Chiều 14/9, nhóm 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (cựu Tổng giám đốc Oceanbank) được HĐXX cho phép bào chữa cho thân chủ của mình.
Ít giờ trước đó, Sơn bị cơ quan công tố đề nghị tử hình với 3 tội danh Tham ô tài sản; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Minh Tâm bào chữa cho bị cáo Sơn. Ảnh: Việt Hùng. |
"Lời khai của Thắm là nguồn chứng cứ..."
Luật sư Nguyễn Minh Tâm cho rằng lời luận tội của cơ quan công tố chưa đảm bảo nguyên tắc chứng minh tội phạm. Chứng minh là phải đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ đã được xem xét công khai tại tòa. Nếu như quy kết Sơn phạm tội Tham ô phải căn cứ vào cấu thành tội đó chứ không phải đưa ra ý kiến có tính chất quy buộc.
Vị luật sư cũng cho rằng thân chủ của mình không ngoan cố, ngụy biện. Việc bị cáo Sơn không khai báo ra một lãnh đạo cấp cao nào đó nhận tiền quà Tết thể hiện đúng tâm lý của doanh nghiệp. Sau khi phân tích, viện dẫn các yếu tố khách quan, chủ thể, khách thể trong cấu thành của tội Tham ô tài sản, luật sư Tâm cho rằng bị cáo Sơn không phạm tội danh trên.
Luật sư Tâm chia sẻ khi nghe thấy thân chủ của mình bị đề nghị mức án tử hình ông thấy lạnh người.
Theo ông Tâm, Sơn không thể lợi dụng uy tín của PVN, sự lệ thuộc của Oceanbank vào PVN để chiếm đoạt tài sản. “Chúng tôi khẳng định điều này vì trước khi Sơn về Oceanbank, giữa PVN do ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch HĐQT và Oceanbank do Hà văn Thắm làm HĐQT đã có văn bản thỏa thuận cam kết ký ngày 8/9/2008. Thời điểm này Sơn chưa dính dáng gì bởi đang làm Trưởng ban trù bị thành lập Ngân hàng Hồng Việt", ông Tâm chứng minh và dẫn chứng tại Điều 4.2 của bản thỏa thuận có cam kết bên A hỗ trợ Oceanbank về mặt tài chính, vốn phù hợp với các quy định của pháp luật đồng thời sử dụng và khuyến khích các đơn vị trực thuộc thành viên của bên A sử dụng dịch vụ của Oceanbank.
Ông Tâm nhấn mạnh: "Ở PVN, không ai có thể làm trái văn bản thỏa thuận cam kết đó, kể cả Nguyễn Xuân Sơn".
Bào chữa về cáo buộc Sơn chiếm đoạt số tiền 246 tỷ, trong đó có 49 tỷ đồng của PVN, luật sư nói trong quá trình điều tra truy tố xét xử, Sơn thừa nhận bản thân nhận tiền của Thắm dùng để đưa đối ngoại cho PVN, nhưng không khai vì không muốn ảnh hưởng đến uy tín của tập đoàn lớn. Ngoài ra, theo luật sư lời khai của Thắm cũng là nguồn chứng cứ để chứng minh việc Sơn có tội hay không.
Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, luật sư Phạm Anh Tín nhìn nhận tổng quan vụ đại án Oceanbank có 2 hành vi chính là chi 69 tỷ của BSC và chi 1.500 tỷ của Oceanbank. Theo luật sư, nhờ chi lãi ngoài mà Oceanbank có lợi nhuận rất lớn trong giai đoạn đó do vậy không thể khẳng định chi lãi ngoài gây thiêt hại cho nhà băng này. Vụ án này có một tội duy nhất là Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Nêu quan điểm về cáo việc VKS cáo buộc thân chủ mình về tội Tham ô, ông Tín nói đây là nhóm tội tham nhũng, được hiểu là hành vi phạm tội làm thiệt hại tiền của của nhà nước. “Điều đó phải chống đến nơi đến chốn, tham ô là biển thủ tài sản đó vào túi mình”, ông Tín trình bày.
Theo luật sư, nếu Nguyễn Xuân Sơn cùng người khác chiếm đoạt tài sản của PVN, biển thủ tài sản đó thì cấu thành tham ô tài sản. Tuy nhiên 246 tỷ đồng nằm trong 1.500 tỷ dùng để chi lãi ngoài và không thể tách ra tài sản đó là tài sản của nhà nước được. "Việc quy kết như vậy là vội vàng", ông Tín nói.
Bị cáo Hà Văn Thắm đến tòa sáng 14/9. Ảnh: Việt Hùng. |
Cần làm rõ việc Oceanbank mất hay không mất 500 tỷ
Sáng cùng ngày, sau khi vị đại diện cơ quan giữ quyền công tố công bố xong bản luận tội, luật sư Đào Hữu Đăng - bào chữa cho bị cáo Hà Văn Thắm (cựu chủ tịch Oceanbank) đã bắt đầu phần tranh luận. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét nhận định của VKS cho rằng Thắm không thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội.
Đề cập đến việc Oceanbank cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ, luật sư Đăng cho rằng không thể căn cứ vào vấn đề tài sản không đảm bảo để nói vi phạm hay không vi phạm. “Ngay từ đầu Thắm cho rằng bản thân đã nhận thức được rõ điều này và chỉ đạo Nguyễn Văn Hoàn áp dụng các biện pháp phong tỏa tài khoản. Chúng tôi thấy rằng cơ quan tố tụng mới nhắc tới vấn đề này rất ngắn gọn nhưng lại không đúng”, luật sư bào chữa nói.
Tiếp lời, luật sư khẳng định thân chủ mình có chỉ đạo phong tỏa tài khoản trước khi giải ngân vì thế việc cho vay 500 tỷ đồng không trái. "Hậu quả số tiền vẫn đang nằm trong ngân hàng xây dựng, sau này số tiền đi đâu không phải trách nhiệm của Thắm", ông Đăng nói khi tranh tụng.
Sau đồng nghiệp Đăng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (luật sư thứ 2 bào chữa cho Hà Văn Thắm) tiếp tục nêu quan điểm về cáo buộc của VKS cho rằng thân chủ mình Vi phạm các quy định cho vay. Vị luật sư cho rằng cần làm rõ việc Oceanbank mất hay không mất 500 tỷ khi cho Trung Dung vay.
Bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Thiệp cho rằng phần trình bày của đại diện ngân hàng Đại Tín tại tòa như thể muốn né tránh trách nhiệm, nghĩa vụ khi buộc Oceanbank phải hoàn trả số tiền 500 tỷ cho Công ty trung Dung vay đến nay chưa thu hồi được
Ông Thiệp nói Đại Tín vi phạm cam kết 3 bên khi giải ngân 500 tỷ mà chưa có văn bản chấp thuận của Oceanbank. “Nếu Đại Tín thực hiện nghiêm thì làm sao 500 tỷ này rút ra chi dùng sai mục đích dẫn đến tình trạng mấy khả năng thanh khoản”, ông Thiệp nêu quan điểm.
"Vụ Oceanbank bị truy cứu trách nhiệm hình sự là không công bằng"
Bào chữa cho Thắm về cáo buộc Cố ý làm trái khi chi lãi ngoài trái quy định 1.500 tỷ đồng, luật sư nói trong quá trình điều tra và tại tòa, Thắm hoàn toàn thừa nhận việc chi lãi ngoài là trái quy định. Bị cáo Thắm không thanh minh về vấn đề này, thừa nhận số liệu. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản luật sư này cho rằng cần đi sâu để xem có thiệt hại hay không mới là mấu chốt để xem bị cáo có phạm tội hay không.
“Trước khi xem xét tội của các bị cáo, đề nghị HĐXX xem xét tới hoàn cảnh. Hoàn cảnh bắt buộc Thắm phải làm theo xu thế và yêu cầu khách quan lúc bấy giờ. Bản thân Thắm không muốn thực hiện chi lãi ngoài nên khi có chỉ thị của Thống đốc, Thắm đã thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, Oceanbank là ngân hàng nhỏ, hành động của Thắm đi ngược lại với xu thế chung nên chỉ trong thời gian ngắn, khách hàng ồ ạt tới rút tiền như rút ruột mình ra", Thắm nói và cho biết tránh sự đổ vỡ của ngân hàng ông ta đã buộc phải chi lãi ngoài. Duy nhất Oceanbank bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đây là sự không công bằng”, luật sư Đào Hữu Đăng nói.
Theo phân tích của luật sư Đăng, không thể nói chi lãi ngoài là thiệt hại. Vị này ví von: Một người cầm 10.000 đồng ra chợ mua gánh rau. Ra chợ mới biết gánh rau 12.000 đồng nên để mua được gánh rau đó, phải vay thêm 2.000 đồng. Nếu không mua thì không có rau bán nhưng vay thêm 2.000 đồng mua rau về bán có lãi 8.000 đồng. Việc này cũng giống như ngân hàng bỏ ra thêm 2.000 đồng để được lãi 8.000 đồng, hay không bỏ ra đồng nào để ngân hàng sụp đổ, cái nào thiệt hại hơn.
“Trong vấn đề này tôi cho rằng cơ quan tố tụng không rõ ràng, minh bạch trong kết luận số thiệt hại. Ông giám định viên cho rằng thiệt hại đã được cơ quan điều tra xác định nên không cần giám định. Trong khi đó, do không xác định được thiệt hại nên cơ quan điều tra mới giám định…”, ông Đăng nói.
Với những phân tích nêu trên, luật sư này cho rằng thân chủ của mình không phạm tội. Việc chi lãi ngoài không gây hậu quả nên không phải bồi thường.
Bị cáo Xuân Sơn có đến 4 luật sư tại phiên xử sơ thẩm. Ảnh: Việt Hùng. |
Luật sư Thiệp tiếp lời và cho rằng căn cứ xác định thiệt hại của hành vi cố ý làm trái là đơn phương theo phía cơ quan điều tra xác định mà chưa có cơ quan giám định tư pháp xác định.
"Cứ cho rằng các bị cáo có hành vi làm trái nhưng mang lại lợi nhuận thì có chăng chấn chỉnh, yêu cầu rút kinh nghiệm để làm sao mang lại lợi nhuận nhưng phải tuân thủ các quy định. Bên cạnh đó, cũng phải ghi nhận thành quả sản xuất kinh doanh họ đạt được", luật sư bào chữa cho cựu Chủ tịch Oceanbank nêu quan điểm.
Ông Thiệp tiếp tục phân tích: Để xác định đây có phải thiệt hại không tôi căn cứ vào yêu cầu của đại diện nguyên đơn dân sự (Oceanbank mới). Đại diện Oceanbank mới không xác định được mình mất bao nhiêu, mất cái gì, mất trong nguồn tiền nào, yêu cầu ai hoàn trả… Họ cũng không có câu trả lời, không đưa ra được bất kỳ ý kiến nào để xác định chính mình là người thiệt hại và cần cơ quan bảo vệ pháp luật bảo vệ.
Chiều 14/9, HĐXX dành nhiều thời gian cho luật sư Đỗ Mạnh Trưởng bào chữa cho bị cáo Nguyễn Minh Thu với 2 tội danh Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ông Trưởng khẳng định thân chủ của mình không đồng phạm với Nguyễn Xuân Sơn về tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Với hành vi còn lại, luật sư xin HĐXX xem xét giảm nhẹ vì Thu là 1 trong những tổng giám đốc nữ đầu tiên của ngành Ngân hàng ở ở Việt Nam.