Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư được gặp người bị tạm giữ

Từ 12/3, người bào chữa có thể gặp người bị tạm giữ, nếu cần giám sát cuộc gặp thì người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát.

“Khi nhận được văn bản thông báo người bào chữa cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam của cơ quan đang thụ lý vụ án thì cơ sở giam giữ tổ chức cho người bào chữa được gặp người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật”.

Đây là quy định mới tại Thông tư liên tịch (có hiệu lực từ ngày 12/3 tới) giữa Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, chánh án TAND Tối cao và viện trưởng VKSND Tối cao.

Theo đó, việc phối hợp, tổ chức cho người bị tạm giữ, tạm giam gặp người bào chữa thực hiện theo quy định tại Điều 80 của Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) và Điều 22, Điều 34 của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam.

Trường hợp cần phải giám sát cuộc gặp thì thủ trưởng, người có thẩm quyền của cơ quan đang thụ lý vụ án phối hợp với cơ sở giam giữ tổ chức giám sát. Nếu người bị tạm giữ, tạm giam, người bào chữa có hành vi vi phạm nội quy cơ sở giam giữ hoặc cản trở việc giải quyết vụ án thì người có thẩm quyền giám sát phải dừng ngay cuộc gặp và lập biên bản, báo cáo với thủ trưởng cơ sở giam giữ và thông báo bằng văn bản cho cơ quan đang thụ lý vụ án biết để xử lý.

Khi người bào chữa có yêu cầu gặp người bị tạm giữ, tạm giam tại nơi khám bệnh, chữa bệnh ngoài cơ sở giam giữ thì cơ sở giam giữ trao đổi với bác sĩ điều trị. Nếu được sự đồng ý của bác sĩ điều trị thì cơ sở giam giữ thông báo cho người bào chữa biết, đồng thời thông báo cho cơ quan đang thụ lý vụ án để có biện pháp phối hợp kịp thời.

Người có thẩm quyền của cơ sở giam giữ phải quản lý, giám sát chặt chẽ, không để người bào chữa đưa, chuyển đồ vật cấm cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam hoặc có vi phạm khác về việc thăm gặp, gây cản trở việc giải quyết vụ án.

Quy định về phối hợp quản lý người bị tạm giam khi trích xuất phục vụ xét xử tại phiên tòa cũng được nêu cụ thể.

Theo đó, tòa án có thẩm quyền phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử và lệnh trích xuất người bị tạm giam cho cơ sở giam giữ nơi đang giam giữ người bị tạm giam chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa. Đồng thời tòa phải trao đổi với cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải về tính chất phức tạp của vụ án, mức độ nguy hiểm, số lượng đối tượng đưa ra xét xử.

Cơ quan có nhiệm vụ áp giải phải phối hợp với cơ sở giam giữ xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc áp giải người bị tạm giam đến địa điểm mở phiên tòa đúng thời gian, phối hợp với lực lượng bảo vệ phiên tòa đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình áp giải và xét xử tại tòa.

Cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giam được trích xuất để phục vụ xét xử tại tòa cho thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Khi kết thúc phiên tòa, thẩm phán chủ tọa có trách nhiệm bàn giao người bị tạm giam được trích xuất cho cơ quan, người có nhiệm vụ áp giải, trừ trường hợp người bị tạm giam là bị cáo được trả tự do theo bản án, quyết định của tòa.

Trường hợp hết thời hạn tạm giam thì phải kèm theo quyết định tạm giam, trừ trường hợp bị cáo bị phạt tử hình theo quy định tại khoản 4 Điều 329 của BLTTHS. Việc bàn giao phải được lập thành biên bản, có ghi rõ tình trạng sức khỏe.

Trong quá trình xét xử, trường hợp phiên tòa tạm nghỉ mà không có điều kiện áp giải người bị tạm giam về cơ sở giam giữ, phải lưu lại tại nơi xét xử thì tòa án bố trí nơi để quản lý người bị tạm giam.

http://plo.vn/phap-luat/luat-su-duoc-gap-nguoi-bi-tam-giu-757937.html

Theo Đại Hưng/Pháp Luật TP.HCM

Bạn có thể quan tâm