Toàn thị xã Kỳ Anh có 12 trường mầm non công lập, với 181 nhóm, lớp. Theo quy định UBND tỉnh (2 giáo viên/lớp), số đủ là 362 giáo viên. Tổng số giáo viên hiện có là 269, nghĩa là còn thiếu 93 giáo viên. Theo đúng quy định và đảm bảo chất lượng giáo dục, các trường mầm non đã hợp đồng giáo viên là 70 người.
Thu phí từ học sinh để trả lương cho giáo viên
Tránh tình trạng thiếu hụt giáo viên, các trường đã phải tự xoáy xở nhằm bảo đảm công tác dạy và học. Họ buộc phải ký hợp đồng ngắn hạn với giáo viên bên ngoài. Thế nhưng, một câu hỏi đặt ra là trường lấy ngân sách từ đâu để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng?
Trong khi đó, lương ngân sách từ tỉnh rót về chỉ áp dụng cho giáo viên chính thức (biên chế và HĐ 2059) còn giáo viên hợp đồng ngắn hạn thì trường phải tự thu, tự chi.
Để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, các trường mầm non mới “đẻ” ra một loại phí. Đó là phí “trả lương” giáo viên hợp đồng. Bắt đầu vào mỗi năm học mới, nhà trường vận động phụ huynh đóng góp phí này vào ngân sách của trường để trả lương cho giáo viên.
Các giáo viên hợp đồng tại trường Mầm nòn Kỳ Phương 6 tháng nay chưa hề được nhận một đồng lương nào . Ảnh: Infonet. |
Theo phản ánh của phụ huynh trường Mầm non Hoa Mai (phường Sông Trí, thị xã Kỳ Anh) năm học 2017-2018, nhà trường thu tiền của phụ huynh để trả tiền lương cho hàng chục giáo viên hợp đồng, mà theo quy định của Bộ GĐ&ĐT là sai.
Trường Hoa Mai có 670 cháu, giáo viên đứng lớp thiếu 12 người. Nhà trường cũng ký hợp đồng ngắn hạn với các giáo viên bên ngoài. Mỗi học sinh phải đóng 130.000 đồng/em để chi trả lương cho 12 giáo viên đứng lớp.
Tương tự, năm học 2017- 2018, trường Mầm non Kỳ Thịnh, nhà trường hợp đồng 13 giáo viên đứng lớp, Kỳ Phương là 11 giáo viên, vận động mỗi học sinh đóng 50 nghìn đồng/tháng/em, để trả tiền lương giáo viên hợp đồng.
Việc vận động tiền từ phụ huynh để trả lương cho giáo viên hợp đồng chỉ được dừng lại khi sở GD&ĐT “tuýt còi”.
6 tháng không lương
Ngày 4/10/2017, Sở GĐ&DT Hà Tĩnh có thông báo 1499 yêu cầu các Sở Tài chính, GD&ĐT không được vận động đóng góp chi thường xuyên để trả tiền lương, tiền công cho giáo viên và hợp đồng lao động.
Sau khi có thông báo của Sở GD&ĐT cấm không cho thu tiền phụ huynh để trả lương cho giáo viên hợp đồng, 70 giáo viên hợp đồng vẫn đi dạy bình thường nhưng nhà trường không có tiền trả lương.
Cô Nguyễn Thị Vân Anh (giáo viên Trường mầm non Kỳ Phương), cho biết theo lương hợp đồng hiện tại cô nhận là 2,5 triệu đồng/tháng. Kể từ khi Sở GD&ĐT “tuýt còi”, 6 tháng nay, cô không được nhận một đồng lương nào. Mọi chi phí gia đình, nuôi dạy con phải dựa vào đồng lương ít ỏi của chồng.
“Kể từ tháng 10/2017, sở giáo dục cấm thu tiền phụ huynh để trả tiền lương cho giáo viên nên nhà trường đang nợ 250 triệu đồng/6 tháng lương của 11 giáo viên. Quả thực các giáo viên đã dạy không công mà chúng tôi vẫn thường đùa nhau là giáo viên 0 đồng - không đồng lương”, bà Nguyễn Thị Diễn, hiệu trưởng trường Mầm non Kỳ Phương, cho biết.
Bà Diễn cũng trình bày: “Nếu thực trạng này kéo dài, buộc nhà trường phải chấm dứt hợp đồng ngắn hạn với các giáo viên, đồng nghĩa thiếu giáo viên đứng lớp, thì con em phải trả về địa phương. Tất nhiên, đây là phương án xấu nhất, nếu như huyện không cân đối được ngân sách để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng”.
Mỗi học sinh trường Mầm non Hoa Mai phải đóng 130.000 đồng/tháng/em để chi trả lương cho giáo viên hợp đồng ngắn hạn . Ảnh: Infonet. |
Tiếp tục tuyển dụng giáo viên
Liên quan vấn đề thiếu hụt giáo viên tại địa bàn, ông Nguyễn Hữu Sum, trưởng phòng GD&ĐT thị xã Kỳ Anh, lý giải: "Trước khi chưa chia tách địa giới hành chính, Kỳ Anh đã thiếu hụt giáo viên. Nay chia tách, tình trạng thiếu trở nên trầm trọng hơn.
Hơn nữa, thời gian gần đây, tỷ lệ dân số có chiều hướng tăng nhanh khiến số lớp học cũng tăng lên. Một nguyên nhân quan trọng khác là tại các vùng quy hoạch, do không được phép xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất trường lớp, trong khi số học sinh ngày một tăng, diện tích phòng không đủ, buộc phải tăng lớp và như vậy dẫn đến phải tăng thêm giáo viên đứng lớp", ông Sum nói.
ông Sum đề xuất để "gỡ rối" cho tình trạng thiếu hụt giáo viên, thị xã Kỳ Anh phải rà soát và điều chuyển giáo viên từ trường thiếu ít về nơi thiếu nhiều để đảm bảo việc dạy và học diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp mang tính đối phó. Để giải quyết tận gốc bài toán thiếu giáo viên, tỉnh cần phải điều chuyển thêm giáo viên về cho thị xã hoặc là cho thị xã tổ chức tuyển thêm chỉ tiêu .
Ông Phan Duy Vĩnh, phó chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh, nói trước tình trạng thiếu hụt giáo viên ở cả 3 cấp học (không riêng mầm non) thị xã Kỳ Anh đã tiến hành xét tuyển 41 chỉ tiêu giáo viên mầm non theo sự phân bổ của tỉnh. Đây là nỗ lực của chính quyền thị xã, nhằm bước đầu gỡ thiếu cho bậc mầm non. Được biết, đây là đợt tuyển giáo viên thứ 3 của thị xã Kỳ Anh. Trước đó, thị xã đã tổ chức hai đợt tuyển giáo viên bậc tiểu học và mầm non vào năm 2015.
Thời gian tới, đề nghị phòng GD&ĐT rà soát, thống kê đội ngũ giáo viên và viên chức trong toàn thị xã. Những trường thiếu giáo viên sẽ trình lên cấp trên xin thêm chỉ tiêu tuyển dụng, nhằm bố trí đủ nhân sự cho năm học mới.
"Tôi cho rằng, đây là giải pháp hiệu quả, khắc phục tình trạnh thiếu giáo viên kéo dài như lâu nay. Giải pháp này cũng sẽ giúp bảo đảm vào năm học mới, các trường đủ giáo viên đứng lớp và nhân viên làm việc", ông Vĩnh nhấn mạnh.
Liên quan việc nợ tiền lương gần 2 tỷ đồng với 70 giáo viên hợp đồng, ông Vĩnh yêu cầu Phòng tài chính - kế hoạch tham mưu UBND thị xã trình Thường vụ Thị ủy và HĐND thị xã cho chủ trương sử dụng nguồn ngân sách thị xã cấp cho các trường mầm non chi trả tiền hợp đồng lao động còn thiếu theo quy định. Tránh tình huống xấu nhất các trường mầm non chấm dứt hợp đồng giáo viên, trả con em về địa phương?
Ngoài ra, Phòng Nội vụ thị xã tham mưu, trình văn bản xin UBND tỉnh chủ trương tuyển dụng số giáo viên còn thiếu theo Thông báo số 56/TB/-SNV ngày 10/01/2018 - ông Vĩnh nói.