Bang Ohio, Mỹ, vừa ghi nhận 19 trẻ mắc bệnh sởi. Ảnh: Shutterstock. |
Trong năm đối mặt với mùa bệnh hô hấp đầy thách thức, các bác sĩ nhi khoa ở Ohio (Mỹ) hiện phải đối phó với một căn bệnh truyền nhiễm khác - sởi.
Theo số liệu thống kê do cơ quan quản lý Y tế Công cộng Columbus (CPHD) cung cấp cho ABC News, tính đến chiều 22/11, 19 trẻ em ở Ohio đã nhiễm virus sởi. Gần một nửa trong số này phải nhập viện do các triệu chứng nghiêm trọng. Ngoài ra, gần 50% bệnh nhi chưa đến 5 tuổi.
Tiến sĩ Matthew Washam, bác sĩ nhi khoa và Trưởng khoa Dịch tễ học tại Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc ở Columbus, cho hay tỷ lệ trẻ em phải nhập viện trong đợt bùng phát này cao gần gấp đôi so với tỷ lệ thường thấy trong các đợt bùng phát bệnh sởi.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) thông tin họ đang triển khai một nhóm tới Ohio để hỗ trợ ngăn chặn dịch.
Bệnh sởi nghiêm trọng không?
Sởi là bệnh rất dễ lây lan. CDC cho biết mỗi cá nhân bị nhiễm virus có thể lây lan cho tối đa 10 người tiếp xúc gần nếu họ không áp dụng biện pháp bảo vệ, bao gồm cả việc không đeo khẩu trang hay không tiêm phòng.
Các biến chứng của bệnh sởi có thể tương đối lành tính, chẳng hạn phát ban, hoặc có thể nghiêm trọng hơn nhiều như nhiễm trùng huyết do virus, viêm phổi, sưng não.
Bệnh nhi bị sởi có thể gặp triệu chứng nghiêm trọng. Ảnh: PA. |
Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Y tế dự phòng và chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, nói: “Việc coi sởi là bệnh nhiễm trùng tầm thường như cảm lạnh kèm theo phát ban là không chính xác. Sởi là một loại virus rất khó chịu”.
Ông cho hay trước khi Mỹ có vaccine sởi, mỗi năm, nước này có 400-500 trẻ chết vì sởi và các biến chứng của nó. Ông khẳng định sởi thực sự có thể khiến bệnh nhân ốm nặng.
Cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh sởi
CDC cho biết bất kỳ ai từng mắc bệnh sởi vào một thời điểm nào đó trong đời hoặc đã tiêm hai liều vaccine MMR (sởi, quai bị, rubella) đều được bảo vệ khỏi bệnh sởi.
Một liều vaccine sởi có hiệu quả 93% trong việc ngăn ngừa nhiễm trùng nếu tiếp xúc với virus. Hiệu quả của hai liều lên đến 97%.
Tiến sĩ Schaffner cho biết trong trường hợp dịch bùng phát lẻ tẻ, người đã tiêm vaccine phòng sởi không cần tiêm mũi tăng cường. Ông nói: “Nếu bạn đã tiêm hai liều vaccine phòng sởi, về cơ bản, bạn sẽ được bảo vệ suốt đời”.
Năm 2000, bệnh sởi được tuyên bố xóa sổ khỏi Mỹ nhờ chiến dịch tiêm chủng hiệu quả cao.
Tại sao sởi bùng phát trở lại?
Nhóm chuyên gia được CDC điều động tới Ohio cũng sẽ hỗ trợ điều tra nguyên nhân bùng phát khi trẻ em tại 12 trường học/nhà trẻ đã nhiễm virus tính đến nay. Thực tế, các ca lây nhiễm xảy ra trong khoảng thời gian hai tuần đang gây khó khăn cho nỗ lực truy tìm nguồn gốc đợt bùng phát.
Tiêm vaccine là biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh sởi. Ảnh: Shutterstock. |
Nghiên cứu gần đây của Tổ chức Y tế Thế giới đã mô tả "sự thụt lùi liên tục lớn nhất trong việc tiêm chủng trong 3 thập kỷ" do bỏ sót dịch vụ chăm sóc định kỳ thời đại dịch.
Tại Mỹ, một nghiên cứu hồi tháng 5 cho thấy 1/3 phụ huynh nước này thừa nhận con mình bỏ lỡ đợt tiêm chủng khi chính quyền áp dụng lệnh giãn cách để phòng dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo Kelli Newman, Giám đốc Văn phòng Quan hệ Công chúng và Truyền thông của CPHD, cuộc điều tra của họ cho đến nay chỉ ra việc do dự tiêm vaccine và lựa chọn không tiêm chủng là nguyên nhân dẫn đến bùng phát.
Do dự vaccine được định nghĩa là trì hoãn hoặc từ chối tiêm vaccine dù chúng có sẵn, dễ tiếp cận. Tính đến nay, kết luận của CPHD phù hợp với xu hướng rắc rối đang lan rộng khắp nước Mỹ.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, sự miễn cưỡng trong việc tiêm vaccine đã lên đến đỉnh điểm. Do dự tiêm vaccine được WHO xếp vào danh sách 10 mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe toàn cầu năm 2019.
Ở Mỹ, sự do dự ấy còn bị kích động bởi chính trị. Một nghiên cứu của Viện Y tế Colorado (tổ chức nghiên cứu phi đảng phái) phát hiện tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 trên toàn tiểu bang có mối tương quan chặt chẽ với niềm tin chính trị của các hạt.
Cộng đồng do dự tiêm vaccine đặc biệt nhắm tới vaccine MMR. Phần lớn tranh cãi xung quanh vaccine bắt nguồn từ một nghiên cứu năm 1998, đăng trên The Lancet và đã được gỡ xuống khi nó đưa ra kết luận sai lầm về liên hệ giữa vaccine với tỷ lệ trẻ mắc chứng tự kỷ.
Dù nghiên cứu trên đã bị gỡ bỏ, nhiều người vẫn vướng vào thông tin sai lệch xung quanh vaccine MMR.
Tiến sĩ Matthew Washam nói: “Thông tin sai lệch liên quan đến vaccine vẫn tồn tại dai dẳng và tiếp tục phát sinh. Đây không phải vấn đề có thể giải thích trong cuộc trò chuyện 5-10 phút hay một lần truy cập vào bài viết”.
Tại Ohio, cơ quan quản lý y tế cố gắng chống lại thông tin sai lệch này bằng cách cho phép người dân đến tiêm vaccine MMR mà không cần hẹn trước, đồng thời sắp xếp cho người dân tư vấn trực tiếp với nhân viên y tế.
May mắn thay, mặc dù tần suất bùng phát dịch sởi ngày càng tăng, việc do dự tiêm vaccine vẫn là ngoại lệ chứ không phải là quy luật. Dữ liệu của CDC cho thấy hơn 90% trẻ em đã được tiêm phòng MMR trước hai tuổi. Đến năm 17 tuổi, tỷ lệ đó tăng lên 92%.
Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học lo ngại tỷ lệ 10% trẻ em không được tiêm chủng là mức tối thiểu cần thiết để ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai. Họ thậm chí còn quan tâm nhiều hơn đến các cộng đồng, chẳng hạn ở Ohio, nơi tỷ lệ tiêm chủng thậm chí còn thấp hơn.
Tiến sĩ Washam nhận định: “90% đó không phân bổ đồng đều trên toàn quốc - có những khu vực chưa được tiêm phòng và đó là những khu vực dễ mắc bệnh. Sởi bùng phát ở đâu cũng gây nguy cơ cho những nơi khác”.
Tiến sĩ William Schaffner cho biết điều quan trọng đối với các cơ quan y tế công cộng địa phương là mời các nhà lãnh đạo đáng tin cậy nói về tầm quan trọng của việc tiêm chủng. "Họ có thể cung cấp cho người dân không chỉ thông tin mà còn là cảm giác yên tâm, thoải mái, cho người dân biết đó là điều phù hợp để làm vì lợi ích của chính con mình và cả cộng đồng”.
Ngoài ra, mùa đông này trong bối cảnh Mỹ đối mặt với bộ ba cúm, RSV và Covid-19, các chuyên gia kêu gọi các gia đình đảm bảo con cái họ được tiêm phòng cúm để giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và ngăn ngừa mọi tác hại không đáng có. Tỷ lệ tiêm phòng cúm trong lịch sử dao động quanh mức 60%.
“Một số gia đình nói rằng sẽ đợi đến ngày X hoặc Y hoặc Z để tiêm vaccine. Đây có thể là năm họ cần tiêm sớm hơn”, tiến sĩ Washam nói.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những con người vượt qua bệnh tật và những trang sách yêu mến cuộc sống ở tuyển tập sách của Zing.