Việc phải ở cùng đồng nghiệp cả ngày lẫn đêm, ăn ngủ trong cùng không gian đang là một trong những yếu tố gây khó khăn và áp lực nhất mà thành viên của hầu hết nhóm nhạc Kpop phải chịu đựng trong những năm đầu sự nghiệp.
Đối với các công ty quản lý Kpop, "văn hóa ký túc xá" có một số điểm đáng khen. Cách làm này giúp họ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc tất cả thành viên và thúc đẩy tinh thần đồng đội.
Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, các thành viên có thể phát triển mối quan hệ giống gia đình, tạo ra sự gắn bó mật thiết mà người hâm mộ mong đợi. Trên lý thuyết này, thành viên của phần lớn nhóm nhạc Kpop - không phân biệt tuổi tác - cư trú tại cùng một nơi trong những ngày mới ra mắt.
Lục đục nội bộ diễn ra ở hầu hết nhóm nhạc Kpop
Hiện tại, văn hóa sống chung này khiến công chúng lo lắng. Họ tin rằng đây là nguồn cơn tạo ra môi trường sống cạnh tranh và một số thành viên có thể bắt nạt người khác. Các nhà phê bình chỉ ra rằng hệ thống này không cung cấp đủ không gian riêng tư cho các thành viên, từ đó dẫn đến căng thẳng và gây ra xung đột.
Tháng 2, các thành viên của nhóm nhạc nữ April bị cáo buộc tẩy chay và bắt nạt đồng đội cũ Lee Hyun Joo. Một người tự xưng là em trai của Lee Hyun Joo khẳng định chị gái nhiều lần muốn tự tử vì bị các thành viên cùng nhóm bắt nạt. Theo người này, ngay cả khi Hyun Joo nhập viện, những thành viên còn lại cũng dửng dưng, lạnh lung. Công ty quản lý của April là DSP Entertainment thừa nhận các thành viên trong nhóm không đoàn kết, có sự mâu thuẫn nhưng họ phủ nhận việc bắt nạt hội đồng.
Khán giả tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy Lee Hyun Joo bị các thành viên April cô lập. |
Trước đó vài tháng, Kwon Mina - cựu thành viên AOA - cáo buộc trưởng nhóm Ji Min bắt nạt cô trong nhiều năm. Nữ ca sĩ đăng ảnh chụp cổ tay chi chít vết sẹo để chứng minh cho việc cô cố tự tử khi bị trầm cảm. Cuối cùng, Ji Min thừa nhận hành động sai trái và tuyên bố giải nghệ.
Kahi (cựu trưởng nhóm After School) cho biết tình trạng bắt nạt hay lục đục nội bộ là điều dễ gặp, đặc biệt ở nhóm nhạc nữ. Theo nữ ca sĩ, việc một nhóm con gái ở cùng và gần như không có lúc nào cách xa nhau thường dẫn đến mâu thuẫn.
Minah ban đầu ra mắt với tư cách thành viên của ILUV. Sau đó, cô rời nhóm với lý do bị các thành viên cùng nhóm bắt nạt. Minah cho biết cô chỉ nặng 36 kg và không thể cải thiện tình hình sức khỏe vì trầm cảm. Cô cho biết các thành viên đối xử tệ, hành động thô bạo, thậm chí ép xem clip nhạy cảm.
Cuộc sống bí bách, không được tôn trọng quyền riêng tư
Đại diện một công ty giải trí Hàn Quốc nói với The Korea Times việc bắt nạt xảy ra trong một nhóm nhạc do nhiều nguyên nhân. Nhưng lý do cơ bản nhất là sự ghen tị và mâu thuẫn gay gắt giữa các thành viên. Tình trạng đó càng căng thẳng khi họ phải sống cùng nhau và gặp nhau mỗi giờ, mỗi phút.
“Các thành viên có thể rất ghen tị với một trong những người nổi tiếng hơn họ. Trong trường hợp này, các công ty thường tạo điều kiện để họ trò chuyện với nhau và cố gắng ngăn chặn mâu thuẫn. Tuy nhiên, một số công ty giải quyết vấn đề bắt nạt bằng cách tách các thành viên ra”, người này nói.
Mina nhiều lần tự tử vì Ji Min bắt nạt. |
Đại diện giải thích: "Các thành viên nhóm nhạc nam thường dễ dàng làm lành với nhau ngay cả khi họ vừa phát sinh tranh cãi. Tuy nhiên, thành viên nhóm nhạc nữ sẽ mất nhiều thời gian để làm lành với nhau. Tốt hơn là nên tách riêng họ ra và để họ ở riêng. Cách làm này giúp nghệ sĩ có được sự yên tĩnh để suy nghĩ về các vấn đề, đặc biệt khi được gặp cha mẹ họ".
Lee Jong Im, giáo sư thỉnh giảng tại khoa Báo chí và truyền thông của Đại học Kyung Hee, tin rằng các công ty giải trí nên đại tu hệ thống hiện tại để ngăn chặn tình trạng bắt nạt. Lee là tác giả của Idol Trainees Sweat and Tears (2018) - cuốn sách đi sâu vào mặt tối của hệ thống đào tạo Kpop.
"Tôi không đồng tình với ý kiến hệ thống ký túc xá là điều cần thiết đối với các ngôi sao Kpop. Nhưng nếu vẫn phải sống cùng nhau, họ cần một nơi để đề cao quyền riêng tư. Lãnh đạo của công ty giải trí không nên coi ca sĩ là những kẻ dưới quyền rồi theo dõi họ từng giờ. Tôi tin họ cũng nên được cung cấp đủ thời gian và không gian để đến trường, xây dựng mối quan hệ với những người khác ngoài bạn cùng nhóm”, cô nói.
"Một khi có nguyện vọng trở thành thực tập sinh, họ phải cố gắng kìm nén bản thân để tồn tại trong cuộc cạnh tranh gay gắt và ra mắt với tư cách ca sĩ. Nếu được sống riêng, họ giảm đi nguy cơ bị thành viên khác bắt nạt. Ngoài ra, họ có thể giao lưu với bạn bè hoặc kêu gọi sự tư vấn, giúp đỡ từ gia đình thường xuyên thay vì tự giải quyết và chịu đựng những khó khăn, bức xúc”, Lee bày tỏ.
Nhà phê bình âm nhạc Jung Min Jae - làm việc cho tạp chí IZM - cũng có quan điểm tương tự. Jung trích dẫn trường hợp của One Direction (1D) - một trong những nhóm nhạc nam thành công nhất lịch sự âm nhạc. Từ trường hợp của 1D, Jung cho rằng hệ thống ký túc xá không phải con đường duy nhất để tạo nên thành công cho nhóm nhạc.
"Các thành viên One Direction không sống cùng nhau ở một nơi và họ không gặp bất kỳ vấn đề lớn nào về tinh thần đồng đội", Jung nói. "Khi nói đến Kpop, văn hóa ký túc xá góp phần vào thành công của một số nhóm, nhưng nó cũng làm căng thẳng mối quan hệ của một số thành viên, như trường hợp của Fin.KL. Các thành viên của nhóm đã thú nhận trên một số chương trình truyền hình rằng họ đã trải qua những khoảng thời gian khó khăn khi sống cùng nhau".
ILUV phải hoãn ra mắt vì cáo buộc bắt nạt. |
Điểm đó đặt ra một câu hỏi khác: Tại sao tinh thần đồng đội lại rất quan trọng đối với các nhóm nhạc Kpop? Theo Lee, xã hội Hàn Quốc nhấn mạnh chủ nghĩa tập thể.
Chuyên gia giải thích: “Xã hội Hàn Quốc có xu hướng coi trọng chủ nghĩa tập thể hơn cá nhân. Mọi người thường nghĩ họ nên hy sinh mọi thứ để đạt được cái gọi là thành công và những người trong ngành Kpop không ngoại lệ. Cấm các ngôi sao hẹn hò, tịch thu điện thoại di động là những quy định vi phạm quyền cá nhân nhưng nó vẫn tràn lan tại thị trường âm nhạc Hàn Quốc".
Ngoài ra, theo Jung Min Jae, mô hình nhóm nhạc cũng dễ thu hút công chúng và tỷ lệ thành công cao hơn. Công chúng thích nhìn những cá nhân có thế mạnh khác nhau như giọng hát, vũ đạo hội tụ trong một nhóm và duy trì hình ảnh đoàn kết, thân thiết như gia đình.
"Những vụ bê bối bắt nạt gần đây cho thấy các công ty quản lý nên tập trung nhiều hơn vào việc phát triển tính cách của từng ca sĩ để họ có thể ăn ý và hợp tác hơn. Các ca sĩ không nên để mất cơ hội học hỏi, đưa ra quyết định của riêng mình và họ cần nhiều cơ hội hơn để giao lưu với những người khác thay vì chỉ tiếp xúc với thành viên cùng nhóm", Lee Jong Im nhận định.