Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lưỡng quốc trạng nguyên và chuyện 'bắn Mặt Trời'

Mặc dù không ít lần bị vua quan nhà Nguyên gây khó dễ trong những lần gặp mặt, Mạc Đĩnh Chi luôn khiến đối phương phải “tâm phục, khẩu phục”.

Tương truyền, có lần Mạc Đĩnh Chi dẫn đầu đoàn sứ bộ nước Đại Việt sang nhà Nguyên. Bất ngờ hôm ấy trời lại mưa, đoàn sứ bộ đến cửa ải chậm một ngày so với ngày hẹn trước.

Câu đối qua ải

Viên quan giữ cửa ải không cho sứ bộ qua, dù Mạc Đĩnh Chi nói mãi. Liền đó, từ trên cửa ải một vế đối được thả xuống thách đố, nếu không đối được sẽ không được qua ải. Câu đố là "Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan", nghĩa là: Qua cửa ải trễ, cửa quan đóng, mời khách qua đường qua cửa quan. 

Câu đố quá hiểm hóc, rất khó đối lại, bởi chỉ 11 chữ mà có tới 4 lần nhắc lại chữ "quan", còn chữ "quá" được nhắc tới ba lần. Tuy nhiên, Mạc Đĩnh Chi không thể im lặng, vì đây là chuyện thể diện quốc gia. Suy nghĩ một lát, ông ứng khẩu: "Xuất đối dị, đối đối nan, thỉnh tiên sinh tiên đối", nghĩa là: Ra câu đối dễ, đối câu đối khó, mời tiên sinh đối trước.

Cái hay ở chỗ vế đối lại cũng gồm 11 chữ, cũng dùng tới bốn chữ "đối" trong vế, còn chữ "tiên" được nhắc 2 lần. Ý đối khá chỉnh và ứng đối lại rất nhanh, khiến quan quân phải chịu mở cửa ải để Đĩnh Chi và đoàn sứ bộ đi qua.

Mac Dinh Chi anh 1
Bìa cuốn sách về Mạc Đĩnh Chi của NXB Kim Đồng.

Giương cung bắn 'Mặt Trời'

Tới kinh đô nhà Nguyên, để "nắn gân" quan trạng Đại Việt, vua Nguyên đọc một vế đối "Nhật: hỏa; vân: yên; bạch đàn thiêu tàn ngọc thỏ", nghĩa là: Mặt Trời là lửa, mây là khói, ban ngày đốt cháy vầng trăng.

Hiểu rõ dụng ý của nước lớn và bóng gió đe dọa của vua Nguyên, Mạc Đĩnh Chi ứng khẩu ngay: "Nguyệt: cung; tinh: đạn; hoàng hôn xạ lạc kim ô", nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn; chiều tối bắn rơi Mặt Trời.

Ý nói nước nhỏ cũng có thể đánh bại quân đội nước lớn. Vế đối chẳng những rất chuẩn về niêm luật mà còn tỏ rõ được khí phách của người dân nước Việt, không run sợ và sẵn sàng đánh bại kẻ thù.

Chim sẻ đậu cành trúc

Có một câu chuyện thú vị trong chuyến đi sứ của ông được Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau.

Một hôm khác, viên tể tướng nhà Nguyên mời ông vào phủ ngồi, lúc ấy đương hồi tháng 5, tháng 6. Trong phủ, một bức trướng mỏng thêu hình con chim sẻ vàng đậu cành trúc. Mạc Đĩnh Chi vờ tưởng đây là con chim sẻ thực, vội chạy đến bắt.

Quan lại nhà Nguyên cười ồ, cho là người phương xa bỉ lậu, không biết gì. Thấy vậy, Đĩnh Chi liền kéo bức trướng xuống xé đi. Mọi người đều lấy làm lạ hỏi tại sao.

Ông điềm tĩnh trả lời: "Tôi nghe người xưa vẽ cành mai và chim sẻ, chứ chưa thấy vẽ chim sẻ đậu cành trúc bao giờ. Nay trong bức trướng của tể tướng lại thêu cành trúc với chim sẻ".

"Trúc là bậc quân tử, chim sẻ là kẻ tiểu nhân. Tể tướng thêu như vậy là để tiểu nhân trên quân tử, sợ rằng đạo của tiểu nhân sẽ mạnh, đạo của quân tử sẽ suy. Tôi vì thánh triều mà trừ giúp bọn tiểu nhân". Nghe vậy, mọi người đều phục tài của ông.

Thử tài lần cuối

Trước khi về nước, Mạc Đĩnh Chi và sứ bộ vào triều yết kiến vua Nguyên lần cuối. Vẫn muỗn thử tài quan trạng nước Việt, lần này, vua không ra vế đối nữa mà hỏi những câu "mẹo", đòi hỏi người trả lời phải ứng biến nhanh.

Vua Nguyên hỏi: "Từ khi đến Yên Kinh, ngày nào nhà ngươi cũng cưỡi ngựa đi trên đường thăm phong cảnh, thế ngươi có biết mỗi ngày có bao nhiêu người qua lại trên đường cái không?".

Câu hỏi thật là bất ngờ, vua không thử tài văn học mà muốn thử tài quan sát. Sau một lát suy nghĩ, Mạc Đĩnh Chi liền trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, hàng ngày trên đường kinh đô chỉ có hai người đi lại". 

Vua Nguyên thấy làm lạ bèn hỏi lại "nhà ngươi nói không đúng, sao lại chỉ có hai người?".

Mạc Đĩnh Chi bèn thưa: "Thần nói chỉ có hai người là rất đúng ạ. Vì hàng ngày, phàm những người qua lại trên đường thì chẳng vì "danh" cũng vì "lợi" mà thôi, như vậy rõ ràng chỉ có hai người là cầu danh và cầu lợi".

> Chủ đề: Những trạng nguyên nổi tiếng
Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi Những hoạt động ngoại giao và tài năng văn chương của Mạc Đĩnh Chi đã để lại cho đời nhiều giai thoại nổi tiếng.

Theo Lịch triều hiến chương loại chí, Mạc Đĩnh Chi (1280-1346), có tên tự Tiết Phu, hiệu là Tích Am, là bậc đại thần dưới thời nhà Trần. Ông đỗ trạng nguyên tại khoa thi năm 1304. Quê ông ở Lũng Động, huyện Chí Linh, lộ Hải Đông (tỉnh Hải Dương hiện nay). Tổ tiên của ông là Mạc Hiển Tích, người từng đỗ thái học sinh dưới thời vua Lý Nhân Tông. 

Đại Việt Sử ký Toàn thư chép rằng: “Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống rất đạm bạc. Vua rất hiểu ông, sai người ban đêm đem 10 quan tiền bỏ vào nhà. Hôm sau, Đĩnh Chi vào chầu, tâu vua hay chuyện đó. Vua bảo: Không ai đến nhận, cho khanh lấy mà tiêu".

Năm 1308, đời vua Trần Anh Tông, Mạc Đĩnh Chi được phái đi sứ nhà Nguyên, mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Trong chuyến đi này, đoàn sứ bộ nước ta đã bị vua quan nhà Nguyên “nắn gân cốt” nhiều lần.

Bản thân Mạc Đĩnh Chi cũng nhiều lần bị “làm nhục” vì dung mạo xấu xí. Tuy nhiên, bằng tài năng và trí tuệ của mình, Mạc Đĩnh Chi luôn chứng minh được khí phách, bản lĩnh của người Việt trong hoạt động bang giao.

Những hoạt động ngoại giao và tài năng văn chương của ông đã để lại cho đời nhiều giai thoại nổi tiếng. Bản thân ông được cua Nguyên phong là “lưỡng quốc trạng nguyên”.

Dòng họ nào nhiều trạng nguyên nhất nước ta?

Lịch sử khoa bảng Việt Nam từ năm 1075 đến 1919 ghi nhận nhiều kỷ lục khác nhau như thủ khoa đầu tiên, trạng nguyên trẻ nhất, dòng họ có nhiều trạng nguyên nhất.


Nguyễn Thanh Điệp

Video: VTV

Bạn có thể quan tâm