Nhiều trường quốc tế và bán quốc tế tại Hà Nội và TP.HCM đều có mức học phí 200-700 triệu đồng/năm. Trong đó, môi trường học tập, chương trình quốc tế, chất lượng giáo viên tạo nên sự khác biệt.
Trả lương giáo viên "xịn" đắt đỏ
Theo ông Lê Trần Nam - Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Quản trị một trường quốc tế ở Hà Nội - xây dựng, điều hành một trường quốc tế rất tốn kém. Trong đó, việc lựa chọn, thu hút giáo viên "xịn” được quan tâm. Nhiều trường sẵn sàng chi khoản tiền lớn cho thầy, cô "ngoại".
Lương cho một giáo viên có kinh nghiệm khoảng 2.200 USD (hơn 50 triệu đồng). Thầy cô có kinh nghiệm làm trưởng nhóm, lương từ 4.000 USD (93 triệu đồng). Hiệu trưởng hưởng lương 7.000-10.000 USD hoặc hơn (trên 160 triệu đồng). Giáo viên và lãnh đạo người Việt được trả từ 1.000-2.500 USD (hơn 20 đến hơn 50 triệu đồng/tháng).
Với các vị trí khác, trường quốc tế hướng tới tuyển dụng chuyên viên, nhân viên có trình độ, nghiệp vụ cao hơn hẳn các trường tư thục, đồng nghĩa với lương cũng phải cao hơn.
Cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ giáo viên nước ngoài là những thế mạnh của trường quốc tế. Ảnh: H.A. |
Cũng theo ông Lê Trần Nam, chi phí xây dựng và thiết lập một trường quốc tế ít khi được tiết lộ cụ thể, thường dao động từ 200-500 tỷ đồng, thậm chí có thể hơn. Khuôn viên trường phải lên đến hàng nghìn m2, được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại, sân bóng, sân cỏ nhân tạo, bể bơi, nhà đa năng có mái che, thư viện, hạ tầng viễn thông…
Chi phí điện nước, vệ sinh đều cao gấp nhiều lần các trường ngoài. Tất cả đều phải tính toán phần khấu hao, gây áp lực lên con số tài chính hàng năm.
Làm một phép tính đơn giản, một trường học có thời lượng học 20 tiết môn Tiếng Anh/tuần, không thể có chuyện học phí dưới 10 triệu đồng/tháng.
"Vì vậy, trường nào quảng cáo học phí rẻ, chất lượng quốc tế thì phải xem lại nguồn tuyển giáo viên bản ngữ, quy chuẩn vận hành, cũng như quy chuẩn quốc tế của nơi đó", ông Nam nói.
Đồng tình quan điểm trên, bà Hà Linh - Phó hiệu trưởng một trường quốc tế liên cấp tại TP.HCM - khẳng định sở dĩ không có trường quốc tế chất lượng cao giá rẻ bởi tiền thuê giáo viên nước ngoài và chương trình học rất lớn.
Theo bà Linh, một giáo viên quốc tế chất lượng tại Sài Gòn, mức lương thấp nhất hiện nay là 80 triệu đồng/tháng (sau khi trừ thuế thu nhập cá nhân). Mức lương cao nhất có thể lên đến 120 triệu đồng/tháng. Chưa kể, nhiều trường quốc tế phải chi trả tiền nhà cho giáo viên nước ngoài từ 20-22 triệu đồng/tháng.
Đối với giáo viên người Việt ở các trường quốc tế song ngữ, mức lương cấp tiểu học khoảng 40 triệu đồng/tháng, cấp trung học 60-70 triệu đồng/tháng.
Đại diện một trường quốc tế khác tại quận 7 (TP.HCM) khẳng định việc thu hút và giữ chân giáo viên nước ngoài luôn là bài toán khó của nhiều trường quốc tế. Giáo viên trẻ tuổi, độc thân có thể sang Việt Nam dạy khoảng 2-3 năm rồi lại đi nước khác. Người đã có gia đình cần chuyển cả vợ, chồng, con cái đến Việt Nam. Điều này cần một khoản hỗ trợ rất lớn nếu nhà trường muốn giữ chân họ.
Lương cao, áp lực lớn
Nói về chương trình học quốc tế, bà Quách Minh Hương, thành viên Ban lãnh đạo trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội, cho hay trường dạy theo chương trình Cambridge. Trong đó, nhân lực là yêu cầu rất quan trọng. Đội ngũ giáo viên là “linh hồn" của chương trình Cambridge, chuyển tải những kiến thức, giá trị văn hoá, đời sống của chương trình đến học sinh.
Hoàn toàn không chỉ đơn thuần là dạy học bằng tiếng Anh, thầy cô giáo sẽ chuyển tải nền văn hoá, kỹ năng học tập, kỹ năng sống, đạo đức - kỷ luật đến học sinh.
Trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội có hơn 30 giáo viên quốc tế đến từ các nước nói tiếng Anh, được dẫn dắt bởi một hiệu phó cũng là người nước ngoài. Ảnh: NTCC. |
Bà Hương không tiết lộ về mức lương cụ thể của giáo viên trong trường, nhưng khẳng định rằng để giữ chân được thầy cô quốc tế, ngoài môi trường làm việc chuyên nghiệp, tin cậy, chất lượng học sinh đầu vào ổn định, thu nhập chính là yếu tố quan trọng.
Ở trường Quốc tế Liên cấp Việt - Úc Hà Nội, nhiều giáo viên quốc tế đã làm việc 8-10 năm. Họ được tuyển dụng thông qua đối tác chiến lược từ Australia. Trường tự làm các thủ tục như visa, giấy phép lao động.
Giáo viên quốc tế phải thực thi mọi quy định về chế độ theo luật pháp Việt Nam. Cambridge cũng yêu cầu tất cả giáo viên phải có chứng chỉ giảng dạy theo tiểu chuẩn. Nhà trường công khai hồ sơ thầy cô quốc tế trên website. Hàng năm, trường triển khai tập huấn định kỳ với các chuyên gia trong và ngoài nước.
Những giáo viên dạy theo chương trình này có thể linh hoạt trong việc chọn giáo trình nhưng phải tuân thủ yêu cầu về chương trình do Cambridge quy định, cũng như phải đạt được tiêu chuẩn về đầu ra. Vì vậy, họ thường đề cao tính quy củ, kỷ luật.
Trường nào quảng cáo học phí rẻ, chất lượng quốc tế thì phải xem lại nguồn tuyển giáo viên bản ngữ, quy chuẩn vận hành, cũng như quy chuẩn quốc tế.
Ông Lê Trần Nam
Giáo viên phải họp chung với tất cả phụ huynh, rồi họp 1-1 (gặp riêng phụ huynh), giải thích thông tin, thắc mắc cho đến khi họ không còn băn khoăn bất cứ vấn đề gì. Ngoài công tác giảng dạy, giáo viên phải theo dõi sát nề nếp, kỷ luật, sự phát triển của học sinh trong hoạt động ngoại khóa (mỗi tháng một lần).
Ở trường, học sinh luôn được thầy cô khuyến khích và tạo điều kiện để tự tin thể hiện bản thân, bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình; được tự do học hỏi trong môi trường tích cực.
Bên cạnh đó, các em cũng được học về cách tôn trọng người khác, có ý thức chấp hành nghiêm túc quy định của trường lớp. Nhà trường và phụ huynh luôn đồng hành trong quá trình rèn luyện, định hướng nhân cách.
Chú trọng xây dựng quan hệ tích cực với học trò
Trao đổi với Zing.vn, ông Andrew Dalton - Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế Malaysia (AIMS), Giám đốc Giáo dục trường Quốc tế ParkCity Kuala Lumpur (ISPKL) - thông tin tại nước này, năm 2011, có 24 trường quốc tế. Đến năm 2019, con số đó tăng lên 179 trường. Nó phần nào chứng tỏ sự phát triển của hệ thống trường quốc tế.
Ở Malaysia, trường quốc tế nằm trong hệ thống giáo dục cùng trường công lập và tư thục. Ở Việt Nam, cũng như nhiều nơi trên thế giới, các trường quốc tế đang được chú ý mở rộng.
Ông Andrew Dalton - Chủ tịch Hiệp hội các trường quốc tế ở Malaysia (AIMS) cùng học sinh. Ảnh: NTCC. |
Theo ông Andrew Dalton, thử thách lớn nhất khi vận hành một trường quốc tế là xây dựng môi trường học tập có thể thuyết phục phụ huynh, học sinh. Để làm được điều này, ngoài cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn quốc tế, giáo viên phải có trình độ cao, dày dặn kinh nghiệm.
"Tháng 8 tới, trường ParkCity tại Hà Nội sẽ khai giảng. Chúng tôi tuyển chọn lãnh đạo của trường từ đội ngũ đã làm việc tại trường Quốc tế ParkCity Malaysia, có kinh nghiệm ít nhất 6 năm", ông Andrew Dalton nói.
Để tuyển dụng các giáo viên xuất sắc, nhà trường phải đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ có tính cạnh tranh cao. Trường đã đăng nhiều thông tin tuyển dụng trên các kênh giáo dục quốc tế khác nhau. Giáo viên ưu tú thường tìm kiếm thử thách mới trong sự nghiệp và không có cơ hội nào tốt hơn là tham gia ngôi trường mới thành lập.
Nhà trường nêu quan điểm giáo viên thành công sẽ tối đa hóa tiềm năng học tập của tất cả học sinh. Một trong những khía cạnh cốt lõi của hoạt động giảng dạy và học tập chất lượng cao là xây dựng mối quan hệ tích cực giữa giáo viên và học sinh.
Điều này thúc đẩy mối quan hệ tích cực, tình cảm gắn bó với nhà trường, đồng thời khuyến khích các em hăng hái học tập. Từ đó, học sinh thêm tự tin để trải nghiệm và thành công hơn ở môi trường không bị giới hạn bởi nỗi sợ thất bại.