Ông Lê Trung Hiệp, Hiệu trưởng trường THPT Thường Tín (Hà Nội), cho rằng học kỳ II có 18 tuần, trước và sau Tết học sinh đã học 2 tuần, còn 16 tuần học. Như vậy, trong điều kiện thuận lợi, học sinh quay lại trường học trong tháng 4 vẫn đảm bảo học hết chương trình để ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Ông Hiệp cũng cho rằng phụ huynh không nên quá lo lắng vì hiện nay học sinh nghỉ nhưng sở GD&ĐT đã dạy học cho lớp 12 trên truyền hình về các môn thi. Nhà trường cũng giao giáo viên có chuyên môn tốt biên soạn đề cương, giao bài tập để học sinh rèn luyện kiến thức theo chủ đề. Do đó, Bộ GD&ĐT điều chỉnh kỳ thi sang giữa tháng 8 là phù hợp, học sinh không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nhiều ý kiến cho rằng không nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia. Ảnh: Tiền Phong. |
Ông Lê Văn Dị, Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương, cho rằng đa số địa phương cho học sinh nghỉ 2 tháng, một số địa phương vẫn cho học sinh THPT đi học từ 2/3. Như vậy, bộ điều chỉnh thời gian thi trong như hiện nay có lợi cho học sinh. Tính ổn định về chất lượng kỳ thi năm nay sẽ không bị ảnh hưởng vì đến thời điểm này các em nghỉ bao nhiêu được bù bấy nhiêu.
Ông Dị cũng cho rằng kể cả dịch bệnh kéo dài, Bộ GD&ĐT có thể tiếp tục điều chỉnh khung chương trình năm học, lùi thời gian thi, thời gian tuyển sinh, khai giảng năm học tới, không nên bỏ thi THPT quốc gia, bởi vì tâm lý học sinh đã học là muốn thi để khẳng định mình.
“Cũng chỉ có thi mới đánh giá được chất lượng thực chất. Hơn nữa, tổ chức một hội đồng thi mỗi tỉnh cũng sẽ thuận lợi hơn các trường ĐH xét tuyển”, ông Dị nói.
Bình luận về việc điều chỉnh thi THPT quốc gia lần 2 năm nay, bà Hoàng Thị Lý, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Khánh Hoà, cho rằng đây là điều chỉnh hợp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh, học sinh nghỉ học ở nhà cũng tự ôn tập dưới sự hướng dẫn của giáo viên nên không lo mai một kiến thức. Khi đi học trở lại, thầy cô sẽ tập trung dạy kiến thức học kỳ II và ôn thi.
Có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên nghĩ đến việc xóa bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Bởi kỳ thi 2 mục đích là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thì trong đó, học sinh tốt nghiệp gần 100%, còn các trường ĐH có thể có phương án tuyển sinh riêng.
Trên các diễn đàn, nhiều học sinh THPT bày tỏ quan điểm, sẽ tiếp tục thi. Có học sinh nói: “Đã bỏ công sức ôn luyện từ lớp 11 đến nay, không thi sẽ bất công cho thí sinh”; hay “Nhiều học sinh đã bỏ bê học các môn phụ để cày thi các môn cho tuyển sinh ĐH sẽ là không ổn”. Thậm chí, có học sinh cho rằng: “Điểm học bạ không đánh giá đúng thực chất, do đó nếu xét tuyển dựa trên học bạ sẽ không chính xác”…
Thầy Lê Văn Dị cũng cho rằng các địa phương đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức thi THPT quốc gia, nên năm nay kể cả thời gian rút ngắn hơn cũng không ảnh hưởng. Vì thế, việc tiếp tục tổ chức thi năm nay là cần thiết. Chỉ có các trường ĐH top dưới mới thích xét tuyển để hút sinh viên đủ chỉ tiêu, còn các trường ĐH có đầu vào cao cũng chỉ muốn thi tuyển để tuyển sinh viên có chất lượng. Do đó, không nên nêu việc bỏ thi làm tâm lý học sinh hoang mang, những em lười học sẽ càng lười.
Một giáo viên dạy Vật lý online nhận định việc dừng kỳ thi THPT quốc gia năm nay là bất khả thi. Chắc chắn, Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra các phương án phù hợp về đề thi lẫn ngày thi. Do đó, một điều bất biến là học sinh không được xao động, phải học chăm chỉ, chuẩn bị kiến thức thật chắc chắn để ứng phó với mọi thay đổi của kỳ thi năm nay.
Giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học
Đây là một trong những nội dung của Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây về phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công, giao dịch điện tử. Bộ GD&ĐT chỉ đạo việc học trực tuyến, giảm nhẹ chương trình, rút ngắn thời gian học nhưng phải bảo đảm chất lượng học tập, xử lý phù hợp kiến nghị của các trường quốc tế theo quy định.