Sau gần 20 năm ra trường, lần đầu tiên thầy Nguyễn Đăng Khoa, giáo viên ở Nghệ An, chia sẻ thông tin thu nhập của một viên chức ngành giáo dục.
Lời chia sẻ chạm đến nỗi lòng nhiều người
Anh khẳng định việc chia sẻ này không nhằm mục đích kêu ca, phàn nàn hay phản đối chính sách. Việc này đơn giản xuất phát từ niềm vui nho nhỏ khi thấy số tiền nhận được sau khi trừ các khoản phí là con số khá đẹp (tăng dần): 5.678.000 đồng.
Khoản tiền này phải gánh “trọng trách” trang trải cuộc sống hàng ngày, chăm lo cho hai con ăn học và thực hiện kế hoạch mua nhà, xe của gia đình.
Những dòng chia sẻ của thầy Khoa thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. |
Cụ thể, nam giáo viên liệt kê các khoản dự chi như sau: Mua sắm quần áo giày dép dụng cụ dạy và học cho mình và 2 con chuẩn bị cho năm học mới; trả các loại dịch vụ như cước điện thoại, Internet, truyền hình, ga, điện; mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho mùa mưa bão.
"Số còn lại sẽ tích lũy để thực hiện kế hoạch mua ôtô, mua nhà ở thành phố và cho con học đại học rồi chạy việc vào công chức... Nhân tiện mình xin nhờ các bạn giỏi Toán tính giúp là với thu nhập đó, khoảng khi nào thì mình sẽ mua được nhà, xe và lo công việc cho con cái?”, thầy giáo này viết.
Những lời tâm sự của thầy Khoa nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hơn 1.000 lượt chia sẻ và khoảng 1.400 lượt bình luận.
Trả lời Zing.vn, thầy Nguyễn Đăng Khoa cho biết anh khá bất ngờ trước sức lan tỏa của bài đăng. Nam giáo viên lý giải điều này là bình thường khi lâu nay, những người làm công ăn lương như viên chức, cán bộ hợp đồng có rất nhiều tâm sự về vấn đề thu nhập nhưng không biết nói ở đâu.
“Giờ mình đưa lên thì tự dưng chạm đến nỗi lòng nhiều người nên họ chia sẻ thôi”, thầy Khoa nói.
Thầy giáo này thừa nhận sau gần 20 năm công tác mà chỉ nhận mức lương 6 triệu đồng/tháng thì khó hài lòng được. Tuy nhiên, thầy nhận thấy bản thân còn may mắn hơn nhiều giáo viên không được ký hợp đồng, không vào biên chế.
Nghề giáo có những niềm hạnh phúc riêng
Mức lương bèo bọt song gần 20 năm qua, thầy Nguyễn Đăng Khoa vẫn gắn bó với nghề. Để đủ trang trải cho cuộc sống gia đình khi cả hai vợ chồng đều là giáo viên, thầy xoay xở bằng một số nghề tay trái.
Cụ thể, nam giáo viên cùng đồng nghiệp mở câu lạc bộ võ, dạy vào buổi chiều để không ảnh hưởng việc lên lớp buổi sáng.
Lớp học karate của thầy Nguyễn Đăng Khoa. Ảnh: NVCC. |
Tuy nhiên, việc này chủ yếu xuất phát từ mục đích tạo sân chơi cho thanh thiếu niên, thu nhập chẳng đáng là bao khi học phí ở mức thấp (50.000 đồng/tháng/người), miễn phí cho những em có hoàn cảnh khó khăn.
Lúc rảnh rỗi, thầy Khoa còn làm thêm công việc MC đám cưới để kiếm thêm thu nhập. Ngoài ra, công việc bán bảo hiểm và cộng tác với báo chí cũng giúp cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn.
“Nếu chỉ dựa vào thu nhập từ lương giáo viên, vợ chồng tôi sống khá chật vật. May mắn, tôi xoay xở được, không dư dả nhưng đủ chăm lo cho gia đình và cũng đã có căn nhà cấp 4 để ở”, thầy giáo người Nghệ An tâm sự.
Thầy Khoa nói thêm mức lương không đáng là bao nhưng thầy chưa bao giờ vì thế mà bỏ bê công việc. Nam giáo viên quan niệm đã chọn nghề, yêu nghề thì phải luôn tâm huyết, có trách nhiệm với học trò.
“Tôi đi đâu, gặp bác sĩ, công an hay cán bộ nhà nước là học trò cũ, các em đều giúp đỡ nhiệt tình. Mỗi lần gặp người quen, họ gọi một tiếng thầy là hạnh phúc lắm!”, giáo viên dạy Ngữ văn kể.
Là người gắn bó với nghề giáo gần 20 năm, thầy Đăng Khoa thực sự trăn trở khi thấy nghề không còn sức hút với người trẻ. Những năm gần đây, rất ít học trò của thầy chọn theo nghề giáo. Số ít đăng ký học trường sư phạm thường chọn mầm non vì dễ xin việc sau khi ra trường.
Theo thầy Nguyễn Đăng Khoa, nghề giáo “rớt giá” là điều dễ hiểu khi sinh viên ra trường khó xin việc, nhiều tiêu cực "chạy" vào biên chế, áp lực công việc lớn.
“Muốn đọc được tương lai một quốc gia, hãy nhìn vào nền giáo dục nơi đó. Muốn đọc được tương lai của một nền giáo dục, hãy nhìn vào cách cư xử với nhà giáo”, thầy Khoa tâm niệm.