Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư lên tiếng vụ bác sĩ ném xác nạn nhân phi tang

“Sau này xác định rõ nguyên nhân nạn nhân chết có thể thay đổi tội danh cho phù hợp cho bác sĩ Tường. Có thể là tội Giết người, hoặc Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh”, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Văn phòng luật sư Nguyễn Anh chia sẻ.

- Từ những thông tin về vụ việc giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chết người, rồi ném xác phi tang, anh có suy nghĩ thế nào về vụ án và đạo đức nghề của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường hiện cũng là bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai?

- Qua vụ án này có thể thấy rằng hành vi của bác sĩ Tường là rất đáng lên án. Là một bác sĩ đang công tác tại bệnh viện lớn thuộc tuyến trung ương, cũng như trình độ học vấn cao mà lại có hành vi phi tang nạn nhân để che giấu sai phạm được coi như là “rủi ro nghề nghiệp” trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ như vậy là không thể chấp nhận được.

Bác sĩ Tường đã làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng khi mà dư luận xã hội bức xúc trước việc xử sự lạnh lùng, đi ngược lại với y đức của người bác sĩ. Nếu chỉ dừng lại ở hành vi gây chết người do quá trình phẫu thuật mà mình gây ra mà báo cáo ngay cho các cơ quan chức năng thì sự việc sẽ đơn giản, không để đến mức cả gia đình nạn nhân và xã hội phải lên án.

Bác sĩ Tường được dẫn giải tới hiện trường.

Khi con người ta đã phạm một sai lầm thì tất yếu sẽ dẫn tới những sai lầm khác là điều khó tránh khỏi, nếu không phải là người có bản lĩnh vững vàng. Có lẽ, bác sĩ Tường khi thấy nạn nhân bị chết do mình làm phẫu thuật thì tâm lý hoang mang lo sợ ảnh hưởng đến uy tín, công danh sự nghiệp và gia đình nên đã không đủ bản lĩnh để đối mặt mà tìm cách bảo vệ nó bằng cách che đậy.

Vị bác sĩ đã đi từ sai phạm này đến sai phạm khác trong suốt 1 thời gian kể từ khi nạn nhân chết vào cuối buổi chiều, thực hiện phi tang nạn nhân xuống sông Hồng và tạo ra màn kịch cho rằng nạn nhân có thể tự tử để đánh lừa các cơ quan chức năng và không bị phát hiện xử lý mình đã làm nạn nhân bị chết khi phẫu thuật.

- Với những hành vi ban đầu Công an TP Hà Nội công bố, liệu bác sĩ Tường và nhân viên bảo vệ Khánh sẽ phải đối mặt với mức án như thế nào?

- Theo tôi, hiện chưa tìm thấy xác nạn nhân để phục vụ công tác giám định nguyên nhân nạn nhân chết nên bước đầu cơ quan điều tra bước đầu khởi tố về Hành vi giết người là có cơ sở vì căn cứ vào hành vi ném nạn nhân xuống sông. Sau này xác định rõ nguyên nhân nạn nhân chết thì có thể thay đổi tội danh cho phù hợp.

Nếu giám định trong bụng nạn nhân không có nước, hoặc có những chứng cứ khác chứng minh là nạn nhân đã bị chết trước khi ném xuống sông thì bác sĩ Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.

Trường hợp, trong bụng nạn nhân có nước hoặc có những chứng cứ khác chứng minh nạn nhân chưa chết trước khi ném xuống sông, nghĩa là nạn nhân chết do bị ngạt nước thì bác sĩ Tường có dấu hiệu phạm tội theo điều 93 Bộ luật hình sự: Tội giết người.

Trong trường hợp nếu bác sĩ Tường chỉ dừng lại việc làm khách hàng chết tại Thẩm mỹ Cát Tường do Giấy phép hành nghề không có chức năng phẫu thuật hút mỡ bụng, bơm ngực mà vô ý gây tử vong cho khách hàng trong quá trình làm phẫu thuật vì nhiều nguyên nhân khác nhau thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo điều 242 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm các qui định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vu y tế khác.

Hành vi phi tang nạn nhân nhằm che dấu tội phạm của bác sĩ Tường là tình tiết định khung tăng nặng theo khoản 1 điều 48 Bộ luật hình sự “có hành động xảo quyệt, hung hãn nhằm trốn tránh, che dấu tội phạm”.

- Trường hợp cơ quan điều tra làm rõ những nhân viên khác ở trung tâm thẩm mỹ Cát Tường che giấu tội phạm và không tố giác tội phạm, họ sẽ bị xử lý như thế nào?

- Các y tá tham gia trực tiếp vào việc trợ giúp bác sĩ Tường khi làm phẫu thuật thẩm mỹ gây chết cho nạn nhân có thể phải chịu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức theo tội danh mà bác sĩ Tường.

Đối với người bảo vệ tham gia phi tang xác khách hàng do sự chỉ đạo của bác sĩ Tường, hoặc do nể nang thì tùy theo tội danh của bác sĩ Tường đã phạm để làm căn cứ xác định hành vi phạm tội. Như đã phân tích ở trên, nếu bác sĩ Tường phạm tội giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự thì đương nhiên người tham gia ném nạn nhân sẽ phải chịu trách nhiệm chung về tội giết người với vai trò đồng phạm giúp sức.

Nếu bác sĩ Tường phạm tội theo điều 242 Bộ luật hình sự thì người có hành vi giúp bác sĩ Tường che giấu tội phạm như giúp ném xác phi tang nạn nhân, hoặc các nhân viên trong Thẩm mỹ Cát Tường cất dấu đồ đạc, thu dọn hiện trường,… hoặc biết khách hàng đã bị chết mà không đến cơ quan điều tra trình báo,… thì sẽ phạm tội “che dấu tội phạm” theo điều 313 Bộ luật hình sự và “không tố giác tội phạm” theo điều 314 vì điều 242 Bộ luật hình sự không thuộc hành vi qui định tại điều 313 Bộ luật hình sự và điều 314 Bộ luật hình sự.

Chỉ khi bác sĩ Tường bị khởi tố về tội Giết người theo điều 93 Bộ luật hình sự thì các nhân viên khác trong cơ sở thẩm mỹ, tùy theo tính chất mức độ mới có căn cứ để xử lý hình sự theo điều 313 Bộ luật hình sự và điều 314 Bộ luật hình sự.

- Gần đây, trên địa bàn Hà Nội xảy ra một số vụ chết người khi đi phẫu thuật thẩm mỹ, luật sư có lời khuyên nào cho chị em khi muốn đi làm đẹp?

Đi thẩm mỹ là nhu cầu làm đẹp chính đáng của chị em phụ nữ, tuy nhiên họ phải xác định đã làm phẫu thuật thì phải ý thức được là việc rất quan trọng. Đó là nó không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà thậm chí đến tính mạng. Do đó, khi chị em phụ nữ đi phẫu thuật thẩm mỹ thì không nên giấu gia đình, phải tìm hiểu kỹ các trung tâm thẩm mỹ có uy tín, có kinh nghiệm, có đầy đủ trang thiết bị hiện đại,… đặc biệt phải tìm hiểu cơ sở phải có Giấy phép hành nghề mà Nhà nước cấp theo đúng lĩnh vực mình làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Chị em cũng đừng vội tin khi nghe quảng cáo trên website, mạng xã hội,.. mà hãy đến tìm hiểu thật kỹ cơ sở vật chất, tư cách pháp lý hành nghề của cơ sở thẩm mỹ để tránh rủi ro thấp nhất có thể. Tốt nhất hãy đến các trung tâm thẩm mỹ của các bệnh viện lớn của Nhà nước có đầy đủ cơ sở vật chất  để làm phẫu thuật thẩm mỹ một cách an toàn nhất.

Điều 242 Bộ luật hình sự: Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tùy Phong - Lê Tú

Bạn có thể quan tâm