Yêu cầu bồi thường của ông Chấn có cơ sở hay không?
Theo luật sư Trươn Anh Tú, hiện Luật Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của Nhà nước sau một số năm vận hành, qua một vài vụ án, đã bộc lộ nhiều điểm cần phải xem xét lại để sửa đổi. Sửa sớm thì càng tốt và phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.
"Trong trường hợp của ông Nguyễn Thanh Chấn, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất; thiệt hại do tổn thất tinh thần và sức khỏe là rất rõ ràng. Việc bồi thường những thiệt hại này là như thế nào, phải đưa ra phân tích", luật sư Trương Anh Tú khẳng định.
Ông Chấn ngày được tạm đình chỉ thi hành án ngày 4/11/2013. |
Nếu xét trên phương diện pháp luật hiện nay thì mức yêu cầu bồi thường của ông Chấn là không có căn cứ. Bởi theo quy định thì các khoản tiền người bị oan sai được bồi thường bao gồm: Thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; Thiệt hại do tổn thất về tinh thần; Thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe; Khôi phục danh dự, nhân phẩm.
Trong đó, thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút được tính trên căn cứ là thu nhập thường xuyên, không ổn định hoặc thu nhập trung bình trong ba tháng liền kề hoặc thu nhập trung bình của lao động cùng loại tại địa phương hoặc theo mức lương tối thiểu chung đối với cơ quan Nhà nước tại thời điểm giải quyết bồi thường (gọi chung là lương tối thiểu).
Đối với thiệt hại do tổn thất về tinh thần được tính bằng ba ngày lương tối thiểu cho một ngày bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành hình phạt tù.
Đối với thiệt hại về vật chất do tổn hại về sức khỏe được tính gồm: chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút; chi phí hợp lý và thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; khoản cấp dưỡng (nếu có).
Nhà nước ứng trước tiền bồi thường
Xét về tính công bằng, hợp lý của yêu cầu đòi bồi thường mà ông Chấn đưa ra, luật sư Trương Anh Tú khẳng định: “Yêu cầu của ông Chấn sẽ nhận được sự ủng hộ của dư luận. Hơn 10 năm tù oan, không chỉ tước đi tự do, công ăn việc làm của một mình ông Chấn mà còn tước đi quyền của người làm cha, mẹ, của người vợ, của những người con ông Chấn về một gia đình trọn vẹn, làm ảnh hưởng đến danh dự của một con người, một gia đình. Ông Chấn ra tù với hai bàn “tay trắng” phải đối diện với tuổi già, bệnh tật… Như vậy, xét tổng thể 10 tỷ đồng cho 10 năm tù oan không phải là đòi hỏi quá đáng”.
Về vấn đề tiền bồi thường lấy ở đâu, luật sư Trương Anh Tú cũng cho biết, Nhà nước ứng ra trả trước cho người oan sai.
Phiên tòa cuối cùng diễn ra ở cấp nào thì người dân gửi đơn đến cấp đó để yêu cầu thực hiện bồi thường. Trong các vụ án oan sai, trách nhiệm thuộc về điều tra viên, kiểm sát viên. Thế nhưng hiện tại cũng có bất cập, đó là theo phân cấp (tỉnh, huyện, TP…) cấp nào sai phạm đến đâu thì cấp đó chịu, nhưng giải quyết cuối cùng lại là tòa án – đây là cơ quan bồi thường.
Thực tế cũng có cơ chế phối hợp khắc phục hậu quả, làm rõ sai ở khâu nào, nhưng như thế để chẻ ra trách nhiệm cụ thể của ai thì rất khó. Truy thu tiền ngân sách mà tòa án đã tạm ứng ra để bồi thường cho người oan sai lại càng khó hơn.