Năm 1992, khi Robert Herbst trở về quê hương cách thành phố New York gần 50 km về phía bắc, ông muốn con mình được đắm mình trong màu xanh tươi của cây cỏ. Nhưng suốt nhiều thập kỷ, ông đã chứng kiến cây cối lần lượt bị đốn hạ để nhường chỗ cho những ngôi nhà lớn hơn mọc lên.
Ông Herbst, một luật sư, và những người dân có cùng quan điểm khác ở Mamaroneck, thị trấn giàu có thuộc tiểu bang New York, coi tình trạng cây cối dần biến mất là mối đe dọa nghiêm trọng trong thời đại biến đổi khí hậu.
"Chúng ta nên bảo vệ cây xanh để bảo vệ sự sống còn của chính mình. Không làm điều đó đồng nghĩa với tự sát", Jacob Levitt, một bác sĩ da liễu sống tại Mamaroneck, cho biết.
Nhưng một số cư dân lại cho rằng họ nên có quyền được chặt bỏ bất kỳ cái cây nào trên bất động sản của mình để lấy nhiều ánh sáng hơn, hoặc để mở rộng nhà, hay đơn giản là họ muốn chúng biến mất khỏi tầm nhìn.
Eve Neuman, một nhà môi giới bất động sản sống trong khu vực này, cho biết: "Mọi người muốn thiết kế cảnh quan theo cách họ muốn".
Lo ngại chặt cây quá dễ dàng
Gần đây, cuộc tranh luận trở nên gay gắt hơn vì luật mới mở rộng quyền giám sát của thị trấn về địa điểm và thời điểm có thể chặt cây. Các quy định khiến cho chủ bất động sản lẫn những người ủng hộ bảo vệ cây xanh đều cảm thấy không hài lòng, với lý do trái ngược nhau.
Luật cây cũ của Mamaroneck được soạn thảo vào những năm 1980 và chỉ yêu cầu giấy phép để chặt cây trên các lô đất rộng 1.858 m2 trở lên. Biện pháp mới, được ban hành vào tháng 2, yêu cầu phải có giấy phép chặt cây trên các lô đất nhỏ hơn (chiếm khoảng 80% thị trấn).
Theo đó, chủ nhà không còn cần phải giải thích yêu cầu chặt cây của họ, mô tả cây cối hoặc cho hàng xóm biết đã được cấp giấy phép. Họ chỉ cần tự trồng thay thế những cây đã chặt bỏ, hoặc xin phê duyệt để được quyên góp 300 USD vào quỹ trồng cây thay thế cho mỗi cây bị chặt.
Robert Herbst và những người ủng hộ cây xanh trong thị trấn lo sợ rằng quy định mới khiến cho việc đốn hạ cây trở nên quá dễ dàng. |
Họ không cần xin giấy phép để chặt bỏ những cây có thể trở thành mối nguy hiểm hoặc đã chết. Chủ những bất động sản nhỏ có thể loại bỏ tối đa 3 cây một năm; trên những lô đất lớn hơn, tối đa là 7 cây một năm.
Andrea Hirsch, một luật sư địa phương đại diện chonhóm những người ủng hộ cây xanh và thách thức luật mới tại tòa án, cho biết: "Đó chỉ là một kiểu cho chặt cây được quản lý".
Bà nói thêm rằng luật mới không còn yêu cầu đánh giá môi trường trước khi di dời cây, và chủ sở hữu bất động sản có thể được chấp thuận vượt quá giới hạn mỗi năm nếu cây cối cản trở mục đích sử dụng mong muốn của bất động sản, chẳng hạn như khi họ muốn đặt xích đu ở sân sau.
Nhiều người lo sợ luật mới sẽ khiến cư dân chặt nhiều cây hơn, từ đó ảnh hưởng đến môi trường và làm tăng biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, một số chủ nhà ủng hộ luật này nhưng đồng thời cho rằng quy định đã vượt quá thẩm quyền.
"Tài sản của tôi, cây cối cũng của tôi. Chúng tôi đang bị chính phủ quản lý quá mức", John Phillipson, một cư dân lâu năm, viết trong một bình luận trên mạng.
Một số chủ nhà ở Mamaroneck khó chịu khi họ bị ra lệnh phải làm gì.
Ông Phillipson, người đã mua ngôi nhà ở Mamaroneck 40 năm trước, kể rằng từ khi một tòa nhà dân cư được xây dựng trên một cánh đồng trống phía sau nhà vào những năm 1990, tình trạng ngập lụt đã trở nên tồi tệ hơn ở sân sau nhà và vườn rau của ông đã bị che khuất.
Để có thêm ánh sáng mặt trời, ông Phillipson đã chặt bỏ hai cây trên đất của mình, cho biết thêm rằng ông có thể làm như vậy mà không cần xin giấy phép. Và ông muốn giữ nguyên quyền đó.
Ông Phillipson, một người về hưu, cho biết: "Tôi muốn thấy luật pháp được nới lỏng hơn và trao cho chủ nhà cơ hội để làm những gì họ cần làm".
Cuộc trao đổi không công bằng
Với Long Island Sound ở phía đông và hai con sông lớn chảy qua thị trấn, Mamaroneck thường xuyên bị lũ lụt. Nhưng đây cũng là nơi sinh sống được nhiều người lựa chọn, với giá trung bình cho những ngôi nhà gia đình đơn lẻ được bán trong năm nay là khoảng 1,5 triệu USD. Thị trấn này là một phần của Quận Westchester, một khu vực ở phía đông nam New York đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ và liên tục.
Trên khắp Westchester, độ che phủ của tán cây (lượng lá và cành cây che bóng cho mặt đất) đang giảm dần, theo một nghiên cứu năm 2022 do Andrew Reinmann, phó giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu khoa học tiên tiến CUNY và tại Cao đẳng Hunter, dẫn đầu. Ông đã phát biểu tại một cuộc họp công khai ở Mamaroneck trong quá trình thảo luận về luật cây xanh.
Jaine Elkind Eney, giám sát viên của Mamaroneck, cho biết Hội đồng thị trấn đã cố gắng "tạo sự cân bằng" giữa những người quan tâm đến quyền sở hữu tài sản và những người muốn bảo vệ nghiêm ngặt cây xanh. |
Tiến sĩ Reinmann cho biết tính đến năm 2021, diện tích tán cây ở Mamaroneck đã giảm xuống còn khoảng 41% diện tích đất của thị trấn, mức giảm đáng lo ngại khoảng 7% kể từ năm 2011.
Cây cung cấp bóng râm, ngăn nước mưa và giải phóng độ ẩm trở lại không khí. Ông cho biết: "Khi độ che phủ của tán cây giảm, bạn có thể thấy nhiệt độ cục bộ tăng lên rõ rệt và chúng ta ngày càng phụ thuộc vào điện để làm mát nhà cửa và tòa nhà".
Max Besbris, giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin-Madison, chuyên gia về nhà ở và biến đổi khí hậu, cho biết cuộc tranh luận về cách cân bằng giữa các mối quan tâm về môi trường và quyền sở hữu tài sản đang trở nên phổ biến hơn.
Luật cây xanh mới ra đời vì nhóm cố vấn môi trường của thị trấn lo ngại về số lượng cây bị chặt hạ ngày càng tăng cùng với nhiệt độ tăng cao và lũ lụt. Giám sát viên thị trấn Jaine Elkind Eney, cũng là một luật sư bất động sản, đã làm việc với 4 thành viên hội đồng quản trị của mình.
Nhưng khi hội đồng thông qua luật mới với sự nhất trí, đã có sự phản đối từ những người ủng hộ cây xanh.
Họ lập luận rằng biện pháp mới đã khiến việc chặt bỏ cây trở nên quá dễ dàng và giới hạn hàng năm của nó quá nhiều, trong khi những cây già hơn, có tác động mạnh mẽ đến môi trường, đã mất đi các biện pháp bảo vệ.
Sau khi việc chặt cây hoàn tất, chủ nhà phải đợi một năm trước khi nộp đơn xin giấy phép bổ sung. Luật mới có bao gồm một thang đo về số lượng cây thay thế phải trồng cho mỗi cây bị chặt bỏ. Ví dụ, một cây trưởng thành có đường kính thân cây hơn 46 cm sẽ cần phải được thay thế bằng 4 cây non.
Bà Elkind Eney cho biết: "Chúng tôi sẽ tăng số tán cây theo thời gian".
Tuy nhiên, Frank Buddingh, một chuyên gia về cây cảnh địa phương, cho biết việc thay thế một cây già bằng 4 cây mới không phải là "sự trao đổi công bằng". Ông cho biết để sản xuất ra lượng oxy tương đương một cây 100 năm tuổi đã bị chặt hạ - với khả năng lưu trữ carbon và hệ thống rễ và tán rộng - sẽ cần đến hàng trăm cây non.
Ở Quận Westchester, khoảng một nửa số thành phố đều có luật về cây xanh. New York và hầu hết tiểu bang khác giao cho các thành phố trách nhiệm đưa ra các quy định về cây xanh cho tài sản tư nhân và không gian công cộng, trong khi hầu hết khu rừng công cộng đều do các cơ quan tiểu bang và liên bang quản lý.
Ông Buddingh muốn cây xanh được coi là nguồn tài nguyên có giá trị cần được bảo vệ và quản lý, giống như không khí. "Chúng nên nằm trong danh sách tài sản chứ không phải danh sách chi tiêu", ông nói.
AI có cướp đi công việc của chúng ta?
Trong cuốn AI chuyện chưa kể, tác giả Tomoe Ishizumi cho rằng đây chỉ là công cụ tối ưu không hơn không kém. Có một điều chắc chắn rằng AI có thể thay thế phần lớn công việc mà con người đang làm hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không nên nghĩ máy móc sẽ cướp đi công việc của con người mà hãy nghĩ rằng máy móc sẽ làm những công việc vất vả để con người có thời gian sáng tạo hơn.