Sáng 3/7, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên họp xem xét đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, yêu cầu tòa án hủy bỏ các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng quản trị và các biên bản cuộc họp của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Phiên họp do thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân làm chủ tọa. Bà Thảo ủy quyền cho ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng làm đại diện. Luật sư Trương Trọng Nghĩa và luật sư Nguyễn Hồng Hà là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Thảo.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ ủy quyền cho ông Nguyễn Duy Phước, luật sư Trương Thị Hòa tham gia bảo vệ quyền lợi cho ông.
Luật sư Phạm Công Hùng. Ảnh: Quang Anh. |
Ngay từ phần làm thủ tục, đại diện của phía bà Thảo và ông Vũ xảy ra tranh luận gay gắt về các yêu cầu từ phía bà Thảo. Theo đó, trước phiên tòa, ông Đăng Ngọc Hoàng Hưng (người đại diện của bà Thảo) có nộp cho tòa đơn đề nghị thu thập tài liệu chứng cứ, triệu tập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và đơn đề nghị giám định.
Luật sư Phạm Công Hùng (một trong những người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo) đề nghị chủ tọa triệu tập thêm người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, cụ thể là đại diện Phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương. Luật sư cũng cho rằng một trong những yêu cầu của bà Thảo là yêu cầu hủy bỏ giấy đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã không được đưa vào xem xét ở phiên họp là một sự thiếu sót.
Ông Hùng nói thêm, trong hồ sơ vụ án có 2 bản điều lệ của Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên và đều là bản photo, có nội dung hoàn toàn khác biệt, được thêm vào khác với chứng cứ cũ. "Thu thập chứng cứ mà photo thì không đủ hợp pháp để xem xét. 2 bản photo không biết bản nào hợp pháp, bản nào là chứng cứ thật", luật sư Hùng nói.
Từ đây, người bảo vệ quyền lợi cho bà Thảo đề nghị chủ tọa tạm đình chỉ vụ việc, chuyền hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ hành vi làm giả giấy tờ.
Đối đáp lại, luật sư Trương Thị Hòa (người bảo vệ quyền lợi cho ông Vũ) cho rằng vụ án đã kéo dài 3 năm, việc bổ sung yêu cầu của bên bà Thảo cần phải nộp sớm để các bên có thời gian tham khảo chứ không phải sát ngày. Với yêu cầu triệu tập Phòng đăng ký kinh doanh, luật sư Hòa nêu quan điểm cơ quan này không liên quan trong vụ án. Bên cạnh đó, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 8 đã được giải quyết bằng bản án tòa cấp cao, có hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, vị luật sư cho biết đơn khởi kiện của bà Thảo yêu cầu tòa án hủy chứ không phải yêu cầu phía ông Vũ hay Công ty CP Cà phê Hòa tan Trung Nguyên làm điều đó. Luật sư cho rằng các đề nghị của bà Thảo đưa ra không phù hợp, đề nghị chủ tọa không chấp nhận yêu cầu hoãn phiên họp.
Luật sư Trương Thị Hòa. Ảnh: Quang Anh. |
Tiếp lời, luật sư Bùi Quang Nghiêm (bảo vệ quyền lợi cho Trung Nguyên) nhấn mạnh không đồng ý đề nghị chuyển vụ án hay đề nghị hoãn của phía bà Thảo. “Đó là phương cách để tiếp tục kéo dài thời gian xem xét vụ việc, không thể chấp nhận”, luật sư Nghiêm nói và cho rằng cần xét tư cách của người yêu cầu trước khi xét đến nội dung.
Ông Nghiêm cho rằng bà Thảo chỉ sở hữu 5% cổ phần trong khi luật quy định phải là 10%. Do đó, bà Thảo không có tư cách yêu cầu.
Cùng đại diện cho bà Thảo, luật sư Hoàng Anh Tuấn nói nội dung đơn của phía bà Thảo đã bị nhận thức sai và lệch lạc. Ông cho rằng không thể nhìn vào đăng ký kinh doanh để nói bà Thảo có bao nhiêu cổ phần.
"Khi chuyển đổi từ Công ty TNHH sang Công ty CP, tỷ lệ bà Thảo chiếm 12,5% chứ không phải 5% như nhận thức phía ông Vũ. Nếu tính từ ngày ban hành nghị quyết là một nhận thức sai lầm”, luật sư Tuấn nói.
Lúc này, thẩm phán Thái Thị Hữu Xuân cắt lời của các bên, cho rằng đây không phải phần đối đáp cũng không phải phần tranh luận, xác định đúng sai sẽ do chủ tọa quyết định.
Trình bày quan điểm trước ý kiến của hai bên, đại diện VKS cho biết về đơn khiếu nại đề nghị chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra thì qua phiên tòa này mới xem xét, không thuộc phạm vi kiến nghị của bà Thảo. Hiện văn bản của ông Hưng nộp chưa có hiệu lực, nếu chuyển vụ án thì phải do chánh án ủy quyền.
Đối với đơn đề nghị thu thập chứng cứ, nghị triệu tập đại diện Phòng đăng ký kinh doanh, VKS thấy không phù hợp và không có cơ sở. Còn về yêu cầu giám định thì cơ quan công tố cho rằng tại phiên họp sẽ xem xét.
Sau khi hội ý, chủ tọa quyết định đình chỉ giải quyết việc dân sự với lý do chờ kết quả trả lời đơn khiếu nại của ông Đặng Ngọc Hoàng Hưng từ Chánh án TAND tỉnh Bình Dương.
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ tại tòa ly hôn. Ảnh: Lê Quân. |
Theo nội dung vụ kiện, ngày 11/3/2016, bà Lê Hoàng Diệp Thảo bị Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (Tập đoàn Trung Nguyên) bãi nhiệm khỏi vị trí người đại diện theo pháp luật của Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên.
Ngày 18/7/2016, bà Thảo nộp đơn khởi kiện lên TAND tỉnh Bình Dương, yêu cầu hủy bỏ quyết định bãi nhiệm trên.
Ngày 22/7/2016, TAND tỉnh Bình Dương tạm đình chỉ giải quyết vụ kiện với lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm giữa nguyên đơn là Tập đoàn Trung Nguyên và bị đơn là Trưởng phòng đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương.
Ngày 30/10/2017, TAND Bình Dương ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án kinh doanh thương mại này vì vụ án hành chính đã giải quyết xong sơ thẩm và phúc thẩm.
Ngày 10/11/2017, tòa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Vũ và Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên chưa áp dụng giấy phép đăng ký kinh doanh về việc thay đổi người đại diện pháp luật từ bà Thảo sang ông Vũ.
Sau khi nhận được quyết định này, ông Vũ, mẹ ông và Tập đoàn Trung Nguyên khiếu nại và TAND Bình Dương đã hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trước phiên họp, phía ông Vũ gửi kiến nghị đến TAND tỉnh Bình Dương đề nghị hủy bỏ đơn kiện của bà Thảo. Ảnh: Lê Quân. |
Trong quá trình giải quyết vụ việc, bà Thảo yêu cầu tòa trưng cầu giám định của Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) về các tài liệu liên quan. TAND tỉnh Bình Dương ra quyết định trưng cầu giám định biên bản họp, nghị quyết và quyết định của Đại hội đồng cổ đông.
Ngày 30/1/2019, Viện Khoa học Hình sự có công văn, kết luận các chữ "Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên" dòng chữ in thứ 10 từ trên xuống, trên tài liệu ký hiệu A3-2 có dấu vết cắt ghép.
Sau khi có kết luận trên, tòa tiếp tục trưng cầu giám định về việc xác định những tài liệu này đã cắt ghép bằng phương thức nào. Tuy nhiên, Viện Khoa học Hình sự cho rằng không đủ cơ sở xác định tài liệu được cắt ghép bằng phương thức nào.