Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Luật sư: Vụ tử vong tại công an phường còn nhiều điều khuất tất

Theo các luật sư, khi mời công dân lên làm việc, cơ quan công an phải gửi thư mời nêu rõ nội dung, lý do, ngày giờ. Giấy mời không tạo ra nghĩa vụ buộc công dân phải đến.

Liên quan đến cái chết của ông Ngô Chí Tâm (40 tuổi) tại Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM, sau một đêm được cán bộ mời lên làm việc, các luật sư cho rằng vụ việc còn nhiều điều khuất tất.

Thẩm quyền của công an phường tới đâu? 

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM, đánh giá đây là vụ án phức tạp, còn nhiều điểm chưa rõ ràng.

Theo lời của bà Từ Thị Nhường (39 tuổi), chồng bà được một cán bộ tên Nam đến nhà gọi lên công an phường làm việc khoảng 20h ngày 13/6. Sáng hôm sau, gia đình nhận được tin ông này đã tử vong.

Luật sư Chánh cho rằng, công an phường không có thẩm quyền mời công dân lên làm việc về các vấn đề hình sự, cũng như không có quyền tạm giữ công dân. Tuy nhiên, khi phát hiện quả tang các vi phạm hành chính, công an phường có quyền xử lý ngay tại chỗ và làm việc với người vi phạm trong vòng 24h.

Trong trường hợp không phát hiện hành vi quả tang thì công an phường không có quyền mời công dân làm việc ngoài giờ hành chính. 

Theo luật sư Chánh, hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định người dân khi nhận được giấy mời của công an là bắt buộc phải đến theo yêu cầu. Giấy mời không tạo ra nghĩa vụ buộc công dân phải đến (có thể đến, có thể không).

Đồng quan điểm với luật sư Chánh, luật sư Bùi Khắc Toản, Đoàn Luật sư TP.HCM, nhấn mạnh khi mời công dân lên phường làm việc trong các trường hợp không phát hiện vi phạm quả tang là phải có thư mời. Trong thư phải ghi rõ nội dung làm việc và phải căn cứ vào đơn trình báo tố giác tội phạm (nếu có).

Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích công an phường chỉ có quyền xử lý những người có hành vi gây rối trật tự công cộng, gây mất an ninh khu vực, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh, khi có đơn tố cáo và người tố giác thì phải xử lý ngay. Các trường hợp khác phải làm việc trong giờ hành chính và phải có giấy mời.

“Trừ trường hợp bắt khẩn cấp, phạm tội quả tang hoặc bắt người đang bị truy nã, cơ quan công an không được bắt người vào ban đêm”, luật sư Nữ dẫn khoản 3, điều 80 của Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2013.

Cũng theo khoản 1 điều 80 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2013, sau khi bắt hoặc nhận người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp hoặc phạm tội quả tang, cơ quan điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 24h phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

Vu tu tu bang day thun anh 1
Theo luật sư Nữ, cái chết của ông Tâm còn nhiều điều khuất tất. Ảnh: VNCC.

Nữ luật sư cho rằng, cần tìm hiểu xem ai làm chứng việc Công an phường Tam Bình mời ông Tâm lên làm việc vào lúc 20h ngày 13/6 để làm rõ trách nhiệm của cơ quan này về cái chết của nạn nhân.

Nếu ông Tâm bị mời lên phường làm việc mà không đảm bảo điều trên thì có dấu hiệu Công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, đã làm sai quy trình.

Không nhận xác khi còn nghi vấn

Theo luật sư Chánh, nếu nghi ngờ có điều bất thường trong cái chết của ông Tâm, thì gia đình nên làm đơn trình báo với cơ quan công an cấp quận và yêu cầu giám nghiệm pháp y để xác định nguyên nhân và thời điểm tử vong.

“Cần xác định tại thời điểm ông Tâm tử vong có người trực ở cơ quan hay không, cơ quan có báo ngay cho gia đình ông hay không, từ đó mới làm rõ được trách nhiệm của Công an phường Tam Bình đến đâu trong vụ việc này”,  ông Chánh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, luật sư Toản cho biết khi phát hiện có người chết, trách nhiệm của cơ quan công an cấp phường là thông báo cho gia đình nạn nhân và lập biên bản ghi nhận hiện trường, trình báo cơ quan công an cấp quận.

Công an quận và công an thành phố sẽ tổ chức điều tra, khám nghiệm tử thi. Nếu nguyên nhân cái chết không phải do người đó bị bệnh, hoặc tự tử vì nguyên nhân khác thì sẽ khởi tố vụ án.

Luật sư Toản nhận định trong những vụ án phức tạp và nghiêm trọng như thế này, công an cấp quận thường phải phối hợp điều tra với công an cấp thành phố.

“Nếu nghi ngờ cái chết của người thân không rõ ràng thì gia đình nên từ chối nhận xác và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giám định pháp y”, luật sư Toản khuyến cáo.

Liên quan đến vụ việc, luật sư Nữ cho rằng cơ quan điều tra phải thông tin rõ về việc lý do mời ông Tâm lên công an phường làm việc? Nội dung, ngày, giờ, cán bộ tiếp công dân tại buổi làm việc? Vì sao làm việc xong, cán bộ công an phường không yêu cầu ông Tâm ra về mà ở lại trụ sở để tử vong?

Vụ tự tử bằng dây thun quần: 'Con tôi chết quá bất thường'

"Công an phường chỉ cách nhà có mấy trăm mét, tại sao khi phát hiện con tôi thắt cổ không thông báo để gia đình đến chứng kiến”, người cha 60 tuổi thắc mắc.


Khánh Trung - Chi Mai

Bạn có thể quan tâm