Ngày 5/10, phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga cùng 9 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 4.
Trong phiên tòa, VKS hỏi bị cáo Nguyễn Trường Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc Housing Group) về việc ký kết hợp đồng với khách hàng. Bị cáo Sơn khai do tin tưởng Nga nên mới ký với các khách hàng. Việc làm này, theo bị cáo là làm theo sự phân công của cựu đại biểu Quốc hội, không được bàn bạc. Quá trình đọc hồ sơ, Sơn không được biết thông tin, nghĩ công ty là chủ đầu tư dự án.
"Bị cáo chỉ ký vào đó để hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Không nắm được thông tin nên khi làm việc với cảnh sát điều tra mới biết mình làm sai. Nếu biết sai từ trước, bị cáo đã không ký”, bị cáo Sơn khai.
Đến lượt mình, bị cáo Đoàn Thanh Thủy (sinh năm 1982, nguyên quyền Kế toán trưởng Housing Group) cho rằng với công ty tư nhân, tất cả theo sự phân công chỉ đạo của bà Nga. Thủy khai: "Trong giai đoạn làm kế toán trưởng, tôi không ký thì những nhân viên bình thường khác cũng có thể ký vào chỗ của kế toán trưởng. Đó là thỏa thuận dân sự bình thường".
Bà Châu Thị Thu Nga là đại biểu Quốc hội khóa XIII (thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) đồng thời là đại biểu HĐND Hà Nội.
Trung tuần tháng 7/2015, các chức danh trên đã bị bãi nhiệm.
Khi trúng cử, bà là Phó chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group).
Sau khi VKS hỏi bị cáo Nga, luật sư Hoàng Văn Hướng - một trong 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Nga - cũng đưa ra một số câu hỏi, hỏi thân chủ của mình. Trong đó, có câu hỏi liên quan tới số tiền bị cáo buộc chi không có hóa đơn chứng từ.
Luật sư Hướng đặt câu hỏi với thân chủ của mình: "Trong cáo trạng và các tài liệu chứng cứ có nêu bà đã chuyển khoảng 1,5 triệu USD (khoảng 30 tỷ) để "chạy" vào đại biểu Quốc hội, có khoảng 4 bút lục, bà có luận giải như nào về vấn đề này. Có việc chạy đại biểu Quốc hội không? Bà có thay đổi lời không? Bà trình bày lại cho HĐXX và mọi người cùng nghe".
Luật sư vừa dứt lời, vị chủ tọa nói: "Đối với khoản tiền mà luật sư vừa nói nó nằm trong khoản 157 tỷ đồng công an điều tra tách ra khỏi vụ án này".
Bị cáo Nga vừa nói muốn trả lời ngắn gọn câu hỏi của luật sư Hướng nhưng chủ tọa không chấp nhận điều này.
Trước đó, sáng cùng ngày, phiên xét xử sơ thẩm Châu Thị Thu Nga (cựu Chủ tịch HĐQT Housing Group) và 9 đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi. Do sức khỏe bị cáo Nga không tốt nên tòa cho phép bà ngồi trả lời.
Là một trong số hàng trăm bị hại trong vụ án, một nữ giảng viên đại học luật cho biết trước khi quyết định mua một căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn, vợ chồng chị có xem hợp đồng thấy rất chặt chẽ. Khi đó, Housing Grooup đã là chủ dự án. "Tôi có vào trang web của công ty, hoàn toàn không thấy có gì là dự án bấp bênh, vướng mắc và rủi ro nên mới mua”, nữ bị hại nói.
Tại tòa, rất nhiều bị hại cho biết ngoài số tiền ký kết trong hợp đồng, họ phải nộp thêm một khoản tiền chênh lệch rất cao, khoảng 30%.
Bị cáo Châu Thị Thu Nga đến tòa sáng 5/10. Ảnh: Việt Hùng. |
Là người bị thu tiền chênh lệch gần bằng giá trị hợp đồng đã ký kết, bị hại Nguyễn Tuấn Anh cho rằng số tiền Nga và các bị cáo chiếm đoạt là rất lớn. Anh này nhận định con số không chỉ dừng 377 tỷ đồng như cáo trạng nêu. "Tôi đoán tiền này đi vào túi của Housing Group, của bà Nga", anh Tuấn Anh nói.
Cạnh đó, nhiều người tố Nguyễn Thị Tình (cựu Giám đốc sàn Giao dịch Bất động sản Housing) chính là người đòi và nhận khoản tiền chênh lệch.
Bị hại Phạm Thị Hoa phân trần: "Chị Tình nói rằng suất tôi mua là phần ngoại giao của một cán bộ công an nên phải trả tiền chênh lệch. Giờ chị ấy chối nói không biết tôi là ai, lại còn dọa, tố cáo tôi ra công an tội vu khống khiến tôi rất bức xúc".
Ghi nhận của Zing.vn, khi được hỏi tâm tư, nguyện vọng ra sao sau phiên xử, rất nhiều bị hại khẳng định muốn dự án tiếp tục thực hiện. Ông Phạm Minh Hoàng (bị hại) cho biết bản thân ông và nhiều bị hại trong vụ án chỉ là là dân lao động, cán bộ công chức nghèo nên khi thấy giá bán tại B5 Cầu Diễn phù hợp với thu nhập nên muốn mua để có chỗ ở. Tuy nhiên, mọi việc không diễn ra như họ trông đợi. "Giờ chúng tôi chỉ có nguyện vọng dự án được xây dựng, để mọi người có nhà”, ông Hoàng nói.
Sau ông Hoàng, người đại diện cho bị hại Vũ Thị Hoa Nhài có ý kiến: "Tôi đề nghị quý tòa không đôi co chuyện tiền nong với khách hàng. Khách hàng sẽ theo đến cùng để có nhà. Chúng tôi chỉ có đề nghị cho hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện Dự án B5 Cầu Diễn".
Tại phiên tòa, rất nhiều bị hại trong vụ án mong muốn khi kết thúc phiên tòa, HĐXX sẽ ghi trong bản án đề nghị xây nhà để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Đây cũng là nguyện vọng của Châu Thị Thu Nga khi trả lời câu hỏi của VKS. Nữ bị cáo này cho rằng bà và các đồng phạm hầu tòa không lừa đảo. "Hiện người đại diện Housing có khả năng chi trả cho khách hàng", Nga nói.
Tiếp lời, nữ bị cáo này cho biết, trong thời gian bị tạm giam, bản thân bà ta có đề nghị thay đổi pháp nhân, thay đổi hội đồng quản trị mới để tiếp tục thực hiện dự án đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
- Từ năm 2009 đến năm 2013, Châu Thị Thu Nga và các bị cáo được Chủ tịch Housing Group ủy quyền đã ký 752 hợp đồng góp vốn, thu hơn 377 tỷ đồng của khách hàng với cam kết sẽ bàn giao 752 căn hộ tại dự án B5 Cầu Diễn.
- Trong vụ án lừa đảo tại dự án B5 Cầu Diễn, Nga được xác định giữ vai trò chủ mưu. 9 bị cáo còn lại đều là nhân viên dưới quyền của bà Nga bị cáo buộc là người thực hiện hành vi giúp sức.