việt đang cư trú tại Campuchia.

Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước các lời mời, kêu gọi qua Campuchia làm việc nhẹ, lương cao mà không mất chi phí đi lại của một số cá nhân trên mạng xã hội.

Trước khi xác định nhận lời đi làm, nhất là đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần tìm hiểu kỹ về địa điểm nơi mình định đến làm việc; soi xét đặc điểm, thông tin nhân thân của người giới thiệu và cùng mình đi làm việc.

Đặc biệt, người dân nên tham khảo ý kiến của mọi người và cung cấp thông tin cho gia đình, người thân về địa điểm nơi làm việc và công việc của mình, thông tin về người cùng đi trước khi xuất cảnh.

Ngoài ra, khi phát hiện thông tin nghi vấn về đường dây lôi kéo, môi giới, tổ chức đưa người sang Campuchia làm việc, mọi người cần thông báo cho người thân, gia đình và cơ quan công an địa phương.

Bộ Công an nhấn mạnh trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Việt Nam cùng giới chức trách Campuchia đã giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại quốc gia này.

Điển hình là vụ Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi), Phạm Thanh Quy (33 tuổi, cùng quê Long An) cấu kết 5 người khác lừa đưa gần 200 người trót lọt sang Campuchia và hưởng lợi khoảng 60 triệu đồng. Ngày 2/7, Công an Đồng Nai đã tạm giữ Khánh và đồng phạm để điều tra.

Bắt tại chỗ 132 người sử dụng ma túy ở Kiên Giang Qua test nhanh, cảnh sát xác định có 132 người dương tính với ma túy. Cơ quan điều tra đã tạm giữ 52 người để truy cứu trách nhiệm hình sự

Bắt giữ nhóm đưa 200 người trốn sang Campuchia

Nhóm nghi phạm nói dối các nạn nhân để dụ họ đến Tây Ninh làm việc với mức lương 23 triệu đồng. Sau đó, họ đưa nạn nhân về tỉnh Đồng Tháp để tìm cách vượt biên.

Hoàng Lam

Bạn có thể quan tâm