Mới đây, dựa trên công văn của Bộ Y tế, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã công bố hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho người tiếp xúc gần ca bệnh Covid-19 (F1). Trong đó, HCDC đưa ra các quy định cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đối với trường hợp cách ly tại nhà.
Nơi cách ly phải đảm bảo là nhà riêng lẻ gồm biệt thự, liền kề và nhà ở độc lập. Điều này đồng nghĩa với việc các khu nhà chung cư sẽ không đủ điều kiện cho F1 cách ly.
Lo ngại từ điều kiện không gian
Trao đổi với Zing, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc F1 cách ly tại chung cư có thể dẫn đến một số rủi ro lớn hơn so với nhà riêng biệt.
“Khác với các khu dân cư dưới mặt đất, người dân ở trong chung cư thường xuyên gặp gỡ và đi lại trong hành lang, thang máy. Nếu việc quản lý xảy ra sai sót, các F1 ra ngoài có thể dẫn đến tình trạng lây nhiễm virus cho cả tòa nhà”, ông Nga giải thích.
Nguy cơ khi cách ly F1 tại các tòa nhà chung cư cao hơn biệt thự hay nhà ở độc lập. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
Cùng quan điểm, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, đồng ý rằng đặc thù của các tòa chung cư là sử dụng thang máy, hành lang, đường đi chung. Số lượng người đông đúc sống trong cùng tòa nhà sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan virus nghiêm trọng.
Trong khi đó, với biệt thự hay nhà độc lập, người dân sẽ đi lại bằng cửa, cổng riêng.
Theo PGS Nga, một nguy cơ khác là nhiều người có thể thuê chung một căn hộ để cách ly. Việc làm này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn trong vấn đề quản lý, kiểm soát cũng như theo dõi sức khỏe cho F1.
Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng cho rằng lo ngại còn đến từ đặc tính của biến chủng virus cùng khoảng cách giữa các căn hộ chung cư.
Việc kiểm soát và theo dõi các F1 cách ly tại chung cư cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Ảnh minh họa: Hoàng Giám. |
"Tại chung cư, các căn hộ thường được thiết kế có cửa sổ, ban công thông với nhau. Trong khi đó biến chủng Delta của SARS-CoV-2 lại có tính chất lây lan trong không khí. Sự kết hợp của 2 yếu tố này có thể là lý do khiến việc cách ly F1 tại chung cư thiếu an toàn", ông Nhung nói.
Vị chuyên gia này cũng lo ngại khi một số chung cư hiện sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm.
PGS Nhung giải thích: "Khi virus tồn tại và lây lan qua đường không khí, việc sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm có thể khiến người dân ở những khu vực xung quanh căn hộ có F1 cách ly mắc bệnh".
Những yếu tố cần đảm bảo
Theo PGS Nguyễn Huy Nga, yếu tố quan trọng nhất đối với không gian cách ly F1 là đảm bảo phòng riêng, khu vực vệ sinh cũng như tất cả điều kiện sinh hoạt đầy đủ, khép kín.
Ngoài ra, vấn đề thông thoáng khí phải được chú trọng với hệ thống quạt gió, điều hòa đạt tiêu chuẩn.
“Các F1 khi cách ly tại nhà được khuyến khích mở cửa sổ để tạo không khí thông thoáng. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý về hướng mở cửa, tránh để virus lây lan ra nơi sinh sống của người khác”, ông nói.
Bên cạnh đó, vấn đề thực phẩm, đồ ăn cho các trường hợp F1 cách ly tại nhà phải được đảm bảo cung cấp từ bên ngoài. Người cách ly tuyệt đối không được ra ngoài. Ngược lại, các trường hợp đưa thực phẩm tới cũng phải đảm bảo không tiếp xúc F1.
Các không gian để cách ly F1 tại nhà cần đảm bảo những điều kiện nhất định. Ảnh minh họa: Đức Anh. |
Để đảm bảo việc này, HCDC yêu cầu trước cửa phòng cách ly cần được bố trí bàn. Người bên ngoài sẽ đặt suất ăn, nước uống cũng như các nhu yếu phẩm khác tại đây.
Phòng cách ly còn phải đảm bảo đủ dụng cụ vệ sinh cá nhân, xà phòng rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn tay và dụng cụ đo thân nhiệt cá nhân.
Đặc biệt, phòng phải được bố trí riêng thùng đựng chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2 và thùng đựng chất thải sinh hoạt. Cả hai loại thùng này đều phải có nắp đậy và mở bằng đạp chân.
Phòng cách ly cũng cần có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo cho F1 tự làm sạch trang phục. Khu vực phòng ở phải được người cách ly tự vệ sinh, khử khuẩn hàng ngày với chổi, cây lau nhà, giẻ lau, xô và chất tẩy rửa.
Cũng theo hướng dẫn được HCDC công bố, bên cạnh phòng cách ly phải có một phòng riêng để nhân viên y tế tới khám, lấy mẫu và theo dõi sức khỏe cho các trường hợp F1. Căn phòng này cũng cần có bàn, ghế, dung dịch sát khuẩn tay, thùng đựng chất thải lây nhiễm và thùng đựng chất thải sinh hoạt.
Khu vực phòng cách ly cũng phải được trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân, chống lây nhiễm gồm khẩu trang y tế, găng tay y tế, giày, kính bảo hộ, quần, áo để người nhà sử dụng khi bắt buộc tiếp xúc gần F1.
Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch Covid-19 phức tạp nhất từ trước tới nay. Biến chủng virus gây lây lan nhanh. Số lượng ca mắc mới vẫn tăng mỗi ngày.
Số lượng ca mắc mới được ghi nhận trong nước tính từ 27/4 đến nay là 12.788. Trong đó, 3.745 bệnh nhân đã được công bố khỏi Covid-19. TP.HCM đang là điểm nóng với số lượng bệnh nhân Covid-19 cao thứ 2 trên cả nước, sau Bắc Giang.