Lương 2 triệu, giáo viên không đủ sống
"Lương khởi điểm của giáo viên chỉ hơn 2 triệu đồng thì không thể đủ để đảm bảo cuộc sống", giám đốc Sở GD - ĐT Nam Định cho biết.
Vấn đề không mới nhưng luôn "nóng"
Ngày 23/1, Bộ GD – ĐT đã tổ chức hội nghị Triển khai chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 tại 6 điểm cầu Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP.HCM. Tại hội nghị, đại biểu đến từ các trường, sở GD – ĐT đã cùng nhau mổ xẻ thực trạng giáo dục. Trong đó vấn đề chế độ cho giáo viên được bàn luận sôi nổi.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD – ĐT tỉnh Nam Định phát biểu: “Lương khởi điểm của giáo viên chỉ hơn 2 triệu đồng thì không thể đủ để đảm bảo cuộc sống. Nhà giáo là người cần phải có bản lĩnh, niềm đam mê và tình yêu. Vì vậy, để có được những yếu tố đó, giáo viên phải đủ sống, không phải bon chen, lo làm thêm bên ngoài”.
Trong khi đó, hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Minh nhận thấy nguồn nhân lực giáo dục đang có vấn đề ngay từ đầu vào. Một thực tế đáng báo động đó là rất nhiều người giỏi không còn muốn vào sư phạm.
Ông cho biết trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2012, số sinh viên thi vào trường tăng, điểm chuẩn cũng cao hơn so với 5 năm vừa qua. Kết quả này có được do những chính sách ưu đãi đối với giáo viên mà nhà nước vừa thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Văn Minh - hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Qua đó, hiệu trưởng ĐH Sư Phạm Hà Nội nhấn mạnh: “Để lôi kéo sinh viên vào sư phạm có ba vấn đề mấu chốt phải được thực hiện đó là: chế độ chính sách, chiến lược đào tạo nhân lực và cam kết việc làm”.
Việc luân chuyển giáo viên cũng khiến các vị lãnh đạo trong ngành giáo dục phải đau đầu bởi chính họ cũng không thể giải quyết được vấn đề này. Trong nhiều năm, chính phủ và Bộ GD – ĐT luôn kêu gọi giáo viên về các vùng sâu vùng xa để đem con chữ đến cho trẻ em nghèo. Nhưng tại những địa phương này các giáo viên phải chịu cảnh sống vô cùng vất vả bởi thiếu nhà công vụ, chế độ trợ cấp ngắn ngủi và đặc biệt sau đó họ hầu như không có cơ hội chuyển đến chỗ tốt hơn.
Trước thực trạng này, các đại biểu đều kiến nghị cần xem xét trả lương cho các nhà giáo phù hợp, hoặc phải có cơ chế luân chuyển cán bộ như ngành y tế. Như vậy, ngành giáo dục sẽ thu hút được nhân lực.
Đội ngũ giáo viên cũng cần có sự đổi mới
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đồng tình với việc cần phải thay đổi chế độ cho các giáo viên trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh chính đội ngũ nhà giáo cũng phải có sự thay đổi, nhất là sức ỳ về việc đổi mới.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VA) |
Chiến lược giáo dục đề ra mục tiêu đào tạo các lớp người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Việc đầu tư và chăm chút cho những người đào tạo lớp người này - những nhà sư phạm - đương nhiên phải là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Ngoài ra, hội nghị còn thảo luận một số vấn đề quan trọng như: chương trình, sách giáo khoa; vấn đề dạy thêm – học thêm, cách chính sách ưu tiên trường ngoài công lập…
Cụ thể, Bộ GD – ĐT đã chính thức công bố chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ được xây dựng theo định hướng chú trọng phát triển năng lực học sinh, vừa bảo đảm tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp đặc thù mỗi địa phương.
Về vấn đề dạy thêm học thêm, trong thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường quản lý giáo viên trong dạy thêm, học thêm đồng thời rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản, dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học.
Về các chính sách ưu tiên trường ngoài công lập, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận đây là vấn đề chưa có những giải pháp đột phá, hiệu quả, và cần được bàn luận sâu hơn, để đề ra những chính sách thỏa đáng, hợp lý.
An Hoàng
Theo Infonet