Sau khi clip ghi cảnh Trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), dùng chân đá các vật dụng của người dân trong lúc dẹp lòng lề đường được tung lên mạng xã hội, có nhiều ý kiến phản ứng.
Trong đó, nhiều bình luận cho rằng cán bộ dẹp lòng lề đường là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, hành động đá đồ của vị trưởng công an xã này là không đúng mực.
Phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa
Trao đổi với Zing,vn, luật sư Kiều Anh Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: "Trước hết, chưa nói về mặt pháp lý, chỉ nói về hành vi, cư xử giữa người với người, thì việc hùng hổ, hung hăng, đạp, đá,… đồ đạc của người khác như trong clip thì đó là hành vi rất phản cảm, huống hồ đó là hành vi của cán bộ - công chức, công an nhân dân, là trưởng công an xã".
Luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội. Ảnh: Zing.vn |
Cùng ý kiến với luật sư Vũ, luật sư Trần Thu Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, nói: "Vấn đề về thiệt hại bởi hành vi dùng chân đá của ông công an này không lớn nên không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được. Tuy nhiên, hành vi trên đã vi phạm những lời hứa của người công an, điều lệ ngành".
Cụ thể, điều lệnh nội vụ của Công an Nhân dân quy định rõ khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân.
Trưởng công an xã đá thau cá của người dân. Ảnh: Chụp Video. |
Thậm chí khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an Nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm. Chưa kể, là công an đi làm nhiệm vụ thì còn phải tuân thủ các quy định về trang phục, chỉ được mặc thường phục trong một số trường hợp đặc biệt theo quy định.
Do đó, hành vi của ông Trưởng Công an xã Quảng Điền trong trường hợp này là không phù hợp.
Công an xã có thẩm quyền xử lý lấn chiếm vỉa hè
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội, cho biết: "Trưởng công an cấp xã có quyền xử phạt theo khoản 3 điều 72, Nghị định 46/2016/ NĐ - CP".
Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt từ cảnh cáo đến phạt tiền lên 2,5 triệu đồng, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội. Ảnh: Zing.vn. |
Theo luật sư Quynh, về nguyên tắc mọi hành vi vi phạm, phương tiện hoặc vật vi phạm đều phải được lập biên bản vi phạm hành chính. Nếu không lập biên bản hoặc đạp phá tài sản vượt quá số tiền phạt mà tải sản có mức trên 2 triệu đồng thì Trưởng công an có dấu hiệu của hành vi huỷ hoại tài sản.
Trước đó, ngày 3/10, trên một số trang mạng xã hội đăng tải clip một người được cho là cán bộ xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), trong khi dẹp lòng lề đường đã dùng chân đá các vật dụng của người dân bày bán.
Trong đó, một cán bộ mặc áo trắng, đội nón bảo hiểm liên tục dùng chân đá các thau đựng đồ của người dân.
Tối 3/10, ông Phạm Ngọc Hùng, Chánh văn phòng UBND HĐND huyện Krông Ana (Đắk Lắk), xác nhận cán bộ dùng chân đá bay thau cá của người dân sáng cùng ngày tại xã Quảng Điền là ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng Công an xã Quảng Điền.
Theo ông Võ Vinh, Chủ tịch UBND xã Quảng Điền, sau khi xảy ra sự việc đã yêu cầu ông Thịnh, trưởng công an xã báo cáo. Vị chủ tịch xã cho biết nhóm công an thực hiện việc dọn dẹp lòng lề đường đoạn qua chợ trung tâm xã theo chỉ đạo của UBND xã. Tuy nhiên, việc làm của trưởng công an xã như vậy là không đúng.
Trưa 10/4, trao đổi với phóng viên, ông Lê Tấn Thịnh, Trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Ana (Đắk Lắk), cho biết sau khi xuất hiện clip trên mạng ông đã báo cáo sự việc lên cấp trên.“Tôi biết mình có hành động hơi quá và mong người dân bỏ qua”, ông Thịnh nói với phóng viên.