Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tiếng Anh sẽ đảm bảo đánh giá đủ kiến thức, bao gồm ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm.
Đây là bước ngoặt thay đổi lớn trong việc dạy và học tiếng Anh. Nhiều giáo viên, chuyên gia giáo dục nêu ra định hướng phương pháp học môn Tiếng Anh trong thời kỳ hội nhập.
Vì sao điểm thi Tiếng Anh luôn xếp cuối?
Theo cô Lê Phương Mai, nguyên Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Ngoại ngữ; thành viên ban lãnh đạo trường quốc tế liên cấp Việt - Úc Hà Nội, người phụ trách chương trình Tiếng Anh, cho hay việc dạy và học bộ môn này chưa thực sự hiệu quả. Những năm trở lại đây, kết quả môn Tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia luôn xếp cuối.
Theo cô Mai, từ năm 2017, đề thi THPT quốc gia áp dụng hình thức trắc nghiệm 50 câu hỏi chung một đề, được thiết kế phù hợp để xét tốt nghiệp THPT và tuyển vào đại học từ dễ đến khó. Phổ điểm môn Tiếng Anh đạt được gần như thấp nhất trong các môn thi (năm 2018 là 3,91).
Cô Lê Phương Mai cho rằng học sinh chưa có điều kiện rèn luyện sâu về các kỹ năng của môn Tiếng Anh. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như đề thi khó, gộp chung hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học nên kết cấu các câu hỏi và cách hỏi cũng khó hơn, đòi hỏi các em tư duy nhiều hơn. Thực tế, đa số học sinh tại các trường chuyên, thành phố lớn... mới được cập nhật và làm thử các dạng đề thi theo định dạng mới.
Hiện tại, nhiều trường cấp ba thi xét tuyển đầu vào nhưng không có môn Tiếng Anh mà chỉ tập trung hai môn Văn, Toán. Điều đó cũng khiến chất lượng học môn Tiếng Anh ở bậc THPT chưa đồng đều và chưa cao.
Ngoài ra, học sinh chưa có điều kiện rèn luyện. Cụ thể, Tiếng Anh không thể ôn thi cấp tập trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi phải được học tập theo một hành trình dài. Trong khi đó, môn học này chưa thực sự được chú trọng tại các thành phố nhỏ hoặc vùng sâu, xa. Thời lượng dành cho môn học này ít, sĩ số học sinh trong một lớp đông, khiến các em không được rèn luyện sâu về kỹ năng.
Bên cạnh đó, ngoại ngữ thực tế cũng là phạm trù năng khiếu. Những bạn không thích sẽ khó hứng thú với việc học ngoại ngữ.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT cho hay sẽ cải tiến hình thức đánh giá bằng các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong bộ môn Tiếng Anh. Để thực hiện điều này, theo cô Lê Phương Mai, cần có sự thay đổi về phương pháp giảng dạy.
Lớp phải lấy học sinh làm trung tâm. Các em phải được tham gia nhiều hoạt động nghe, nói, đọc, viết, hoạt động nhóm, làm dự án... và phải thực hiện được tất cả kỹ năng mà bộ sách mới yêu cầu. Sau mỗi bài học, các em cần có bài kiểm tra định kỳ đủ cả 4 kỹ năng để quen dần với cách thức, cấu trúc thi mới.
Học sinh cần đầu tư thời gian nhiều hơn để rèn luyện bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, tích cực chủ động tham gia hoạt động trên lớp hoặc tự tham khảo và rèn luyện thêm tại nhà.
Học Tiếng Anh như học bơi
Thầy Nguyễn Quốc Hùng, nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, cho hay học Tiếng Anh cũng như bơi, nếu không có phương pháp khó tiến xa.
Theo ông Hùng, giáo viên phải nâng cao kỹ thuật dạy trên lớp, không tập trung quá nhiều vào lý thuyết. Giáo trình có thể lấy từ nước ngoài nhưng phải cải tiến để phù hợp văn hóa, chính trị trong nước.
Đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới, theo thầy Hùng, còn khoảng cách xa cả ở giáo trình và người thầy. Vấn đề sách giáo khoa cũng cần lựa chọn kỹ trong khâu biên tập, ngữ liệu từ vựng và quy trình làm việc với nhà xuất bản.
Ví dụ, Bộ GD&ĐT nêu học sinh tiểu học cần học 500-700 từ vựng, trong khi ở nước ngoài chương trình lên tới 2.000 từ. Khối lượng này cũng không phù hợp việc học 2-4 tiết mỗi tuần, vì "không thể tiêu hóa được".
Cô Lê Phương Mai khẳng định để học tốt bộ môn này, trước hết, học sinh phải thấy rõ được lợi ích và tầm quan trọng như hội nhập, cơ hội về công việc, thu nhập trong tương lai. Từ đó, học sinh cần có sự đầu tư thời gian thích hợp và nỗ lực hết mình, tạo ra hứng thú cho bản thân về học ngoại ngữ. Các em bây giờ có cơ hội tiếp cận nhiều với công nghệ, Internet, nên tận dụng tối đa.
"Mỗi gia đình có phương pháp phù hợp để cùng học và luyện Tiếng Anh với con. Ví dụ, trong gia đình tôi, bố mẹ cùng các con chơi những trò bằng ngoại ngữ để tạo không khí vừa học vừa chơi, quan trọng là giúp con xây dựng vốn từ.
Ngoài ra, bố mẹ có thể tăng cường nói chuyện bằng Tiếng Anh với con, khuyến khích chúng xem các kênh truyền hình, phim truyện bằng Tiếng Anh. Bố mẹ có thể cùng con viết nhật ký bằng Tiếng Anh để kể về những hoạt động, công việc trong ngày của mỗi người và chia sẻ những câu chuyện đó cùng nhau", cô Mai nói.
Nữ giáo viên chia sẻ điều quan trọng nhất là học sinh phải say mê Tiếng Anh và biết cách tự tạo ra sự say mê đó. Các em phải thực sự chăm chỉ, kiên nhẫn, để trau dồi, bồi dưỡng vốn Tiếng Anh phong phú theo thời gian.
"Với công nghệ ngày nay, chúng ta có thể chăm chỉ một cách linh hoạt, học mọi lúc mọi nơi", cô Mai nói.