Trong thời gian qua, dư luận rất quan tâm đến một vụ cướp do 2 thanh niên chưa đủ 18 tuổi thực hiện tại quận Thủ Đức, TP HCM. Theo nội dung vụ án, khoảng 22h ngày 17/10/2015, Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng 17 tuổi tại thời điểm gây án) gặp nhau tại một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). Cả 2 chơi đến 10h ngày 18/10/2015 thì đi xin việc. Trên đường đi thì 2 người nảy sinh ý định cướp đồ ăn vì quá đói.
Đến trước một tiệm tạp hóa trên địa bàn Thủ Đức, Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp bán 2 bao chuối sấy, ổ bánh mì ngọt, bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường. Tài sản này sau đó được cơ quan chức năng định giá 45.000 đồng.
Hai thanh niên cướp bánh mì tại tòa sáng 20/7. Ảnh: Hồ Đông |
Khi chủ tiệm mang các món đồ nói trên ra ngoài thì Tuấn giật lấy, Tân tăng ga bỏ chạy. Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả 2 rồi báo cho công an phường. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội.
Bản cáo trạng truy tố 2 thanh niên nói trên thuộc khoản 1, Điều 136 BLHS (trước đó, nằm khoản 2 nhưng được hạ khung truy tố) với mức án 1-5 năm tù. Nhiều người có rằng việc chỉ cướp một ít đồ ăn với giá 45.000 đồng nhưng có thể bị phạt tù đến 5 năm là quá cao.
Ông Đỗ Hải Bình (Đoàn luật sư TP HCM), người bào chữa cho bị cáo Tuấn cho biết, quy định luật hình sự, tội danh này cấu thành từ hình thức, hành vi, chính vì thế giá trị tài sản cướp được không là yếu tố quyết định.
Hành vi nhanh chóng cướp giật tài sản của người khác, bất kể được hay không cũng phạm tội. Giá trị tài sản chỉ là yếu tố định khung và lượng hình. Trong vụ án này phải xét nhiều yếu tố bao gồm cả mục đích phạm tội, hậu quả cho xã hội để tính toán mức án cho các bị cáo.
"Theo tôi, các bị can là trẻ em vì chưa đủ 18 tuổi ở thời điểm gây án, mục đích giật để phục vụ nhu cầu tối thiểu. Tôi cho rằng nên xem xét mức án nhẹ cũng đủ sức răn đe các bị can, cho họ sớm về với gia đình”, ông Bình nói.
Ông Trương Minh Hiếu (Văn phòng luật sư Huỳnh Minh Luật, đoàn luật sư TP HCM) đồng tình với ý kiến của luật sư Đỗ Hải Bình. Ông cho rằng 2 bị can có hành vi giật, tức là giật mạnh tài sản của người khác về mình một cách nhanh chóng, tạo ra yếu tố bất ngờ đối với người có trách nhiệm về tài sản (người đang quản lý tài sản). Từ đó làm cho người này không còn có khả năng giữ được tài sản đang quản lý.
Cả 2 thực hiện hành vi phạm tội công khai, không có ý che giấu. Dùng nhiều thủ đoạn khác nhau như người giữ tài sản hoặc quản lý tài sản đang sơ hở, xô đẩy trong trường hợp này chạy trốn là dấu hiệu bắt buộc. Trường hợp Tân và Tuấn chạy trốn không phải dấu hiệu bắt buộc. Bởi lẽ, cả hai phạm tội không chạy trốn được vì bị đám người đông vây quanh, bắt giữ.
Đây là tội phạm cấu thành vật chất, nghiêm trọng, nên không quy định giá trị tài sản bị chiếm đoạt hay có hành vi chiếm đoạt nhưng không thành. Nếu có giá trị lớn thì thuộc quy định tại khoản 2, 3 hoặc 4 của Điều 136. "Bị can Tân và Tuấn cướp đồ ăn giá trị chỉ 45.000 đồng nên bị truy tố ở khoản 1. Bởi lẽ không có tình tiết tăng nặng như gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc thiệt hại khác”, ông phân tích.
Riêng Tuấn, bị can này thời điểm phạm tội đang có lệnh truy nã về tội Trộm cắp tài sản của Công an Củ Chi. Sau khi thụ lý hồ sơ vụ án, TAND quận Thủ Đức đưa 2 thanh niên nói trên ra xét xử vào ngày 20/7 tại trụ sở TAND quận này.
Điều 136 Bộ luật Hình sự về Tội cướp giật tài sản:
1. Người nào cướp giật tài sản của người khác, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Dùng thủ đoạn nguy hiểm; đ) Hành hung để tẩu thoát; e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%; g) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; h) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người; b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng.