Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội, vừa khánh thành Trung tâm Tế bào gốc, máu cuống rốn. Đây là Trung tâm Tế bào gốc, máu cuống rốn đầu tiên trực thuộc một bệnh viện chuyên ngành sản.
PGS.TS Vũ Bá Quyết - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương - cho biết dây rốn và bánh rau là những thứ bỏ đi thậm chí còn được cho là rác thải y tế. Tế bào gốc máu cuống rốn là máu ở trong cuống rốn và bánh rau sau khi trẻ vừa sinh ra cũng nằm trong những thứ bỏ đi đó.
Trung tâm tế bào gốc máu cuống rốn BV Phụ sản Trung ương. Ảnh: T.L. |
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy dây rốn có chứa rất nhiều tế bào gốc, do đó, tách được tế bào gốc và lưu trữ lại là một tài nguyên vô cùng quý giá để chữa được tới khoảng 80 bệnh lý trong đó có các bệnh nan y như: bệnh ung thư máu, các bệnh rối loạn về máu, bệnh tự kỷ, bệnh ngạt sơ sinh, các bệnh đột quỵ hoặc tim mạch sau này…
“Từ trước tới nay, rất nhiều ca bệnh cần điều trị bằng liệu pháp tế bảo gốc phải đi ra nước ngoài điều trị với chi phí rất cao. Vì vậy, cha mẹ nên cầm lấy cơ hội duy nhất là lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của trẻ ngay sau khi sinh để đề phòng trường hợp khi cần điều trị bệnh cho trẻ sau này nếu có”, PGS Quyết khuyến nghị.
PGS.TS Nguyễn Xuân Hợi, Giám đốc Trung tâm Tế bào gốc máu cuống rốn (Bệnh viện Phụ sản trung ương), cũng lưu ý để lấy được số lượng mẫu máu cuống rốn tối thiểu cần thiết, thai nhi chào đời phải đủ tháng, ít nhất phải được 36 tuần thai và cân nặng khoảng 2.500 gram.
Trong năm đầu thực hiện lưu trữ, gia đình sản phụ sẽ nộp 25 triệu đồng để thực hiện các thủ tục; từ năm thứ 2 đóng tiếp 2,5 triệu đồng/năm. Mẫu lưu tế bào gốc, máu cuống rốn được thực hiện trong 18 năm.