Mức lương của vị trí thực tập sinh bị một số đánh giá là tương đối thấp so với sinh hoạt phí tại thành phố lớn hiện nay. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
2 triệu đồng là mức lương của Thanh Hằng (20 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) - thực tập sinh tại một agency truyền thông. Theo cô, mức lương này chỉ đủ để đổ xăng và uống sinh tố.
“Tôi sinh sống ở quận Gò Vấp, văn phòng lại nằm tại quận 1, quãng đường di chuyển đi làm mỗi ngày 20 km. Tiền xăng xe chiếm đến 1/2 thu nhập”, Hằng nói.
Vì còn phụ thuộc tài chính vào gia đình, cô gái trẻ thừa nhận chưa áp lực “cơm áo gạo tiền”, chấp nhận mọi lức lương, chỉ cần có cơ hội trải nghiệm và học tập. Hiện cô thực tập ở vị trí này được nửa năm.
Đáng chú ý, 2 triệu đồng cũng là mức thu nhập của Đỗ Vinh (30 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) khi đảm nhiệm vị trí thực tập sinh marketing tại một công ty thương mại điện tử hồi 10 năm trước.
Nhiều thực tập sinh đánh giá mức lương không tương xứng với công sức bỏ ra. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Theo báo cáo Thị trường tuyển dụng 2023 và nhu cầu tuyển dụng 2024 do TopCV Việt Nam thực hiện, mức lương của vị trí thực tập sinh ở các ngành kinh doanh, marketing, IT, bất động sản, bảo hiểm, xuất nhập khẩu, tài chính, khách sạn, nhân sự và kế toán dao động từ 3-5 triệu đồng.
Báo cáo Thị trường tuyển dụng 2022 và nhu cầu tuyển dụng 2023 cũng chỉ ra marketing/truyền thông/quảng cáo là lĩnh vực có mức lương thực tập sinh thấp nhất, chỉ từ 2,5-4 triệu đồng. Trong khi đó, ngành bảo hiểm trả lương cao nhất cho vị trí này, từ 5-8 triệu đồng.
Dữ liệu của nền tảng việc làm Indeed cho biết mức lương trung bình cho vị trí thực tập sinh tại Việt Nam là 2,7 triệu đồng, dựa trên 627 bài đăng tuyển dụng trên nền tảng này được ghi nhận đến đầu tháng 11.
Theo ghi nhận của Tri Thức - Znews, nhiều thực tập sinh đánh giá rằng mức thu nhập của họ tương đối thấp. Mức này được giữ nguyên sau nhiều năm, bất chấp chi phí sinh hoạt, giá cả gia tăng.
Từ phía doanh nghiệp, một số lãnh đạo lại cho biết công ty tốn chi phí, nguồn lực đào tạo thực tập sinh, vì thế không thể trả lương cao cho vị trí này.
Lương thực tập sinh không đổi theo thời gian
Hiện nay, Đỗ Vinh đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng marketing của một công ty bất động sản, chịu trách nhiệm tuyển dụng nhân sự cho phòng ban của mình. Anh cho biết lương dành cho thực tập sinh vẫn là 2-5 triệu đồng, tương đương với mức thu nhập của anh ở vị trí này hồi năm 2014.
Đỗ Vinh nhận thấy thu nhập của thực tập sinh hiện nay không khác anh trước đây. |
Vì thế, anh luôn ưu tiên tuyển dụng sinh viên, người mới tốt nghiệp cho công việc này, tránh tìm kiếm ứng viên có kinh nghiệm, lo sợ sự chênh lệch giữa kỳ vọng của người lao động và khả năng đáp ứng từ phía doanh nghiệp.
“Các bạn sinh viên đi làm lần đầu giống như tờ giấy trắng, dễ đào tạo, không đòi hỏi nhiều về phúc lợi tài chính”, Đỗ Vinh chia sẻ.
Nhận thấy lương, thưởng của vị trí trên tương đối thấp, quản lý này thường tránh giao nhiều việc, thậm chí ngại thúc ép, giục giã thực tập sinh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khẩn cấp, anh vẫn phải hối thúc cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ gấp.
Hiểu rằng thu nhập của thực tập sinh không cao, Đỗ Vinh thường tài trợ chi phí cho nhân sự ở vị trí này đi du lịch công ty, liên hoan với phòng ban và tuyệt đối không yêu cầu đóng quỹ bộ phận.
Tương tự Đỗ Vinh, Thu Hiền (27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cũng từng bắt đầu sự nghiệp hành chính/nhân sự ở vị trí cộng tác viên với mức lương 2 triệu đồng. Sau gần 10 năm trong nghề, thu nhập của cô với vai trò chuyên viên hiện là khoảng 20 triệu đồng.
Một năm trước, cô được giao nhiệm vụ kèm cặp một cộng tác viên vừa ra trường, mong muốn thử sức trong ngành nhân sự. Trong quá trình đào tạo, Thu Hiền hỏi khéo nhân viên mới về mức thu nhập.
“Tôi bất ngờ khi nghe nói lương thực tập sinh hiện nay là 2,5 triệu đồng, chỉ hơn tôi hồi trước 500.000 đồng”, Hiền nói.
Trước đây, chuyên viên nhân sự này ứng tuyển vào vị trí cộng tác viên khi còn ngồi trên ghế trường đại học, chưa gặp áp lực kinh tế. Đối với những thực tập sinh đã tốt nghiệp, tự chủ tài chính, Thu Hiền cho rằng mức lương trên không đủ sống tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM.
“Hơn nữa, chi phí sinh hoạt hiện nay cao hơn thời tôi mới đi làm nhiều”, chuyên viên nhân sự có gần 10 năm kinh nghiệm chia sẻ thêm.
Doanh nghiệp khó trả lương cao cho thực tập sinh
Phan Đăng (quận Ba Đình, Hà Nội), giám đốc của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục, hiện là lãnh đạo của 5 thực tập sinh.
Mức lương anh trả cho vị trí này là 2,5-4 triệu đồng, tuỳ vào kinh nghiệm và thời gian gắn bó. Phan Đăng cho biết doanh nghiệp không có nghĩa vụ trả lương cho thực tập sinh theo luật.
Cụ thể, Bộ luật Lao động 2019 quy định hợp đồng thử việc có thời hạn tối đa là 60 ngày đối với công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Trong thời gian đó, người lao động được hưởng thu nhập bằng ít nhất 85% mức lương của công việc đó.
Đối với vị trí thực tập sinh, doanh nghiệp không có nghĩa vụ trả lương, mà chỉ thực hiện trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện học tập nhằm nâng cao trình độ chuyên môn.
Hơn nữa, công ty phải tốn nguồn lực lớn để đào tạo thực tập sinh, nên không thể trả lương cao cho vị trí này.
“Tôi mong các bạn coi khoản lương chưa đến tay là học phí, có thể tạo ra thu nhập lớn gấp nhiều lần trong tương lai”, Đăng nói.
Doanh nghiệp và thực tập sinh cần trao đổi rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi, mức đãi ngộ để tránh tình trạng thất vọng. Ảnh minh hoạ: Phương Lâm. |
Ngoài ra, công ty khởi nghiệp của anh không sở hữu ngân sách vận hành lớn, phải cân đối phân bổ quỹ lương, thưởng cho nhiều vị trí. Doanh nghiệp không đòi hỏi sự gắn bó lâu dài đối với thực tập sinh, vì thế phải ưu tiên đảm bảo thu nhập cho nhân sự chính thức - những người cam kết đồng hành.
Tuy nhiên, Phan Đăng luôn trao đổi rõ ràng với thực tập sinh về lương, thưởng từ vòng phỏng vấn, tránh gây ra tình trạng thất vọng, bức xúc sau này. Bên cạnh thu nhập, anh cũng nỗ lực làm rõ về quyền lợi, trách nhiệm của đôi bên, đảm bảo nhân sự không cảm thấy bức xúc vì bị bóc lột sức lao động.
“Tôi khuyến khích các bạn đặt câu hỏi trong quá trình tuyển dụng. Chỉ khi các bạn đồng ý với mức lương và khối lượng công việc, 2 bên mới bắt đầu hợp tác”, Đăng nói.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.