"Tinh thần" của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trong trại tạm giam…
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi của gia đình nạn nhân, quá trình tiến hành “phẫu thuật”, nạn nhân Huyền luôn ở trong tình trạng biến chứng co giật, sùi bọt mép. Các nhân viên của thẩm mỹ viện (TMV) Cát Tường đã giữ đầu, giữ tay chân chị Huyền… để bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trực tiếp tiến hành các biện pháp tiêm thuốc, phẫu thuật, bơm hút mỡ bụng.
Luật sư Chu Thị Trang Vân (Đoàn luật sư Hà Nội) người bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường chia sẻ, việc bào chữa cho bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, khiến chị chịu nhiều sức ép từ dư luận. Mặc dù nhận được nhiều ý kiến “không thông cảm” từ dư luận, nhưng luật sư Vân vẫn sẽ cố gắng hết sức mình để làm sáng tỏ bản chất thật sự của vụ án – bào chữa cho thân chủ của mình, theo đúng các quy định của pháp luật.
"Trước đấy tôi từ chối báo chí nhưng giờ lên tiếng vì cho rằng đây là thời điểm cần thiết. Trước thông tin các luật sư của gia đình nạn nhân vừa gửi bản kiến nghị muốn chuyển tội danh truy tố Tường sang Giết người, tôi rất trân trọng ý kiến của các đồng nghiệp – việc này cơ quan chức năng vẫn đang trong quá trình làm sáng tỏ", luật sư Vân nói.
Theo nữ luật sư, buổi tiếp xúc gần đây nhất với Tường diễn ra có sự giám sát của cán bộ trại tạm giam. Trong lần gặp này Nguyễn Mạnh Tường có sức khỏe và tinh thần tương đối ổn định, mặc dù trông gầy hơn, dáng vẻ mệt mỏi hơn dạo mới bị tạm giam. Cũng như những lần trước đây, Tường vẫn giữ phong thái của một người điềm đạm, nói năng rành rẽ, cộng với thái độ cầu thị, ân hận trước hành vi mình đã làm đối với nạn nhân. Tường cũng không bị những người “cùng phòng” xa lánh hay gây khó dễ.
Sau khi được thông báo ngắn gọn về tiến trình tố tụng của vụ án, cũng như những thông tin mới nhất về việc các luật sư bên gia đình nạn nhân đề nghị truy tố tội Giết người, Nguyễn Mạnh Tường đã không giấu được vẻ bất ngờ. Tuy nhiên anh ta vẫn giữ nguyên các lời khai trước đây, cho rằng mình không giết người. Đồng thời Tường cũng khẳng định, bản thân không có ý định chối bỏ trách nhiệm; sẵn sàng cùng người thân làm mọi việc có thể để khắc phục hậu quả và an ủi phía gia đình chị Huyền. Tường cũng mong muốn những người liên quan khai đúng sự thật, để cơ quan chức năng làm rõ bản chất vụ án.
Luật sư Chu Thị Trang Vân: “Quá trình điều tra làm sáng tỏ vụ án, cho phép nghi ngờ. Nhưng hành vi của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cần phải được đánh giá một cách khách quan”. |
"Tôi đã cố gắng cứu chữa cho chị Huyền khi sự cố xảy ra, tuy nhiên mọi việc không như mong đợi. Việc này cũng có nhiều người cùng chứng kiến và tham gia, tôi rất mong những người liên quan tôn trọng sự thật để vụ án mau chóng được sáng tỏ", Tường nói.
Luật sư Chu Thị Trang Vân kể rằng, mỗi lần gặp Tường, chị đều bắt đầu bằng các câu hỏi: “Anh còn gì chưa nói hoặc nói chưa đúng sự thật không? Anh phải nói sự thật thì tôi mới có thể giúp anh được”. Lần nào lần Tường cũng khẳng định anh ta đã khai toàn bộ sự thật, bao nhiêu lần hỏi thì câu trả lời của Tường vẫn chỉ như vậy. Và lần này cũng không ngoại lệ. Tường cũng cho biết, sau những hành vi đã gây ra, với Tường, việc “kết án” như thế nào, bây giờ không còn quan trọng nữa.
"Tôi là người rất xem trọng đời sống tâm linh. Trong khi chờ một bản án từ cơ quan chức năng. Tôi đã bị “tòa án lương tâm xử” rồi; cũng vì sai lầm của tôi mà các thành viên trong gia đình phải hứng chịu hậu quả. Ngày nào tôi cũng nghĩ về việc mình đã làm và tự thấy dằn vặt, đau đớn", Tường nói với luật sư bào chữa của mình.
Theo lời Tường, về sự cố xảy ra, trước khi rời khỏi thẩm mỹ viện Cát Tường, bác sĩ này đã kiểm tra thấy các chỉ số của chị Huyền đã “ổn định”. Việc Tường đi chùa cũng là “bình thường” vì đây là nếp quen của anh ta, ngày rằm và mùng một nào cũng lên chùa lễ Phật, chứ không phải khi thấy “sự cố” rồi lên chùa khấn khứa, sám hối như nhiều người vẫn nghĩ.
Hành vi "ma xui quỷ khiến"?
Luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng vụ án Nguyễn Mạnh Tường là một vụ án có nhiều yếu tố lạ. Trong hoạt động tố tụng, quá trình điều tra, có quyền đưa ra những giả định, nhưng nếu không có chứng cứ thì rất khó để làm sáng tỏ bản chất thật sự của vụ án. Để lý giải cặn kẽ vì sao một người có học thức, điềm đạm lại có thể có hành vi như vậy - cách tốt nhất là tìm thấy xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
"Điểm bất lợi nhất trong vụ án này là xác nạn nhân chưa tìm được. Và không biết thời điểm nào nạn nhân thiệt mạng. Tội trạng nếu có phải được đánh giá một cách khách quan. Với tội danh giết người, thì yếu tố cấu thành tội phải chứng minh được người phạm tội có hành vi tước đoạt tính mạng của nạn nhân. Trong trường hợp này, tôi nghĩ Tường “phẫu thuật” cho nạn nhân, không may xảy ra sự cố, và Tường cũng đã cố gắng xử lý, nhưng kết quả không như mong muốn", luật sư Chu Thị Trang Vân nói.
Phiên tòa diễn ra ngày 15/4 đã hoãn xét xử, vì lý do một số vấn đề chuyên môn chưa được làm rõ. Đến nay, luật sư bào chữa cho Nguyễn Mạnh Tường cũng cho biết, ngành y tế đã có công văn trả lời một số vấn đề về chuyên môn, liên quan đến vụ án. Theo đó hành vi của Tường có cái đúng, có cái sai. Nhưng không thể dựa vào “trả lời” này để kết tội.
Theo lời luật sư Vân, Tường cho rằng đó là "phút bị ma xui quỷ khiến" đã khiến anh ta dính vòng lao lý.
Tường nói: "Mọi việc diễn ra rất nhanh, bản thân Tường không có nhiều thời gian để bình tĩnh nghĩ ra cách phi tang xác. Lúc đầu Tường đã định đưa thi thể chị Huyền vào bệnh viện, rồi gọi thông báo cho người thân của chị biết, và mọi việc dừng lại ở đó. Nhưng tại bệnh viện đông quá, sợ bị lộ nên cuối cùng Tường đã không làm theo kế hoạch ban đầu. Sau đó mọi việc cứ diễn ra như thế, mà Tường không hiểu tại sao mình lại quyết định sai lầm như vậy".
"Tôi tiếp xúc với Tường, thấy anh ta là người điềm đạm, có học thức. Tiếp xúc với người thân và gia đình Tường, cũng cho những cảm nhận như thế. Tôi thật sự không hiểu được tại sao hành vi đó lại đến từ một con người như bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường", luật sư bào chữa cho Tường chia sẻ.
Trong lần gặp gỡ lần này, luật sư Chu Thị Trang Vân cũng đưa ra thắc mắc đối với Tường về các ý kiến cho rằng nạn nhân bị co giật trong quá trình “phẫu thuật”. Tường cho rằng, dưới góc nhìn của một bác sĩ thì đó là sự phản ứng với thuốc tê.
Hiện tại, do vẫn chưa tìm thấy thi thể nạn nhân nên cần đặt ra nghi vấn các lời khai của Tường, Hằng, Khánh trong việc “ném xác chị Huyền xuống sông Hồng có chính xác hay không? Trong đó Tường và Hằng là vợ chồng, còn Khánh là trẻ vị thành niên? Trước những nghi vấn này, luật sư Chu Thị Trang Vân cho rằng: Theo quy định của pháp luật, chứng cứ được cơ quan điều tra thu thập từ rất nhiều nguồn, lời khai chỉ là một phần.
Để chứng minh Tường có hành vi như thế, ở địa điểm như thế, cơ quan điều tra có thể xác minh từ những cuộc điện thoại trao đổi qua lại giữa Tường với những người liên quan; cộng với các thiết bị “định vị” cũng có thể xác minh sự việc có xảy ra ở địa điểm cầu Thanh Trì hay nơi khác? Cơ quan điều tra phải có trách nhiệm đưa ra được kết luận chính xác.