- Gần đây, chị có theo dõi các chương trình thực tế không?
- Gần đây, tôi không theo dõi nhiều, phần lớn là do công việc không cho phép, tiếp đến là tôi cũng không có nhiều niềm tin vào các chương trình truyền hình thực tế, trừ các chương trình tôi trực tiếp tham gia làm giám khảo.
- Là một người từng ngồi ở "ghế nóng", chị có nhận xét gì về các chương trình thực tế ở Việt Nam?
- Có quá nhiều chương trình truyền hình thực tế, quá nhiều format Việt Nam bé nhỏ quá, lấy đâu ra nhiều nhân tài đến vậy? Các gameshow chỉ được năm đầu tiên, đến năm thứ hai dù đã rút kinh nghiệm về khâu tổ chức, làm hay hơn, tốt hơn nhiều nhưng thí sinh lại hạn chế về tài năng nên người xem đổ tại cuộc thi chán, kém hấp dẫn là vì thế. Thí sinh là mỏ vàng của gameshow.
Bản thân tôi có một nguyên tắc, khi làm việc, ban tổ chức không được tham gia vào kết quả của tôi đưa ra. Đó là điều khoản có từ khi tôi ký kết hợp đồng. Tôi luôn muốn thực hiện vai trò riêng tốt nhất có thể để tìm ra được những nhân tài thực sự cho đất Việt.
Tôi cũng biết đôi khi sự cứng nhắc sẽ làm mất lòng mọi người nhưng đó là quan điểm của tôi. Có thể tôi quá nhỏ bé để có thể thay đổi điều gì đó nhưng tôi muốn làm tròn bổn phận khi tôi là người được giao trọng trách.
- Nhưng có phải ai cũng được như chị, thế nên các chương trình thực tế đang tồn tại một thực trạng: người chiến thắng luôn là người được yêu mến nhất, không phải là người giỏi nhất. Chị nghĩ sao?
- Bây giờ, sự chiến thắng của một thí sinh phụ thuộc phần nhiều vào khán giả. Nếu như người chiến thắng là người thực sự được yêu thích hoàn toàn xứng đáng. Nhưng đôi khi lại là bình chọn ảo, có vài trường hợp một lượng người nhỏ nhưng lại làm nên những con số bình chọn khổng lồ, để rồi chiến thắng.
Lúc đó, nếu ban tổ chức là người có trách nhiệm và có chuyên môn cao sẽ có cách can thiệp để người chiến thắng luôn là người xứng đáng. Thế nên, tùy từng cuộc thi, từng đơn vị đứng ra tổ chức đưa ra nhận xét về người chiến thắng trong các chương trình truyền hình thực tế.
- Đây có lẽ là lý do khán giả chưa bao giờ tin tưởng vào những con số bình chọn mà nhà sản xuất đưa ra?
- Khi làm chương trình truyền hình thực tế, nhà sản xuất chú ý đến yếu tố bình chọn của khán giả, chuyện này thuộc về yếu tố kinh doanh qua truyền hình cả thế giới đều làm. Đó cũng là lý do khiến các fan lao vào các cuộc chiến bình chọn. Ở đây, cả thí sinh lẫn khán giả đều là những quân cờ. Thế nhưng, khán giả không phải là không hiểu biết, họ có mắt để nhìn, có tai để nghe. Họ có thể biết được ai là thí sinh được lòng cả giới chuyên môn và khán giả. Đôi lúc ban tổ chức cũng tự sắp xếp kết quả chỉ vì sự yêu và thích mang tính chất cá nhân. Vậy nên, nhiều người có khả năng thật sự vẫn bị thiệt thòi ở một vài chương trình truyền hình thực tế.
- Xem ra những chương trình thực tế luôn có sự sắp xếp kết quả?
- Có cuộc thi có, có cuộc thi không, tuỳ vào việc ban tổ chức có chuyên nghiệp hay không. Bản thân tôi, chỉ cần nhìn là tôi biết có sắp xếp hay không ở bất kì cuộc thi nào. Nhưng sắp xếp như thế nào để người chiến thắng luôn là người xứng đáng thì ban tổ chức mới thực sự có tâm và chuyên nghiệp.
Ví dụ như khi cho hai thí sinh thi đấu với nhau, một thí sinh kém hơn về mặt tài năng nhưng lại có đội ngũ bình chọn ảo rất đông đúc, thí sinh kia không có điều kiện nhưng lại sở hữu tài năng vượt trội. Ở thời điểm này bạn phải làm thế nào? Bài toán này nếu làm đúng luật bạn không có nhân tài thực sự, làm sai luật bằng cách tự đưa ra con số thuyết phục khán giả, bạn sẽ có nhân tài thật sự. Vậy nên tôi nói mọi thứ chưa bao giờ là rõ ràng hết.
Tôi làm việc với nhiều đơn vị và nhà tổ chức, hầu hết người đứng đầu không có chuyên môn, họ chỉ có tiền rồi thuê giám đốc âm nhạc. Điều đáng nói là bản thân không biết về chuyên môn, chọn người làm sao chuẩn được.
- Dù biết so sánh là khập khiễng nhưng có một sự thật không thể phủ nhận được là những cuộc thi chất lượng và truyền thống như "Sao Mai" hay "Sao Mai điểm hẹn" đang bị công chúng thờ ơ, trong khi đó những những cuộc thi hát có format nước ngoài khác thì rất được quan tâm?
- Chẳng phải như thế. Cứ chương trình nào mới nào mới, có tính cập nhật thì lại được dân tình chú ý đón xem. Nhưng quan trọng, chất lượng thí sinh hay mới làm nên chương trình hay, format dù có hay đên mấy mà không có thí sinh tốt cũng được một vài năm rồi ngừng.
- Chị có cho rằng scandal đóng vai trò rất lớn trong thành công của những chương trình như thế?
- Theo tôi, không khách quan cho lắm khi đưa ra những nhận xét như thế này. Thực ra, có scandal là chiêu bài của ban tổ chức. Đánh đúng vào tâm lý khán giả, họ cố gắng để các thí sinh dù không hát hay nhưng gây được sự chú ý ở vẻ ngoài, hoàn cảnh gia đình đặc biệt. Nhưng cũng có những scandal ngoài ý muốn, có những câu nói bị thổi phồng lên, bị hiểu sang chiều hướng khác mang tính ác ý hơn.
Một vài lần như thế, khán giả bị mất lòng tin nên đổ đồng tất cả là chiêu trò của ban tổ chức, nhưng thực sự là có những trường hơp ban tổ chức không hay biết và bị oan. Chỉ những người trực tiếp tiếp xúc như tôi mới hiểu điều đó nhưng cũng không tiện nói ra trong khi tôi đang làm việc với họ.
- Thêm một sự thật không thể phủ nhận được là các thí sinh bước ra từ các cuộc thi thực tế lại có mức cát-xê rất cao dù phần lớn trong số họ đều chưa qua trường lớp. Trong khi một số ca sĩ đã được đào tạo bài bản không thể nào với đến được con số đó. Theo chị, tại sao lại có sự thiếu công bằng này?
- Làm nghệ thuật rất khác so với các ngành nghề khác, không thể dựa vào bằng cấp mà đánh giá người nào giỏi hơn người nào, phải dựa vào hiệu quả họ mang lại cho nền âm nhạc. Thí sinh đến với các cuộc thi hầu hết được học hành bài bản, trong số đó có những người đã đi hát nhiều năm.
Hơn nữa, chiến thắng một cuộc thi không phải là điều dễ dàng. Một cuộc thi thường diễn ra trong vòng vài tháng đến nửa năm. Các thí sinh sẽ phải trải qua một khoá học thanh nhạc, kỹ năng biểu diễn cấp tốc do các chuyên gia, huấn luyện viên hàng đầu đào tạo. Ở trường, các sinh viên chuyên ngành thanh nhạc chỉ có hai buổi học thanh nhạc một tuần nhưng ở cuộc thi, ngày nào các thí sinh cũng luyện tập trong vòng nửa năm.
Tôi là giáo viên giảng dạy thanh nhạc nên tôi biết, việc tập luyện đó mang lại kết quả rất tích cực, không phải người chiến thắng không có tý kiến thức thanh nhạc nào như mọi người vẫn nghĩ. Trong nghệ thuật, yếu tố con người rất quan trọng, huống hồ hiện nay ở Việt Nam hầu hết đào tạo hát cổ điển là chính mà các cuộc thi hầu hết là nhạc nhẹ, hát tiếng anh ngày càng nhiều. Thế nên, tôi không thấy có sự bất công ở đây.
- Nhưng không ít cái tên trưởng thành từ các chương trình thực tế đã phải bỏ nghề không lâu sau đó?
- Sự kết thúc hay trường hơi là phụ thuộc vào việc người nghệ sĩ đó có tận dụng được bệ phóng mà cuộc thi mang lại hay không. Để trường hơi, bạn phải hoạt động không ngừng, liên tục cho ra sản phẩm mới để khán giả được thấy được sáng tạo thường xuyên của bạn. Thật sự, những người chiến thắng thực sự họ có tương lai ra sao sau cuộc thi tôi cũng không đoán được, chỉ biết họ sẽ ra sao qua những gì họ làm tiếp đó.
- Bản quyền cũng là vấn đề khiến không ít ca sĩ nổi giận khi họ phát hiện ca khúc độc quyền của họ bỗng dưng xuất hiện trong cuộc thi. Thế nhưng, phần lớn trong số họ lại chọn cách im lặng vì sợ mang tiếng PR. Chị nghĩ gì về vấn đề này?
- Nói đến bản quyền có nhiều chuyện nói lắm, ngay cả trung tâm bản quyền Việt Nam, nơi bảo vệ quyền tác giả tác phẩm, khi chúng tôi có yêu cầu bảo vệ chúng tôi trước sự xâm phạm bản quyền cũng không thể bảo vệ được. Vậy chúng tôi kêu ai. Thế nên, nhiều khi nghệ sĩ không phải im lặng vì lo người ta nghĩ họ PR, chán không buồn nói thì đúng hơn.