Trên hành trình chinh phục Decima mùa 2013/2014, Modric cùng Di Maria là những quân bài đặc biệt của Ancelotti. Modric cống hiến thầm lặng và được đáng giá không kém các đồng đội gấp đôi, ba lần về giá chuyển nhượng.
Cách Ancelotti sử dụng Modric giống khi ông biến Andrea Pirlo thành đạo diễn hàng đầu trên sân cỏ thế giới. Chính sự vắng mặt của Modric trong phần sau của mùa giải 2014/2015 là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cuộc khủng hoảng toàn diện của Real Madrid, khiến HLV Carlo Ancelotti mất ghế.
Tính nhất quán của Modric
Theo cây viết Lee Roden của Four Four Two, tính ổn định phong độ của Modric trong mỗi lần ra sân đáng quý hơn nhiều so với một số ngôi sao có thể tỏa sáng rực rỡ nhưng ngay lập tức đá kém trong một ngày xấu trời.
Modric là bậc thầy về kiểm soát bóng và chuyền bóng chuẩn xác, anh có sự cơ động và có rất ít điểm yếu về kỹ thuật. Modric đồng thời còn là một chuyên gia trong việc triển khai thế trận. Cầu thủ người Croatia biết cách điều tiết bóng hợp lý để tạo thế tấn công hoặc giữ nhịp độ chậm.
Modric là xương sống của Real Madrid. Ảnh: Reuters. |
Trong 1.620 đường chuyền được thực hiện ở La Liga mùa này, Modric thành công đến 91% (tổng thể) và 90% bên phần sân đối phương. Trong đó có 30% đường chuyền lên, 31% chuyền sang trái, 25% chuyền sang phải và chỉ có 14% là chuyền về.
Tư duy chơi bóng sâu sắc
Đối với Modric, người ta thường trầm trồ khi anh cầm bóng nhưng chính thời gian Modric không có bóng trong chân mới là lúc anh tư duy nhiều nhất.
Đôi khi chiến thuật không cần phải quá phức tạp, giống như HLV Del Bosque từng làm với Real cách đây cả thập kỷ. Trên băng ghế huấn luyện, ông rung đùi cười nói với BHL, mặc cầu thủ trình diễn. Với một dàn siêu sao sáng giá, Real đá kiểu gì chẳng được.
Ông để các ngôi sao được chơi theo ý của họ ở những thời điểm cụ thể mà vẫn đoạt thành công vang dội cũng như tạo ra lối chơi có bản sắc. Những người thông minh luôn biết cách điều chỉnh trên sân, chỉ cần không bị buộc phải chơi một cách thụ động, thì họ là những người cực khó ngăn chặn.
Luka Modric cũng vậy, anh chơi linh hoạt và thích ứng được ở nhiều không gian. Hoặc để tiền vệ này lùi lại một chút so với Isco, hoặc giảm tải cho Modric, anh có thể tìm thấy mọi khe hở nhỏ nhất trong bất kỳ hàng phòng ngự nào.
Dấu cộng là số pha đánh chặn thành công của Modric trong hai trận Real Betis và Bilbao. Ảnh: Four Four Two. |
Modric không bao giờ trốn chạy công việc kém hấp dẫn của bóng đá là thu hồi bóng. Sự cần cù của anh vô cùng hữu ích trong một đội bóng luôn có thường trực khoảng 3 cầu thủ tấn công rất lười phòng ngự.
Zidane có lẽ phải cảm ơn Mourinho. Chính ông đã đặt nhiệm vụ phòng ngự lên vai Modric, biến anh thành cầu thủ toàn năng như bây giờ. Thời còn ở Tottenham, do hạn chế thể chất và nhạy cảm với chấn thương, HLV Harry Redknapp cho Modric chơi khá tự do.
Zidane cần Modric nhất
Ý định ban đầu của HLV Zidane khi tiếp quản Real Madrid là xây dựng lối chơi áp sát nhanh. Để thực hiện nhuần nhuyễn triết lý mới, Zidane cần bộ ba tiền đạo tranh chấp bóng tích cực.
Tuy nhiên, do phần lớn cầu thủ Real đều không giỏi tranh chấp bóng nên hàng phòng ngự của họ khó được đảm bảo an toàn. Quan trọng hơn, sức tấn công của Real bị suy giảm rất nhiều vì đội hình bó quá chặt sẽ gặp khó khăn khi bung ra.
Zidane và Modric. Ảnh: Getty. |
Trong trận hòa Betis 1-1, Real bị đối thủ đoán biết lối chơi và bắt bài. Cự ly đội hình quá gần nhau khiến Real bị bắt chặt. Các cầu thủ tấn công tốn quá nhiều sức do lùi về tranh chấp bóng khiến thế trận tấn công của Real rất "tối nước".
HLV Zidane đã nhận ra lối chơi đó không phù hợp với Real. Ông bắt đầu cởi trói hoàn toàn bộ ba tấn công Ronaldo, Benzema và James khỏi nhiệm vụ phòng ngự. Real chấp nhận thả lỏng tuyến giữa, chấp nhận phòng ngự với số ít để dồn sức cho mặt trận tấn công.
Giải phóng năng lượng cho hàng công giúp Real thanh thoát phóng khoáng hơn nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ bị tập kích. Người thợ Zidane sẽ phải dùng bộ công cụ Modric để sửa chữa lối chơi này nhằm hạn chế rủi ro. Thế nên, tiền vệ người Croatia mới chính là mắt xích quan trọng bậc nhất dưới triều đại Zidane.