Thuê khách du lịch Nhật làm "quân xanh" đi lừa
Cơ quan chức năng đánh giá, Chu Đình Huy (31 tuổi, ở huyện Đông Anh) là người đã cùng đồng bọn đã thực hiện trót lọt vụ lừa đảo nghiêm trọng, số bị hại cũng như tiền thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay trong xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản.
Theo điều tra, sau 5 năm đi xuất khẩu lao động tại Nhật, Huy về Việt Nam nhưng không có việc làm. Thất nghiệp, anh ta mày mò tìm những công ty có chức năng xuất khẩu lao động để thực hiện kế hoạch lừa đảo.
Tháng 10/2012, Huy gặp ông Nguyễn Trí Năng (khi đó 40 tuổi), giám đốc chi nhánh một công ty xuất khẩu lao động trụ sở tại Hưng Yên. Nghe Huy khoe quen nhiều nghiệp đoàn lao động Nhật, có nhu cầu tuyển lao động Việt Nam sang làm, ông Năng hồ hởi mời anh ta về giúp tìm đối tác.
Huy khi bị bắt giữ. Ảnh: Cơ quan công an cung cấp. |
Theo cảnh sát, chi nhánh của ông Năng chỉ có chức năng nhận hồ sơ đăng ký đi xuất khẩu lao động, tổ chức đào tạo nghề chứ không được ký hợp đồng, thu tiền của người lao động.
Để ông Năng tin tưởng, Huy tìm một số khách du lịch người Nhật Bản, đưa họ đến chi nhánh của vị giám đốc. Những người này được Huy giới thiệu là “đối tác” tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Thấy Huy trao đổi với họ bằng tiếng bản địa, ông Năng càng tin tưởng. Từ đây, dựa vào giấy phép xuất khẩu lao động của công ty mẹ, cùng quyển phiếu thu tiền của chi nhánh vị giám đốc 40 tuổi, Huy dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội.
Huy báo với ông Năng về chương trình tuyển chọn lao động, với chi phí 6.500 USD mỗi người. “Hoa hồng” cho người môi giới từ 300 - 500 USD, kèm cam kết lo thủ tục đi đúng hạn.
Tin Huy, thấy phần “hoa hồng” hấp dẫn nên vị giám đốc cố tình chỉ đạo cấp dưới thu hồ sơ, tiền của người lao động. Số tiền này được chuyển cho Huy để lo thủ tục, tiếp đối tác nước ngoài.
Ôm tiền tỷ trốn sang nhà "bồ nhí"
Để hút nhiều lao động tìm đến nộp tiền, thỉnh thoảng Huy lại thuê khách du lịch Nhật Bản đến “dự” các lớp đào tạo. Các buổi này, ông Năng đều cùng đi tiếp khách. Bản thân vị giám đốc chi nhánh không biết tiếng, nên các buổi “làm việc”, ông không hiểu nội dung gì.
Về phía người lao động, thấy Huy dẫn các “ông chủ” tuyển dụng nhân công đến lớp học thăm hỏi tình hình, họ tin tưởng nộp tiền không chút nghi ngờ.
Theo cơ quan điều tra, Huy thu của 15 người lao động, số tiền gần 1,2 tỷ đồng. Người đàn ông nhà ở huyện Đông Anh nhận của Năng và 4 đầu mối thu gom lao động, tổng số tiền chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng.
Để đối phó với những người đã nộp tiền, Huy thuê những kẻ làm giả giấy tờ chuyên nghiệp, làm giả thẻ lưu trú, visa cho các lao động.
Hộ chiếu, thẻ lưu trú Huy thuê người làm giả. Ảnh: HV. |
Sau nhiều lần tìm cách trì hoàn kế hoạch “bay” sang Nhật, Huy ôm tiền bỏ trốn. Cuối năm 2013, phát hiện Huy xuất hiện ở quận Hoàn Kiếm, ông Năng đã bắt giữ, giao cho công an.
Khám xét nơi ở của Huy tại khu chung cư Bắc Linh Đàm, cảnh sát thu giữ 29 quyển hộ chiếu, 28 thị thực Nhật Bản giả, cùng danh sách hàng trăm lao động đã nộp tiền.
Theo nhà chức trách, sau khi nhận hơn 10 tỷ đồng, Huy đã ăn tiêu cá nhân. Dù có vợ và 2 con, nhưng Huy vẫn thuê một căn hộ ở khu đô thị Bắc Linh Đàm ăn ở với "bồ nhí". Quá trình khám xét nơi này, công an thu giữ bộ dụng cụ sử dụng ma túy đá.
Theo cảnh sát, tổng số tiền ông Năng nhận của người lao động là hơn 5 tỷ đồng, trong đó chuyển cho Huy gần 3,3 tỷ. Với những sai phạm đó, vị giám đốc bị điều tra tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Cơ quan điều tra xác định, trong tổng số hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt của gần 200 người lao động, Huy chỉ trả được 350 triệu, đến nay không có khả năng khắc phục. Với hành vi trên, người đàn ông này bị đề nghị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngày 17/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội), đã kết thúc điều tra vụ án, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố những người liên quan.