Luật sư yêu cầu trả hồ sơ, điều tra lại tội Tham ô
Bào chữa cho bị cáo Dương Chí Dũng, luật sư Ngô Ngọc Thủy cho rằng không đủ chứng cứ để kết tội bị cáo này phạm tội Tham ô tài sản. Ông đề nghị HĐXX xem xét trả lại hồ sơ vụ án để điều tra lại.
Cùng bào chữa cho cựu Chủ tịch HĐQT Vinalines, luật sư Trần Đại Thắng nói, hiện pháp luật chưa quy định cụ thể về độ tuổi của ụ nổi, trên thế giới vẫn có những ụ nổi có tuổi thọ đến 60 - 70 năm. Việc thân chủ của ông mua ụ nổi cũ 83M là muốn tiết kiệm chi phí, bởi sau khi sửa chữa vẫn sử dụng được.
Theo luật sư Thắng, việc công ty AP chuyển số tiền 1,666 triệu USD vào tài khoản của công ty Phú Hà (công ty của em gái Trần Hải Sơn) và số tiền này được Trần Thị Hải Hà đưa cho Trần Hải Sơn. Còn việc Sơn khai đưa cho Dũng 10 tỷ là không đủ chứng cứ, do vậy bị cáo Dương Chí Dũng không phạm tội Tham ô tài sản.
"Tôi thống nhất ý kiến của luật sư Thủy, đề nghị HĐXX xem xét trả lại hồ sơ để điều tra lại", luật sư Thắng đưa ra quan điểm.
Dương Chí Dũng và các bị cáo chiều ngày 23/4. |
Là một trong ba luật sư bào chữa cho bị cáo Dũng, ông Trần Đình Triển cho rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử và cáo buộc của VKS tại phiên tòa là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Vị luật sư nói, vụ án có sự hiểu khác đi về ụ nổi mà trong Điều 2 Bộ luật Hàng hải quy định. Nếu quy định trong bộ luật này trái với công ước quốc tế thì sẽ áp dụng theo công ước quốc tế. "Tại phiên tòa hôm nay VKS đề nghị nâng mức hình phạt, mức bồi thường dân sự đối với bị cáo Dũng là làm xấu đi tình trạng của thân chủ tôi”, ông Triển nói.
Tại phiên phúc thẩm, ông Trần Đình Triển đã chứng minh lời khai Trần Hải Sơn đưa tiền cho Dương Chí Dũng là có mâu thuẫn.
Vị luật sư trích dẫn nội dung ông Goh viết trong bản tuyên thệ trước pháp luật: "Tôi biết ông Dũng, nguyên chủ tịch Vinalines và các con của ông trong thời gian họ học tập tại Singapore. Tuy nhiên, tôi chưa từng liên hệ và trao đổi trực tiếp hoặc gián tiếp với ông Dũng về việc bán ụ nổi 83M. Tôi cũng chưa từng liên hệ hay trao đổi với ông Phúc, cựu tổng giám đốc Vinalines về việc mua bán ụ nổi 83M này. Chỉ duy nhất một lần tôi đến chào xã giao ông Phúc tại trụ sở Vinalines tại Hà Nội, cùng đi có các ông Chiều, Sơn và một phiên dịch". Cùng với đó còn đoạn: "Tôi không hề yêu cầu ông Sơn phải mở tài khoản của Công ty Phú Hà tại ngân hàng UOB. Tên Công ty Phú Hà xuất hiện lần đầu tiên khi GS thông báo cho AP về tên công ty sẽ nhận khoản thanh toán cho việc chuẩn bị hồ sơ xin giấy phép, thủ tục hải quan và xuất khẩu liên quan đến ụ nổi 83M, sau khi tín dụng thư được phát hành. Chi tiết về tài khoản của công ty Phú Hà là do ông Sơn thông báo cho AP để tôi thực hiện việc thanh toán theo tín dụng thư cho công ty Phú Hà theo thỏa thuận. Tôi chưa bao giờ trao đổi với ông Dũng và ông Phúc về khoản tiền 1,666 triệu USD".
Luật sư đặt ra câu hỏi: "Vậy, ai là người thỏa thuận tiền lại quả với ông Goh"
Kết thúc phần bào chữa, đồng quan điểm với 2 luật sư đồng nghiệp, ông Triển đã đề nghị HĐXX hủy một phần bản án để điều tra lại tội Tham ô tài sản của Dương Chí Dũng.
Luật sư phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo chiều 23/4. |
Ai thỏa thuận tiền "lại quả"?
Bào chữa cho bị cáo Mai Văn phúc (cựu Tổng giám đốc Vinalines) là luật sư Hoàng Huy Được và Nguyễn Huy Thiệp. Các luật sư có chung quan điểm cần xem xét mối quan hệ giữa ông Goh và ai đó trong Vinalines để làm rõ số tiền 1,666 triệu USD chuyển cho công ty Phú Hà.
Luật sư lập luận căn cứ vào bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh cho thấy vai trò cụ thể của người đứng ra để thỏa thuận với ông Goh về số tiền lại quả 1,666 triệu USD chứ không phải do bị cáo Mai Văn Phúc thỏa thuận. Trong khi đó, bị cáo Phúc không kêu oan về tội Cố ý làm trái mà về tội Tham ô tài sản.
Về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, luật sư cho rằng bị cáo Phúc vi phạm là do động cơ tích cực hoàn thành nhiệm vụ, bị cáo nóng vội, thiếu thông tin do mới về nhận chức.
Với tội Tham ô, bản án sơ thẩm đã nêu bị cáo Phúc nhận 10 tỷ đồng từ việc lại quả 1,666 triệu USD Công ty AP chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Hà. Số tiền hơn 1,6 triệu USD mà công ty AP chuyển về Việt Nam là do Dũng và Phúc phải thỏa thuận trước với ông Goh. Tuy nhiên, bản tuyên thệ trước pháp luật của ông Goh đã nói rõ là không có thỏa thuận với hai người này. Vì lý do đó, luật sư đề nghị HĐXX xem xét ai là người quyết định, thỏa thuận việc "lại quả".
Với những lập luận trên, các luật sư cũng đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại.