Khi bạn cảm thấy cần phải uống nước liên tục, lý do thường rất rõ ràng: Bạn chưa bổ sung đủ lượng chất lỏng cần thiết cho cơ thể. Nếu thực sự chăm chỉ đến phòng tập thể dục hoặc dành nhiều thời gian đổ mồ hôi dưới ánh nắng mặt trời, bạn cần bổ sung lượng chất lỏng mà bạn bị mất qua mồ hôi.
Khát nước thường chỉ là cách não cảnh báo bạn đang bị mất nước vì không uống đủ chất lỏng. Nhưng khát quá mức và dai dẳng có thể là dấu hiệu của vấn đề tiềm ẩn như bệnh tiểu đường, tuyến giáp bất thường.
Mất nước
Theo Dịch vụ Thông tin Y tế Quốc gia Scotland (NHS Inform), vào mùa hè, mọi người thường dành nhiều thời gian hơn ở ngoài trời, cho dù đó là trong công viên, trên bãi biển hay ở ngay sân sau nhà. Ngay cả khi không hoạt động mạnh, bạn vẫn có thể bị mất nước, đặc biệt là nếu trời nắng gắt.
Bạn thường sẽ cảm thấy khát vì không uống đủ lượng chất lỏng mà cơ thể cần. Mất nước có nghĩa là cơ thể bạn không có đủ nước để thực hiện các công việc bình thường và khát nước là triệu chứng chính. Nó có thể xảy ra với nhiều lý do, chẳng hạn tập thể dục, tiêu chảy, nôn mửa và đổ mồ hôi quá nhiều.
Mất nước là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn luôn cảm thấy khát. Theactivetimes. |
Ngoài khát nước, các dấu hiệu mất nước khác có thể bao gồm nước tiểu sẫm màu, không cần đi tiểu thường xuyên, khô miệng, da khô, cảm thấy mệt mỏi hoặc lâng lâng, đau đầu. Trẻ em bị mất nước cũng có thể có ít hoặc không có nước mắt khi khóc, miệng khô và dính, đi vệ sinh ít hơn hoặc tã ít ướt hơn, cáu kỉnh hoặc uể oải.
Bạn có thể sớm làm dịu cơn khát và khôi phục sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể bằng cách uống một ly và đảm bảo rằng bạn vẫn đủ nước. Điều đặc biệt quan trọng là phải cung cấp đủ nước cho cơ thể khi thời tiết nóng, tập thể dục và cơ thể không khỏe.
Chế độ ăn uống có quá nhiều muối
Muối rút nước ra khỏi tế bào và buộc cơ thể tiết kiệm nước nhiều nhất có thể. Đó là lý do bạn đi tiểu ít hơn khi ăn quá nhiều muối. Các tế bào thiếu nước sẽ gửi thông điệp hóa học đến não yêu cầu cung cấp thêm nước và bạn bắt đầu cảm thấy khát quá mức.
Cơ thể chúng ta cần sự cân bằng natri, nước thích hợp để hoạt động bình thường. Vì vậy, khi lượng muối ăn vào quá cao, chúng ta sẽ thấy khát và tìm kiếm nước để làm loãng máu. Vì vậy, bạn cần cắt giảm lượng muối ăn vào, đảm bảo bạn đang uống đủ nước.
Thai kỳ
Cảm thấy khát nước, cũng như đi tiểu thường xuyên hơn bình thường, là một trong những triệu chứng phổ biến trong thai kỳ và thường không có gì đáng lo ngại.
Theo Mayo Clinic, lượng máu tăng lên trong 3 tháng đầu tiên thai kỳ buộc thận tạo ra chất lỏng dư thừa có thể tích tụ trong bàng quang, có nghĩa, phụ nữ mang thai thường đi vệ sinh thường xuyên hơn. Hơn nữa, cảm giác buồn nôn và ốm nghén đi kèm với thai kỳ có thể dẫn đến cơ thể bị thiếu nước.
Đôi khi, những vấn đề này có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường thai kỳ (loại bệnh tiểu đường ảnh hưởng phụ nữ khi mang thai). Bạn nên được kiểm tra điều này như một phần của quá trình khám thai nếu có nguy cơ mắc bệnh.
Chứng khô miệng
Khi các tuyến nước bọt trong miệng không sản xuất đủ nước bọt, gây khô miệng, bạn có thể cảm thấy cần uống thêm nước để loại bỏ cảm giác này. Một số dấu hiệu khác cảnh báo cơ thể không sản xuất đủ nước bọt có thể là hôi miệng, thay đổi khẩu vị, nước bị kích ứng, nước bọt đặc, khó nhai.
Ngoài ra, bạn có thể bị khô miệng do các loại thuốc đang dùng, phương pháp điều trị bệnh khác như ung thư, hội chứng Sjogren, tổn thương dây thần kinh ở đầu và cổ hoặc sử dụng thuốc lá.
Bệnh tiểu đường
Theo tạp chí Self, nếu bạn luôn cảm thấy khát liên tục, khó giảm, bác sĩ thường gọi là chứng đa dây thần kinh - dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Khi mắc bệnh này, cơ thể không tạo đủ hormone insuline hoặc không sử dụng nó đúng cách. Điều này gây ra quá nhiều đường (glucose) tích tụ trong cơ thể.
Glucose trong nước tiểu hút nhiều nước hơn, do đó, khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn. Điều đó khiến cơ thể muốn thay thế lượng chất lỏng mà bạn đang mất đi.
Ngoài khát nước và đi vệ sinh nhiều hơn, các triệu chứng khác của bệnh tiểu đường bao gồm rất mệt mỏi, sụt cân không rõ nguyên nhân, nhìn mờ, đói, vết xước và bầm tím chậm lành.
Khát nước cũng là một trong những dấu hiệu của bệnh tiểu đường. Ảnh: CDC. |
Thiếu máu
Cơ thể dựa vào các tế bào máu khỏe mạnh để đưa máu đi khắp nơi. Thiếu máu có nghĩa là cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Một số người được sinh ra đã bị thiếu máu, trong khi những người khác mắc phải sau này trong cuộc sống. Nhiều thứ có thể gây ra thiếu máu bao gồm bệnh tật, chế độ ăn uống kém hoặc chảy máu nhiều trong chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.
Thiếu máu nhẹ thường không gây khát quá mức, nhưng nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng, bạn có thể cảm thấy khát, chóng mặt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, yếu ớt, da nhợt nhạt hoặc hơi vàng, mạch đập nhanh.
Căng thẳng mạn tính
Tình trạng căng thẳng kéo dài khiến tuyến thượng thận hoạt động kém hiệu quả, có thể dẫn đến huyết áp thấp. Điều này có thể gây ra chóng mặt, trầm cảm, lo lắng và cảm thấy rất khát.
Khát nước là cách cơ thể bổ sung thêm nước vào máu, nhằm tăng huyết áp. Giải pháp lâu dài duy nhất cho điều này là giảm bớt và quản lý mức độ căng thẳng tốt hơn.
Có vấn đề về tuyến giáp
Theo Prevention, tuyến giáp - cơ quan hình con bướm nằm ở cuối cổ - chịu trách nhiệm sản xuất hormone tuyến giáp, giúp điều chỉnh sự thèm ăn, năng lượng, nhiệt độ bên trong và các chức năng quan trọng khác của cơ thể.
Tuy nhiên, các vấn đề về tuyến giáp xảy ra khá phổ biến ở phụ nữ, trong đó có thể dẫn đến tăng cảm giác khát. Ngoài ra, những người bị suy giáp đặc biệt có nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe gây khát khác, chẳng hạn bệnh tiểu đường, hội chứng Sjorgren và thiếu máu do thiếu B12.