Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư nói về đám cưới đồng tính tập thể

"Pháp luật không cấm những người đồng giới yêu nhau", đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Anh Thơm bày tỏ quan điểm về việc tổ chức đám cưới đồng tính “độc nhất” ở Hà Nội diễn ra sáng 17/5.

Luật sư nói về đám cưới đồng tính tập thể

"Pháp luật không cấm những người đồng giới yêu nhau", đó là ý kiến của luật sư Nguyễn Anh Thơm bày tỏ quan điểm về việc tổ chức đám cưới đồng tính “độc nhất” ở Hà Nội diễn ra sáng 17/5.

Đám cưới giả định của 10 cặp đôi đồng tính với mục đích chào mừng ngày Quốc tế chống kỳ thị người đồng tính, song tính và chuyển giới (IDAHO). Đám cưới này một lần nữa khẳng định sự ủng hộ hôn nhân đồng giới tại Việt Nam của các bạn trẻ thuộc cộng đồng LGBT (viết tắt của Les - đồng tính nữ, Gay - đồng tính nam, Bisexual - song tính, Transgender - chuyển giới).

'Tú Lơ Khơ' người ngoài cùng bên phải cùng các bạn trong buổi cưới tập thể ủng hộ người đồng tính. Ảnh Nguyễn Hoàn.

Đám cưới di chuyển qua nhiều tuyến phố lớn từ Giảng Võ lên Cầu Giấy, sau đó về Hồ Gươm đã thu hút dư luận quan tâm rất lớn.  

Trước câu hỏi nhiều người đặt ra, liệu đám cưới như vậy có vi phạm luật không, luật sư Nguyễn Anh Thơm – VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội chia sẻ: “Lễ cưới chỉ là nghi lễ tiến hành nhằm đánh dấu hoặc kỷ niệm một sự việc, sự kiện quan trọng và không có giá trị pháp lý. Nếu sau khi họ tổ chức lễ cưới trước sự chứng kiến của họ hàng, về chung sống với nhau thì về mặt pháp lý họ cũng không được công nhận là vợ chồng. Luật hôn nhân và gia đình chưa công nhận kết hôn giữa những người đồng tính nên họ không thể thực hiện điều nay”.

Luật sư Anh Thơm - Đoàn Luật sư Hà Nội.

Theo điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình định nghĩa: “kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”. Những trường hợp bị cấm kết hôn thì sẽ không thể ra phường, xã làm thủ tục đăng ký.

Ông Thơm cho biết, trong trường hợp các cặp đôi đồng tính tổ chức lễ cưới thì chính quyền cũng không có căn cứ xử phạt các bạn trẻ về hành vi này, vì họ chưa ra cơ quan có thẩm quyền đăng ký kết hôn.

“Kể cả trường hợp sau này họ có về chung sống với nhau thì luật cũng không cấm việc những người cùng giới sống như vợ như chồng. Còn sống như vợ như chồng là như thế nào thì lại là một vấn đề khác phải hiểu rõ. Luật không cấm việc hai người cùng giới có quan hệ tình cảm với nhau, miễn là tự nguyện, đủ tuổi và không có yếu tố mại dâm. Do vậy, mọi công dân có quyền làm những gì pháp luật không cấm, trong đó có việc tổ chức lễ cưới giữa những người đồng giới yêu nhau” – ông Thơm khẳng định.

Theo vị luật sư từng tham gia nhiều vụ án hình sự “nóng” như Nguyễn Đức Nghĩa, Đặng Trần Hoài: “Trong trường hợp này,  tuy nhà nước không ngăn cấm các bạn tổ chức lễ cưới nhưng việc thực hiện tại nơi công cộng cũng cần phải tuân theo các quy định của pháp luật, qui tắc an toàn trật tự, tránh gây ầm ĩ, ảnh hưởng đến trật tự công cộng, gây cản trở giao thông, náo loạn trên đường”.

Nguyễn Ngọc Tú: Thành viên ban tổ chức

"Là người tổ chức và tham gia chương trình "Yêu là cưới", Tú cảm thấy rất hạnh phúc. Trong suốt quá trình diễn ra buổi lễ, mình để ý đến cô dâu nhiều hơn phản ứng của mọi người xung quanh. Nhưng có thể thấy rằng, hầu hết đám đông đều đưa máy ra chụp ảnh, mỉm cười, vỗ tay ủng hộ, không có nhìn với ánh mắt kỳ thị".

Lê Trọng Hiếu (tên thường gọi là Hiền Vi), 18 tuổi, người mẫu chuyển giới.

"Được tham dự lễ cưới ủng hộ hôn nhân đồng tính, song tính, lưỡng tính, chuyển giới là một niềm vui lớn của cá nhân mình. Đây cũng là ao ước của rất nhiều các cặp đôi đồng tính. Có thể nói, trong lễ cưới, giây phút nào mình cũng cảm thấy rất hạnh phúc, xúc động như được lên xe hoa thật sự.

Mình mong muốn, Quốc hội sắp tới sẽ thông qua Luật hôn nhân dành cho cộng đồng LGBT".

Nguyễn Trần Đại Hải  (21 tuổi), thành viên trong cộng đồng LGBT

"Hải muốn truyền tới thông điệp: Hôn nhân đồng giới cũng giống như những cuộc hôn nhân khác, thể hiện quyền bình đẳng với mọi người, được yêu và gắn bó với nhau trọn đời nhưng đã có rất nhiều kỷ niệm. Bản thân Hải, khi được tham gia vào buổi lễ đã rất xúc động, hồi hộp, lo lắng như trong lễ cưới thực sự. Đây cũng là lần đầu tiên mình xuất hiện trước mọi người, công khai với thế giới xung quanh rằng: Tôi là người đồng tính. Tôi tự hào vì là người đồng tính, có một tình yêu đồng tính.

Qua 4 địa điểm diễn ra lễ cưới tại Hà Nội, Hải thấy mọi người xung quanh phản ứng bằng nhiều cách trái chiều nhau. Có người tò mò, thích thú, ngạc nhiên và chúc mừng cặp đôi của mình rất thật lòng. Tuy nhiên cũng có một số phản ứng không chấp chận, tỏ ra xa lánh. Ví dụ, khi đôi của Hải đến Vincom mua nhẫn cưới. Một chị nhân viên đã nhìn mình, có vẻ hơi sợ hãi, sau đó nhanh chóng rời khỏi khu vực đó. Nhưng rất may mắn rằng đây chỉ là một trường hợp duy nhất, Hải cho rằng do người đó chưa thực sự hiểu về cộng đồng mình.

Hải đã từng hoạt động nhiều chương trình đấu tranh cho người đồng tính. Khi xã hội có nhiều người chưa hiểu, chưa chấp nhận thì mình phải làm cho họ hiểu bằng cách sống tích cực và làm nhiều hoạt động tích cực. Đến khi nào tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau, thì lúc ấy mình mới hoàn thành nhiệm vụ".

Thái Vương Quân (22 tuổi), thành viên của nhóm tình nguyện ICS

"Tuy không phải là người đồng tính nhưng Quân rất mong muốn được đóng góp cho cộng đồng này, thúc đẩy xã hội tiến đến sự công bằng. Kế hoạch này đã được BTC lên ý tưởng trước đó 1 tháng, mong muốn xã hội có cái nhìn rộng mở hơn về người đồng tính.

Bản thân mình đã từng đọc và gặp rất nhiều câu chuyện người đồng tính không được kết hôn. Họ gặp nhiều khó khăn, bị kỳ thị và đôi khi còn liên quan đến cả tính mạng nữa. Nên mình rất hiểu, thông cảm và mong muốn các bạn có quyền yêu như bao người bình thường khác. Hôn nhân đồng giới cũng giống như những cuộc hôn nhân khác, thể hiện quyền bình đẳng với mọi người, được yêu và gắn bó với nhau trọn đời".

Nhật mai - Huỳnh Anh

Theo Infonet

Nhật mai - Huỳnh Anh

Theo Infonet

Bạn có thể quan tâm