Những bộ phim của Luc Besson được xuất khẩu khắp thế giới. Bom tấn tham vọng và tốn kém Valerian and the City of a Thousand Planets vừa ra mắt có thể thất bại giống như một số dự án đình đám trước đây của Besson, nhưng có lẽ điều đó sẽ không ngăn cản được ông hoặc khiến ông nản chí. Nói một cách chính xác, thất bại chính là động lực để ông vua phòng vé của điện ảnh Pháp tiến về phía trước.
Ít ai biết rằng Besson đã trải qua những năm tuổi thơ phiêu lưu khắp thế giới cùng bố mẹ - hai hướng dẫn viên lặn biển. Những năm đầu đời của Besson chính xác là thế giới đại dương, điều này được tái hiện một cách tuyệt vời và đầy xúc cảm trong phim Le Grand Bleu (The Big Blue), một trong những tác phẩm thời đầu khẳng định tên tuổi của ông khi nó được chọn chiếu mở màn cho LHP Cannes năm 1988. Lúc đó ông mới 28 tuổi.
Hồi nhỏ, Besson đã muốn trở thành một nhà sinh vật học đại dương nghiên cứu về cá heo. Nhưng một tai nạn năm 17 tuổi khiến ông không còn khả năng lặn biển nữa. Luc bắt buộc phải quay về lại quê hương Paris. Và ở tuổi 18, Besson mới biết thế nào là đời sống đô thị, những chương trình phát trên truyền hình hay những bộ phim chiếu rạp.
Ông nhận ra rằng những bộ phim chính là phương tiện ông có thể kết hợp những niềm đam mê, sở thích nghệ thuật với nhau. Và Besson bắt đầu bước chân vào thế giới của 24 hình/ giây. Đam mê những bộ phim giải trí đỉnh cao của Hollywood, khả năng viết lách dồi dào, ông sang Mỹ để học làm phim trong 3 năm.
Luc Besson là nhà làm phim thương mại số một của nước Pháp. |
Một thập niên tỏa sáng
Nhưng sau đó ông quyết trở về Pháp và thành lập hãng phim Les Films de Loups (sau đổi thành Les Films de Dauphins). Không gì có thể ngăn cản nhà làm phim trẻ tuổi đầy tham vọng chinh phục điện ảnh. Ở thời điểm đó, ông đã tự tay viết hơn 20 kịch bản phim để trong ngăn kéo.
Sau khi làm trợ lý đạo diễn cho một vài tên tuổi lớn, Besson bắt đầu tự làm phim ngắn để thử tay nghề và hai phim dài, trong đó có Subway (1985) với diễn xuất của cô đào nổi tiếng Isabelle Adjani, được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại giải Bafta của Anh.
Besson bắt đầu chinh phục giới mộ điệu điện ảnh bằng Le Grand Bleu, một bộ phim tuyệt đẹp về tình bạn - đối thủ giữa hai vận động viên lặn biển chọn đại dương làm niềm đam mê và lẽ sống. Kịch bản của Le Grand Bleu được Besson viết lúc ông còn là một cậu bé tuổi teen theo bố mẹ đi khắp các đại dương và chơi đùa với cá heo.
Đây cũng là dự án mà ông muốn tri ân những năm tháng tuổi thơ của mình. Le Grand Bleu là một trong những bộ phim yêu thích nhất của điện ảnh Pháp những năm 90. Sau khi được chọn mở màn tại LHP Cannes, bộ phim giành thêm 9 đề cử tại giải Cesar và thu hút gần 10 triệu lượt khán giả Pháp đến rạp chiếu.
Ở tuổi 28, Luc Besson là cái tên biên kịch, đạo diễn được đánh giá cao nhất của điện ảnh Pháp thời đó. Nhưng tất nhiên, tham vọng của Besson là không chỉ chinh phục khán giả Pháp mà còn là thế giới.
Và bộ ba bộ phim mang phong cách Hollywood trong thập niên 90 là Nikita (1990), Léon: The Professional (1994) và The Fifth Element (1997) đã đưa tên tuổi của Luc Besson lên một tầm cao mới, một nhà sản xuất hái ra tiền và khiến giới điện ảnh Pháp sửng sốt, cho dù giới phê bình không mấy ưa thích các bộ phim của ông.
Nikita kể về một cô gái nghiện ngập, tham gia vào một vụ trộm cướp rồi lỡ tay bắn chết một viên cảnh sát. Sau khi bị tống vào tù đợi ngày tử hình, Nikita chỉ còn hai lựa chọn, một là chết, hai là trở thành một nữ sát thủ của một tổ chức ngầm nguy hiểm.
Léon: The Professional khẳng định tài năng của Luc Besson và giới thiệu tới khán giả Natalie Portman, nữ diễn viên sau này đoạt giải Oscar. |
Bộ phim hấp dẫn mang phong cách Hollywood không chỉ thành công thương mại mà còn được khán giả Mỹ yêu thích, được đề cử Quả cầu vàng cho phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất. Hollywood mua bản quyền làm lại tác phẩm này với tên gọi Point of No Return (1993).
Thành công này khiến “adrenaline” của Besson tăng cao và là cảm hứng để anh viết kịch bản, đạo diễn và sản xuất bộ phim Léon: The Professional (1994). Đến nay vẫn là bộ phim xuất sắc nhất trong sự nghiệp của ông.
Léon cũng là bộ phim nói tiếng Anh hoàn toàn đầu tiên của Besson (dù các bộ phim trước đó ông đã mời một số diễn viên Hollywood và nói tiếng Anh xen kẽ), được quay hầu hết tại New York, Mỹ.
Léon tiếp tục đề tài sát thủ, kể về mối quan hệ kỳ lạ nhưng đầy xúc cảm giữa Léon (Jean Reno), một tay sát thủ máu lạnh và cô bé ngây thơ Mathilda (Natalie Portman).
Léon là một phiên bản của Lolita trong thế giới sát thủ với diễn xuất đầy ăn ý giữa một ngôi sao kỳ cựu và một gương mặt mới, cộng với vai phản diện xuất sắc của Gary Oldman, những đoạn thoại “gim vào óc” người xem và cách xây dựng tình huống hấp.
Sau đó, The Fifth Element (1997) trở thành bộ phim thương mại thành công nhất toàn cầu của Besson (nếu tính trượt giá). Lúc cũng phát hiện thêm một nàng thơ mới là cô người mẫu gốc Ukraine Milla Jovovich, ngôi sao của dòng phim hành động sau này.
Luôn yêu các “nàng thơ”
Sự nghiệp thăng hoa, trở thành nhà làm phim quyền lực số một nước Pháp, đời sống tình ái của Besson trở thành đề tài hấp dẫn hàng đầu của giới báo chí lá cải Pháp, đặc biệt là câu chuyện ông luôn yêu và lấy nàng thơ mà mình phát hiện làm vợ.
Trong 4 đời vợ đến nay, 3 cô vợ đầu của Besson đều là những diễn viên trong các bộ phim của ông. Cô vợ đầu tiên là Anne Parillaud, người đóng vai Nikita. Cuộc hôn nhân này kéo dài 5 năm và Besson có một cô con gái cho đến khi ông phát hiện ra Maïwenn Le Besco, nữ diễn viên mang một nửa dòng máu Việt, lúc đó mới 15 tuổi, chưa bằng nửa số tuổi của ông (32 tuổi).
Besson cưới Maiwenn lúc cô vừa tròn 17 tuổi khi cô gái trẻ này mang bầu. Cuộc tình nồng nhiệt và có phần cuồng dại với Maiwenn (sau này cô trở thành một đạo diễn thành danh và đoạt vài giải tại LHP Cannes) là cảm hứng để Besson xây dựng câu chuyện giữa tay sát thủ lớn tuổi Léon và cô bé Mathilda.
Maiwenn đóng vai phụ trong hai bộ phim của Besson, nhưng cuộc hôn nhân của họ kết thúc vào năm 1997, khi ông làm bộ phim The Fifth Element và phát hiện ra nàng thơ mới Milla Jovovich.
Milla Jovovich, "nàng thơ" được Luc Besson phát hiện và sau này trở thành vợ ông. |
Besson li dị Maiwenn để cưới cô đào Ukraine lúc anh 38 tuổi còn Jovovich chỉ mới 22. Nhưng cuộc hôn nhân này cũng chỉ kéo dài hai năm và kết thúc vào năm 1999 khi bộ phim đầy tham vọng của ông do Jovovich đóng gặp thất bại về thương mại: Joan of Arc.
Đây là thất bại thương mại đầu tiên của Besson từ khi khởi nghiệp và chấm dứt cuộc hôn nhân thứ 3 với các cô đào, các nàng thơ trẻ tuổi trong những bộ phim của mình.
Phải 5 năm sau, Besson mới kết hôn lần thứ 4 với nhà sản xuất Virginie Silla, người hỗ trợ cho các dự án quốc tế sau này của ông. Cuộc hôn nhân vẫn kéo dài đến hiện nay và Besson có thêm 3 đứa con nữa.
Không quan tâm đến giới phê bình
Được mệnh danh là “nhà làm phim Pháp mang phong cách Hollywood” và được giới phê bình quốc tế đánh giá khá cao, nhưng Besson thường bị các chuyên gia quê nhà chỉ trích. Khác với những bộ phim nghệ thuật mang phong cách tác giả (auteur) của các nhà làm phim Pháp, Besson hướng tới những đề tài giải trí mang tính toàn cầu.
Thế giới của Besson là thế giới tội phạm, sát thủ, ma túy, những nhân vật đơn độc bị đẩy vào chân tường và bắt đầu bộc lộ phẩm chất anh hùng/ sát thủ, những quy tắc ngầm của giới xã hội đen.
Có thể thấy ông ảnh chịu hưởng từ các bộ phim xã hội đen của Hongkong, Yakuza của Nhật hay gangster của Mỹ. Nhưng rõ ràng ông vẫn đưa vào đó một phong cách cá nhân của mình và biến chúng trở thành món ăn hấp dẫn toàn cầu mang phong vị Pháp.
Trước những “trận đòn hội chợ” của giới phê bình Pháp, Besson luôn trả lời là ông không quan tâm đến báo chí và giới phê bình. Ông nói: “Tôi không tin vào sự chân thành của giới phê bình, tôi chỉ tin vào sự chân thành của những ai bỏ tiền vào rạp xem phim và sau đó chia sẻ cảm xúc của họ”.
Besson cũng “dạy dỗ” giới phê bình Pháp: “Giới phê bình nên nhìn về tương lai, thay vì như ở Pháp, họ luôn nói chuyện quá khứ, những hào quang cũ. Tôi không quan tâm tới họ vì tôi hướng tới tương lai của điện ảnh Pháp.”
Những màn đáp trả đanh thép của Besson với giới phê bình Pháp khiến cây bút phê bình Marc Esposito mỉa mai rằng: “Besson luôn nghĩ anh ta là một người tốt, vì đại cuộc, còn những kẻ phê bình anh ta đều là bọn quỷ dữ. Chúng tôi cảm thấy ‘phạm tội’ khi không yêu quý Luc Besson”.
Cho dù những bộ phim của Luc Besson luôn nhận điểm thấp từ giới phê bình Pháp, nó lại được đánh giá cao ở quốc tế. Ví dụ như Nikita chỉ được 56/100 điểm của Metacritic, nhưng tại Mỹ nó được trang Rotten Tomatoes tập hợp những bài phê bình của giới truyền thông Mỹ chấm điểm 88%.
Một số nhà phê bình tên tuổi của Mỹ là Roger Ebert và Gene Siskel cũng dành nhiều nhận định tích cực cho bộ phim. Điều tương tự cũng lặp lại với Leon và The Fifth Element.
Loạt phim hành động Taken của Luc Besson biến nam diễn viên kỳ cựu Liam Neeson trở thành một ngôi sao hành động. |
Nhưng dù vậy, giới hàn lâm Pháp cũng không đến mức phủ nhận sạch trơn những đóng góp và giá trị của Luc Besson với điện ảnh Pháp. Ông được trao giải Cesar Đạo diễn xuất sắc và Đạo diễn Pháp xuất sắc với The Fifth Element, được đề cử giải Đạo diễn và phim xuất sắc với Léon và The Messenger: The Story of Joan of Arc. Năm 2000, ở tuổi 41, Luc Besson được mời làm Chủ tịch BGK của LHP Cannes danh tiếng.
“Con buôn phim” quốc tế
Thành công thương mại và được Hollywood trọng vọng nhưng Luc Besson lại từ chối đến Hollywood. Bởi ông không muốn “chảy máu ngoại tệ” và mục đích là mang tiền về cho điện ảnh Pháp.
Sau 4 bộ phim thành công liên tiếp, sự nghiệp đạo diễn của Besson bắt đầu chững lại vì lặp lại phong cách. Sau thất bại thương mại của bom tấn Joan of Arc, ông bắt đầu hướng sự nghiệp của mình sang sản xuất phim.
Đầu những năm 2000, Luc viết kịch bản và sản xuất một loạt các bộ phim hành động thành công lớn về thương mại nhưng do người khác đạo diễn như Taxi (1998-2007), The Transporter (2002-2008); bộ đôi phim hành động của Lý Liên Kiệt là Kiss of the Dragon và Unleashed/Danny the Dog. Chùm ba phim Taken (2008-2012) cũng thành công lớn và đưa tên tuổi của ngôi sao cựu trào Liam Neeson tỏa sáng một lần nữa ở tuổi ngoài 60.
Không chỉ thế, Besson còn biến những “cỗ máy” này thành những con gà đẻ trứng vàng khi lần lượt bán bản quyền Taxi, Transporter, Taken thành những series truyền hình đình đám để “ăn nước hai”.
Còn với sự nghiệp đạo diễn, trong suốt hơn một thập niên qua, ngoại trừ Lucy (2014) thành công lớn và trở thành một “hit” quốc tế như Leon hay The Fifth Element như trước đây, các bộ phim còn lại của Luc Besson luôn bị đánh giá thấp và thất bại.
Có thể kể đến từ bộ ba phim hoạt hình và người đóng Arthur, phim hài gangster The Family (với hai ngôi sao Hollywood Robert DeNiro & Michelle Pfeiffer) và phim chân dung The Lady (2011) về cuộc đời của nữ chính trị gia Myanmar Aung San Suu Kyi (Dương Tử Quỳnh đóng).
Siêu phẩm Valerian and the City of a Thousand Planets vừa ra mắt, có kinh phí sản xuất hơn 200 triệu USD, đắt đỏ nhất trong lịch sử phim châu Âu, cũng có nguy cơ thất bại về doanh thu.
Không sợ thất bại
Thành công hay thất bại, không thể phủ nhận Luc Besson là một nhà làm phim với sức sáng tạo phi thường. Bắt đầu viết văn từ tuổi 16, bắt đầu cầm máy quay ở tuổi 17, năm 20 tuổi đã viết được 30 kịch bản phim, đến nay ở tuổi cập kề 60, ông vẫn chưa có ý định dừng lại.
Luc Besson huy động được tới hơn 200 triệu USD để sản xuất Valerian and the City of the Thousand Planets. |
Besson cũng là một kẻ mâu thuẫn với chính mình trong lập ngôn. Ông nói không thích lặp lại chính mình. “Các bạn không thể tưởng tượng nổi là đi đến đâu người ta cũng hỏi tôi bao giờ sẽ làm Léon phần tiếp theo. Đi bất cứ đâu người ta cũng hỏi tôi vậy”, ông kể.
“Nếu tôi làm điện ảnh vì tiền, tôi đã làm xong nó từ lâu rồi. Nhưng tôi không muốn lặp lại chính mình. Khi làm phim đen trắng Angel-A (2005) hay The Lady (2011) kiểu phim chân dung nặng nề ít người xem, tôi cảm giác được kích thích sáng tạo và tôi muốn vậy”, ông nhấn mạnh.
“Nếu làm Léon 3, 4, 5 hay The Fifth Element 6, 7, 8... tôi chỉ lặp lại chính mình mà thôi. Với tôi, người nghệ sĩ phải đến rạp chiếu phim, nhà hát, đọc sách, xem bảo tàng, vẽ tranh, trải nghiệm cuộc sống thực, gặp bạn bè, quan sát con người, nuôi dưỡng sáng tạo cho bản thân và làm những thể loại phim khác nhau”.
Có thể với vai trò của một đạo diễn thì Luc Besson không muốn lặp lại chính mình và thích những thử thách mới. Nhưng với tư cách là một nhà sản xuất, gã “con buôn phim” quốc tế thì đừng tin những gì ông nói. Khán giả tiếp tục thấy ông “mài” các phần tiếp theo của loạt phim hành động popcorn hay biến những thương hiệu này thành series truyền hình để “ăn tiền” một lần nữa.
Có lẽ nhờ thế mà Besson chưa bao giờ sợ thất bại. “Thất bại là động lực của tôi”, ông từng trả lời thế. Và chắc chắn rằng Valerian and the City of a Thousand Planets không làm nhụt ý chí của tay làm phim quái kiệt đến từ nước Pháp này, cho dù đó có thể là một thất bại đau đớn về doanh thu.
Hiện có khoảng gần chục dự án mà Luc đang bắt tay cho công việc biên kịch và sản xuất, trong đó có Lucy 2, loạt phim truyền hình Taken 2, Colombiana 2 và các dự án độc lập khác. Người ta không biết nên gọi Luc Besson là một “cỗ máy” kiếm tiền, một kẻ sáng tạo không ngưng nghỉ muốn “kiến tạo” lại điện ảnh thương mại Pháp hay một gã “con buôn” phim toàn cầu.