Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do ca mắc sởi ở TP.HCM giảm chậm

Theo Sở Y tế TP.HCM, thành phố đã đạt độ bao phủ vaccine sởi nhưng do tình hình di biến động dân cư, vẫn còn trẻ chưa được tiêm bù trong cộng đồng.

Một bé trai được tiêm vaccine sởi tại TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo Sở Y tế TP.HCM, đến hết ngày 30/9, thành phố đã cơ bản hoàn thành mục tiêu của chiến dịch tiêm vaccine sởi. Kết quả rà soát trên Hệ thống Tiêm chủng Quốc gia đến ngày 28/9 cũng cho thấy tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine sởi cho trẻ 1-5 tuổi đạt 95,09% (bao gồm cả trẻ đã tiêm đủ 2 mũi sởi trước chiến dịch).

Kết quả này sẽ giúp dịch sởi ở thành phố được kiểm soát, khó có khả năng bùng phát thành dịch lớn.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khảo sát mới đây của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) từ 504 trẻ 1-5 tuổi ở những địa phương được xem là có lượng lớn người nhập cư như Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, TP Thủ Đức và quận 12.

Kết quả lại cho thấy có đến 31% trẻ đang sinh sống thực tế trên địa bàn nhưng đăng ký trên hệ thống ở nơi khác. Cụ thể, 16% trẻ nhập trên hệ thống ở tỉnh và 15% trẻ ở quận huyện, phường, xã khác của thành phố.

Như vậy, việc chỉ thực hiện rà soát mời tiêm trên Hệ thống thông tin Tiêm chủng Quốc gia sẽ bỏ sót khoảng 30% trẻ thực sự có mặt trên địa bàn.

dich soi TP.HCM anh 1

Tổng số mũi tiêm vaccine sởi của nhóm trẻ 1-10 tuổi (tính đến hết ngày 30/9). Ảnh: SYT.

Kết quả khảo sát ghi nhận trong 504 trẻ thì có 135 bé thuộc đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch này (do chưa tiêm đủ 2 mũi trước ngày 31/8). Tuy nhiên, hiện chỉ có 54% trẻ được tiêm chủng trong thời gian từ 31/8 đến 30/9.

"Chúng phản ánh thực tiễn dù thống kê trên hệ thống, thành phố đã đạt được độ bao phủ vaccine sởi nhưng do tình hình di biến động dân cư, vẫn còn những trẻ chưa tiêm bù trong cộng đồng", báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM cho hay.

Theo cơ quan này, tỷ lệ bao phủ vaccine trên thực tế chưa đạt ngưỡng bảo vệ là 95%. Điều này lý giải việc có thể không bùng phát dịch sởi lớn tại TP.HCM nhưng số ca sẽ giảm chậm và có thể xuất hiện chùm ca bệnh ở nơi tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Thực tế, trong tuần 39, thành phố đã ghi nhận 111 ca mắc sởi, tăng 25,8% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca mắc tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 846 ca. Bên cạnh đó, số ca bệnh từ 9 tháng đến 12 tháng tuổi không giảm trong các tuần qua và hầu hết trẻ này đều chưa được tiêm chủng.

dich soi TP.HCM anh 2

Biểu đồ diễn tiến ca sởi theo tuần năm 2024 tại TP.HCM. Ảnh: SYT.

Trước tình hình này, Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo tiếp tục thực hiện "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để phát hiện trẻ mới di biến động, cập nhật danh sách và mời trẻ tiêm, không để sót trẻ chưa tiêm trên địa bàn.

Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, vận động gia đình có trẻ đủ 9 tháng tuổi cần khẩn trương đưa trẻ đi tiêm chủng theo lịch tiêm chủng mở rộng, không trì hoãn vì bất cứ lý do gì (ngoài chỉ định của nhân viên y tế).

Sở Y tế cũng yêu cầu tiếp tục truyền thông đến các gia định có trẻ 1-10 tuổi (không phân biệt thường trú, tạm trú), nếu chưa tiêm đủ mũi cần chủ động liên hệ trạm y tế nơi cư trú hoặc trường học và cơ sở tư nhân để biết lịch tiêm chủng, đưa trẻ đi tiêm ngay.

Ăn chuẩn ít bệnh

Trong nhiều năm hành nghề y và từng giữ chức trưởng khoa dinh dưỡng của một bệnh viện lớn, tác giả Hạ Manh đã điều trị hơn 10.000 ca bệnh liên quan đến chế độ ăn uống không lành mạnh. Cuốn sách "Ăn chuẩn ít bệnh" (tập 1) được viết ra từ những kinh nghiệm chuyên môn của vị bác sĩ này, nó sẽ mang đến cho người bệnh những kiến thức hữu ích về dinh dưỡng, để xây dựng chế độ ăn hợp lý.

10 lưu ý khi chăm sóc trẻ sốt xuất huyết

Nhiều phụ huynh có thói quen sai lầm như áp dụng các mẹo dân gian như đánh gió, cắt lễ, kiêng tắm... khi chăm sóc trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết.

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm