"Trước đây, hàng ngày đi trên đường, số xe cấp cứu rất nhiều nhưng gần đây đã ít đi. Điều này cho thấy dấu hiệu chuyển nặng đã giảm đi đáng kể".
Đó là chia sẻ của Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam về tín hiệu tích cực của hệ thống điều trị tại buổi họp báo cung cấp thông tin dịch Covid-19 chiều 10/9.
Theo thống kê hàng ngày của Sở Y tế TP.HCM, lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong đang có chiều hướng giảm dần trong khoảng 10 ngày trở lại đây.
Dù chưa đạt kỳ vọng, song đồ thị có chiều hướng đi xuống là tín hiệu vui ban đầu cho thấy nỗ lực của toàn thành phố dần có hiệu quả.
Số lượng F0 tử vong tại TP.HCM từ ngày 23/8 đến 9/9 | |||||||||||||||||||||||||||
Theo Sở Y tế TP.HCM | |||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 15/8 | 16/8 | 17/8 | 18/8 | 19/8 | 20/8 | 21/8 | 22/8 | 23/8 | 24/8 | 25/8 | 26/8 | 27/8 | 28/8 | 29/8 | 30/8 | 31/8 | 1/9 | 2/9 | 3/9 | 4/9 | 5/9 | 6/9 | 7/9 | 8/9 | 9/9 | |
Số lượng F0 tử vong | 315 | 285 | 255 | 307 | 312 | 278 | 321 | 340 | 292 | 266 | 242 | 287 | 271 | 256 | 245 | 335 | 303 | 217 | 250 | 256 | 222 | 233 | 253 | 263 | 203 | 195 |
F0 nặng tại tầng 2 giảm mạnh
Chia sẻ với Zing, lãnh đạo các bệnh viện dã chiến, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại tầng 1 và tầng 2 cho biết thời gian gần đây, số lượng F0 chuyển nặng và tử vong đã giảm đáng kể.
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện dã chiến số 1 TP.HCM (đặt tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Đại học Quốc gia TP.HCM), cho biết tình hình điều trị tại đơn vị này đang có nhiều tín hiệu đáng mừng.
"Theo báo cáo giao ban trưa 10/9, lượng bệnh nặng tại các trung tâm hồi sức nói riêng và các bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc tầng 2, 3 nói chung đều giảm thấy rõ. Tại Bệnh viện dã chiến số 1, lượng bệnh nặng giảm hơn 60-70%", bác sĩ Tâm vui mừng thông báo.
Nhân viên y tế cấp cứu cho một F0 khó thở tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 Bình Chánh số 1. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tầng 2 là tuyến điều trị ngành y tế TP.HCM đặt nhiều kỳ vọng trong việc kéo giảm số ca tử vong. Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh, cho biết số lượng F0 điều trị tại đơn vị này còn nhiều, song công tác chuyển tầng điều trị tương đối ổn định so với giai đoạn trước.
"Tỷ lệ tử vong tại đây đã giảm. Những ca tử vong gần đây thường là do bệnh đã diễn biến quá nặng, hoặc lớn tuổi, nhiều bệnh nền đi kèm, khó điều trị", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 Bình Chánh số 1 (huyện Bình Chánh), cũng cho biết các y bác sĩ tại đây đang nỗ lực theo dõi, điều trị tốt nhất cho F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Dù số F0 nhập viện tại đây vẫn còn cao, lượng bệnh nhân tử vong đã giảm nhiều.
Chiến lược "đánh chặn từ xa"
Chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết để giảm tải số ca mắc Covid-19 tử vong, Bộ Y tế đã triển khai đồng thời 3 nhóm giải pháp tác động vào cả 3 tầng điều trị.
Đầu tiên là quyết định thành lập các trung tâm hồi sức tích cực quốc gia để điều trị ca bệnh nặng, giảm dồn ứ tại tầng dưới. "Ngay từ khi thiết lập và vận hành, chúng tôi đã thấy rõ áp lực ở tuyến dưới được giảm tải hơn rất nhiều", ông Khoa nói.
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch ở Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16. Ảnh: Duy Hiệu. |
Giải pháp thứ 2 là nâng cao năng lực chuyên môn, khả năng đáp ứng của các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị Covid-19 ở quận, huyện. Điều này được thực hiện thông qua việc trao đổi chuyên môn từ các chuyên gia, khắc phục khó khăn cho cơ sở tầng 2. Nhờ đó, cơ sở vật chất, chuyên môn, tổ chức quản lý ở tầng 2 được cải thiện rõ rệt.
Giải pháp thứ 3 là can thiệp sớm cho F0 tại tầng 1. Đó là việc triển khai gói thuốc điều trị cho F0 tại nhà.
"Việc thành lập sớm và đưa vào hoạt động trạm y tế lưu động đã giúp can thiệp kịp thời những trường hợp cần hỗ trợ y tế. Chính vì vậy, số lượng F0 diễn biến nặng mà không được can thiệp kịp thời đã giảm đi nhiều", ông Khoa nói.
Chúng tôi đưa chuyên gia đầu ngành xuống các tầng thấp hơn để hỗ trợ điều trị, cầm tay chỉ việc, từ đó giảm đáng kể số lượng bệnh nhân nặng chuyển tầng
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai
Vị lãnh đạo này cũng nhận định các giải pháp này bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy vậy, con số tử vong vẫn còn khá cao, do ca mắc tương đối lớn, số ca nặng còn nhiều. "Để đánh giá được số bệnh nhân tử vong có giảm thực sự hay không, chúng ta cần dựa trên số lượng bệnh nhân nặng, số bệnh nhân cần hồi sức cấp cứu thì sẽ dự đoán được xu hướng. Theo đánh giá của tôi thì con số này sẽ giảm trong thời gian tới", ông Khoa cho biết.
Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, vấn đề quan trọng là động viên tinh thần của nhân viên y tế.
GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai kiêm Giám đốc Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, cho biết để giảm lượng F0 chuyển nặng và tử vong từ tuyến dưới, đơn vị này tổ chức "đánh chặn từ xa".
"Chúng tôi đưa chuyên gia đầu ngành xuống các tầng thấp hơn để hỗ trợ điều trị, cầm tay chỉ việc, từ đó giảm đáng kể số lượng bệnh nhân nặng chuyển tầng", GS Tuấn nói.
"Đánh chặn từ xa" cũng là chiến lược TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19, thực hiện, hỗ trợ bệnh viện điều trị F0 tuyến dưới.
Hiệu quả của vaccine
Theo bác sĩ Phạm Hữu Tiến, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện quận Bình Thạnh, nguyên nhân quan trọng khác giúp số ca tử vong giảm là nhờ tác dụng rõ rệt của vaccine phòng Covid-19.
Dựa trên số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), ông phân tích ngày 26/8, thành phố có 5,6 triệu người được tiêm vaccine, trong đó người trên 65 tuổi, có bệnh nền chỉ hơn 500.000. Đến 8/9, toàn thành phố đã có hơn 7 triệu người được tiêm vaccine (tăng 25%) và người trên 65 tuổi, có bệnh nền là hơn 775.000 người (tăng khoảng 39%).
Một cụ bà ở TP Thủ Đức được tiêm vaccine Moderna tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
"Nhìn vào số người được tiêm chủng và số ca tử vong cho thấy 2 chiều lên - xuống trái ngược. Số người được tiêm vaccine trong 14 ngày gần đây tăng nhanh, nhất là người lớn tuổi, người có bệnh nền nên tỷ lệ chuyển nặng ít hơn, dù số ca mắc chưa giảm nhiều", bác sĩ Tiến nói.
Những ca tử vong gần đây thường là do bệnh đã diễn biến quá nặng, hoặc lớn tuổi, nhiều bệnh nền đi kèm, khó điều trị
Bác sĩ Phạm Hữu Tiến, Bệnh viện quận Bình Thạnh
Từng tham gia điều trị Covid-19 vừa và nặng tại nhiều cơ sở y tế, bác sĩ Tiến nhận định nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến thường trái chuyên khoa, công tác điều trị hồi sức cấp cứu bước đầu chưa quen.
Qua thời gian điều trị, kinh nghiệm của y bác sĩ đã dày dặn hơn nhiều. Bên cạnh đó, các chuyên gia tuyến trên còn hỗ trợ hội chẩn từ xa, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng và điều trị F0 tốt hơn.
"Hy vọng số ca tử vong sẽ tiếp tục giảm này một cách bền vững, mong là đến khoảng cuối tháng 9, các bệnh viện điều trị bớt quá tải", bác sĩ Tiến chia sẻ.
Hiện tại, số ca mới mắc Covid-19 mỗi ngày tại TP.HCM vẫn ở mức cao. Đặc biệt là ngày 3/9, toàn thành phố có 8.449 ca - con số kỷ lục từ đầu dịch đến nay. Ngày 10/9, số ca sau 24 giờ được ghi nhận là 7.539.
Trong đợt bùng phát dịch lần 4, tính đến 18h ngày 10/9, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 286.242 ca mắc Covid-19. Số ca xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến này là 144.024 người. Tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1 đến nay là 11.604 người.
Tính đến ngày 6/9, TP.HCM có 191 cơ sở cách ly tập trung (35.369 giường), 81 bệnh viện tầng 2 (64.400 giường) và 10 bệnh viện, trung tâm hồi sức chuyên sâu ở tầng 3 (4.600 giường). Để có đủ hệ thống oxy cho các bệnh viện, Sở Y tế TP.HCM đã lắp đặt 7.799 giường có oxy (khẩu thở) và 113 bồn oxy.
Tổng số nhân lực tham gia điều trị Covid-19 tại TP.HCM là 17.653 người bao gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên và nhiều nhóm khác. Ngoài ra, 5.766 nhân viên y tế từ các đơn vị hỗ trợ công tác dự phòng, 2.798 người là giảng viên, sinh viên trường y trên địa bàn thành phố; khoảng 1.883 tình nguyện viên từ nhân viên y tế về hưu, tôn giáo... cũng đăng ký tham gia chống dịch. Nhân lực hỗ trợ từ Trung ương và các tỉnh, thành phố khác đến nay là 13.752 người.