Bộ GD&ĐT đang xin ý kiến về dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.
Trong đó, điều 32 của dự thảo ghi: "Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học". Nhiều ý kiến tranh luận về quy định này.
Bất cập, khó khả thi
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng điều 29 và 32 trong dự thảo bất cập vì hiện nay các quy định dành cho nhà giáo đã đầy đủ và chi tiết.
Bộ GD&ĐT có Quyết định 16/2008 “Quy định về đạo đức nhà giáo”. Luật Giáo dục 2015 dành hẳn chương IV với 13 điều quy định về “Nhiệm vụ và quyền của nhà giáo”. Khía cạnh xã hội có luật dân sự, hình sự… Các sở GD&ĐT và nhà trường còn có quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng.
Vì thế, thầy Tùng cho rằng việc có thêm quy định xử phạt hành chính là không cần thiết, thậm chí chồng chéo với luật.
Thầy Trần Mạnh Tùng cho rằng các quy định về xử lý giáo viên khi xâm phạm học sinh đã đầy đủ, không cần thêm quy định phạt tiền. Ảnh: NVCC. |
Ví dụ, giáo viên gây thương tích cho học sinh từ 11% là bị xử lý hình sự. Trường hợp này, nếu tiếp tục xử phạt hành chính sẽ vi phạm quy tắc xử lý một lần, bằng một chế tài.
Cũng theo thầy Trần Mạnh Tùng, trong lĩnh vực giáo dục, do tính chất đặc thù, nhiều quan hệ thầy - trò, đồng nghiệp... được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa, chứ không được "luật hóa", bởi các quy định, chế tài.
Do đó, hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm..." giữa thầy trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng chế tài hành chính.
Nếu thầy trò là quan hệ dân sự đơn thuần, việc làm này vừa không có tác dụng, vừa làm méo mó hình ảnh người thầy, không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục.
Chia sẻ ý kiến trên, cô Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM - cho rằng mức phạt hành chính 30 triệu đồng với giáo viên khi có hành vi xúc phạm thân thể, nhân phẩm học sinh là quá cao và nghiêm khắc. Điều này lần đầu tiên đưa vào quy chế có thể nói là một bước tiến bộ, dù chắc chắn gây tranh cãi trong dư luận.
Nữ giáo viên cho hay, hình thức phạt tiền không nên áp dụng, vì mang tính thương mại hóa, dù rằng người ban hành quy chế đang “đánh” trực tiếp vào kinh tế để ngăn chặn hành vi không phù hợp của giáo viên với học sinh.
Cô Nguyễn Huyền Thảo đồng tình với quan đểm lương của giáo viên không đủ sống thì lấy tiền đâu để đóng phạt. Họ không khác gì rơi vào tình trạng "không công" nếu vi phạm.
Nữ giáo viên tâm sự đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn. Họ chịu quá nhiều áp lực, nên đôi khi ức chế và khó kiềm chế được cảm xúc. Định nghĩa xúc phạm thân thể và nhân phẩm học sinh trong dự thảo lại chung chung nên phụ huynh và giáo viên khó có được tiếng nói chung.
Cô Thảo đề xuất thay vì phạt tiền, nhà quản lý nên quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng và tìm giải pháp giúp giáo viên chuyên nghiệp hơn khi lên lớp. Đó có thể là các khóa học về tâm lý, trò chuyện, lắng nghe, giúp họ hiểu và biết cách uốn nắn học sinh tốt hơn là sử dụng đòn roi.
Không nên vội vàng
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho hay điều 32 quy định giáo viên xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh có thể bị phạt lên đến mức cao nhất 30 triệu đồng không cần thiết và không khả thi, dù xuất phát từ ý tưởng tốt là có chế tài ngăn chặn bạo lực học đường.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ đưa ra định lượng phạt nhưng không định lượng được mức độ của hình phạt ra sao và lý giải được định nghĩa “thế nào là xâm phạm”? Bộ cần nghiên cứu để đưa ra thông tin cụ thể, các chế tài phạt tiền từ thấp đến cao, từ nhắc nhở, phê bình đến buộc thôi việc.
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng GD&ĐT - cho rằng quy định phạt giáo viên xúc phạm học sinh mức cao nhất 30 triệu đồng là không cần thiết. Ảnh: Quyên Quyên. |
Theo PGS Nhĩ, khi những câu hỏi trên chưa đưa ra được giải pháp, Bộ GD&ĐT đã vội vàng làm dự thảo nghị định, khiến sự vận dụng sau này sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, để xử phạt, chúng ta cần có bằng chứng, tránh sự vu khống, cần có người phân minh giữa đúng và sai.
"Tôi tin Chính phủ chưa thể ký hành nghị định này. Hiện tại, lương giáo viên chỉ 2-3 triệu đồng, thậm chí lương cao là 6 triệu đồng. Nhiều người không đủ sống lấy tiền đâu để nộp phạt?”, PGS Nhĩ nêu quan điểm.
Ông cho rằng một nghị định chưa được nghiên cứu kỹ sẽ ảnh hưởng tâm lý giáo viên, thậm chí có người lợi dụng điều này để "hạ bệ" lẫn nhau. Ông đặt câu hỏi: "Ai là người phạt? Số tiền phạt đó sẽ mang đi đâu? Để làm gì?".
Trước tình trạng thầy đánh trò, trò đánh thầy trong thời gian qua, PGS Trần Xuân Nhĩ cho rằng đó là cá biệt trong hàng triệu người, không nên khái quát chung với toàn ngành. Điều quan trọng nhất là sự kết hợp giáo dục giữa gia đình, nhà trường, xã hội để nâng cao đạo đức của mỗi cá nhân.
Ngoài ra, lương giáo viên là yếu tố quan trọng khiến giáo viên yên tâm làm việc và cống hiến với nghề.
“Tôi đề xuất lương của ngành giáo dục phải cao nhất. Chúng ta cần tập trung giải quyết vấn đề này trước. Còn mọi hành động sai trái nên tiến hành bằng nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo, kỷ luật. Tất cả điều này cũng phải xuất phát từ sự yêu thương, kính trọng nhau”, ông Nhĩ nói.
Cần sự thay đổi từ nhận thức
Nói về điều 32 của nghị định xử phạt hành chính trong giáo dục, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT, cho biết ông không đồng tình với phương án phạt tiền giáo viên. Đây là cách làm rất tế nhị và khiên cưỡng.
“Người tham gia giao thông nếu sai luật bị phạt tiền là đúng. Nhưng phạt tiền giáo viên vì xúc phạm thân thể, nhân phẩm thì tôi thấy lạ. Tôi cho rằng việc xúc phạm học sinh ở mức độ cao nên phạt tiền đồng thời với pháp luật, không phải trường hợp nào chúng ta cũng quy ra tiền", TS Khuyến nói.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng phạt tiền chỉ là "bề nổi" và không giải quyết được vấn đề. Ảnh: Đức Phạm. |
Theo TS Khuyến, nguyên nhân của bạo lực trong nhà trường là do giáo dục xuất phát từ góc nhìn truyền thống, người thầy quyền uy. Ngày nay, giáo dục hiện đại đang chuyển sang mô hình thầy và trò cùng tương tác. Thực tế, giáo dục Việt Nam chưa quyết tâm thay đổi nên vẫn lẫn lộn giữa cũ và mới.
"Chỉ khi nào triết lý giáo dục mới đến được với tất cả học sinh, giáo viên, chúng ta mới khắc phục được các hình phạt. Giữ tư tưởng cũ thì vẫn còn bạo lực", ông Khuyến nói.
Ngành giáo dục cần có những phương án tuyên truyền tới giáo viên, phụ huynh và học sinh về một nền giáo dục văn minh qua báo chí, sách vở, Internet, bảo tàng.
"Nhưng ở nước ta, tất cả cách giáo dục này lại gói gọn trong hai từ ngoại khóa. Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức, phạt tiền chỉ là hành động bề nổi", TS Lê Viết Khuyến cho hay.
Điều 29. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ, nhân viên cơ sở giáo dục.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
Điều 32. Vi phạm quy định về xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
4. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 điều này.