Ba tháng kể từ khi phát hành ca khúc Knock Knock, Twice chính thức trở lại với một bài hát mới mang tên Signal. Được thể hiện bởi nhóm nhạc nữ nổi tiếng nhất nhí hiện nay và do Park Jin Young - chủ nhân của vô số bản hit - sáng tác, Signal nhận được sự kỳ vọng rất lớn từ khán giả.
Nhưng nhìn thành tích hiện tại trên BXH, ai cũng có thể nhận thấy sau một loạt hit, Twice đã đến lúc thất thế về mảng nhạc số.
Mạo hiểm cùng dòng nhạc mới
Chỉ năm ngày sau khi phát hành, Signal nhanh chóng tuột khỏi vị trí số một và đang quanh quẩn trong top năm các BXH âm nhạc. Vị trí này không hề thấp nếu so với mặt bằng chung ở Hàn Quốc, nhưng với Twice nó là một sự thất bại.
Ở ba ca khúc trước đó là Cheer up, TT và Knock Knock, nhóm đều lập thành tích "perfect all-kill" (đứng đầu tất cả BXH). Thậm chí Cheer Up còn đạt kỷ lục 17 tuần trụ vững top 10 của Melon.
Với việc trở lại cùng thời điểm với PSY, người vốn mạnh về mảng nhạc số, Twice không tránh khỏi sự cạnh tranh lớn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc chọn Signal là một bước đi khá mạo hiểm, dẫn đến thất bại của nhóm nhạc nữ nhà JYP.
Signal có sự pha trộn giữa electronic, talk rap và điểm nhấn là phần earworm (một đoạn hát gây ám ảnh trong tâm trí người nghe) ở đầu ca khúc. Bài hát là bước khởi đầu đầy mới mẻ với Twice, bởi xưa nay họ vốn trung thành cùng dòng nhạc pop dễ nghe nhưng lâu dần cũng gây nhàm chán.
Sự lột xác là cần thiết, nhưng không hẳn lúc nào cũng được khán giả đón nhận, nhất là khi họ đã quá quen với những bản nhạc pop dễ nghe của Twice. Do đó, phản ứng trái chiều nổ ra, thậm chí hầu hết người nghe chê bai ca khúc này dở tệ, nhàm chán.
Nói chung, không thành công trên các BXH không có nghĩa Signal dở, nhưng rõ ràng ở hiện tại, nó không hợp với thị hiếu công chúng.
Thực tế, ở Kpop rất nhiều ca khúc đã gây tranh cãi khi có cấu trúc khá giống Signal. Đó là phối nhiều đoạn nhạc tưởng như không liên quan đến nhau, ví dụ như I Got A Boy (SNSD), Rookie (Red Velvet), Wee Woo (Pristin)…
Tuy nhiên, điểm thú vị ở phong cách âm nhạc này đó là càng nghe càng ấn tượng. Do đó, dù Twice không thành công với Signal nhưng có lẽ sau đó vẫn sẽ có nhiều ca khúc tương tự ra đời.
Ca khúc mới của Twice bị đánh giá là khó ngấm và không phù hợp với thị hiếu khán giả. |
Lỗ hổng về thanh nhạc
Trước lần trở lại này, Twice nổi tiếng với hình ảnh đáng yêu, năng động, giàu năng lượng. Signal đưa họ vượt qua ranh giới an toàn đó bằng âm nhạc đậm chất electronic.
Trong đó, điểm nhấn chính là phân đoạn "Signeul bonae signal bonae". Dù thích hay không, nhưng nhiều người vẫn phải thừa nhận họ bị ám ảnh bởi đoạn hát earworm (sâu tai) này.
Quan trọng hơn cả việc thay đổi phong cách, Signal là một sự nỗ lực để chứng minh Twice có thể bộc lộ cảm xúc và kỹ năng thanh nhạc, hoặc gì đó ấn tượng hơn hình ảnh dễ thương đơn điệu trước đó. Đáng buồn thay, điều duy nhất mà ca khúc chứng minh đến hiện tại là Twice còn quá yếu về kĩ năng ca hát.
Ca khúc được sáng tác với nhiều nốt cao để phô trương giọng hát mạnh mẽ, kỹ thuật. Nhưng, cuối cùng điều đó là quá sức với các các cô gái Twice. Thậm chí, không riêng bài chủ đề mà hầu hết ca khúc trong album cùng tên đều bị nhóm thể hiện một cách mờ nhạt bằng giọng mũi, vừa yếu ớt vừa mỏng.
Cả chín cô gái đều không có giọng hát đủ khỏe, kỹ thuật để khiến Signal bùng nổ, cũng không có khả năng đưa cảm xúc vào giai điệu của Someone Like Me. Trong khi đó, Three Times A Day bị đánh giá là quá khó nghe vì trộn lẫn nhiều phong cách âm nhạc khác nhau…
Twice xưa nay chưa bao giờ được đánh giá cao về giọng hát, thậm chí họ nhiều lần bị chê chỉ có ngoại hình mà thiếu hụt tài năng. Với Signal, các cô gái đúng là đã cho thấy sự trưởng thành hơn, nhưng bằng đó là chưa đủ so với những kỳ vọng khán giả dành cho một nhóm nhạc hàng đầu.