Một số chủ nhà ưu tiên cho gia đình có con nhỏ thuê chỗ ở hơn là nhóm độc thân. Ảnh: Dramabeans. |
Co-living (chia sẻ không gian sống) đã trở thành một xu hướng phổ biến từ năm 2022, khi nhiều chủ nhà mở rộng thêm phòng ngủ để tăng doanh thu.
Tuy nhiên, với SK (sống tại Singapore), người có kinh nghiệm kinh doanh dịch vụ lưu trú hơn 18 năm, anh chỉ cho các gia đình thuê chỗ ở, từ chối lời đề nghị với mức giá cao từ nhóm độc thân, theo Asian One.
Rắc rối từ người thuê
SK mô tả mình là một chủ nhà toàn thời gian. Gần 2 thập kỷ qua, anh sống bằng thu nhập từ nguồn này. Vì cha SK đã nghỉ hưu và không còn minh mẫn, anh trai của anh sẽ tiếp quản công việc kinh doanh của gia đình. Còn SK được giao nhiệm vụ bảo trì và cho thuê bất động sản.
“Tôi được dạy về cách quản lý nhà trọ, tự sửa chữa, giải quyết mọi thứ từ khi xuất ngũ vào năm 21 tuổi”, SK chia sẻ.
Trong 18 năm, SK đã tiếp xúc với nhiều tệp người thuê nhà khác nhau, bao gồm kẻ phạm pháp, sinh viên, doanh nhân và các cụ già.
Trên thực tế, nhiều tài sản của SK có thể mở rộng phòng ốc, anh cũng thừa nhận việc này sẽ giúp tăng tổng thu nhập lên gần 30% nhưng anh không quan tâm đến điều đó.
“Thị trường cho thuê di chuyển theo chu kỳ. Không có cách nào để biết nhu cầu sẽ duy trì trong bao lâu. Nếu tôi cải tạo ngay bây giờ, có thể tháng tới nó sẽ giảm. Mấy năm trước, tôi chỉ cho gia đình thuê căn hộ và từ chối những người sống một mình”, SK nhận xét.
Theo SK, quyết định này giúp anh tiết kiệm thời gian và công sức trong khâu quản lý. Với các gia đình, khi có vấn đề phát sinh, anh chỉ cần giải quyết với chồng hoặc vợ. Nếu tách lẻ gian phòng cho người độc thân, SK sẽ phải nói chuyện riêng với tất cả và xử lý từng khiếu nại của họ.
SK quyết định chỉ cho nhóm gia đình thuê nhà để tránh phiền phức. Ảnh: Stacked Homes. |
Một trong những rắc rối phổ biến nhất là đến kỳ đóng tiền nhà. Việc thu tiền từ nhóm gia đình bao giờ cũng dễ dàng hơn các cá nhân sống độc lập. Khi một trong số họ nộp muộn, việc quyết toán sẽ trở nên khó khăn hơn.
“Trước đây khi tôi từng có 4-6 người thuê độc thân, điện thoại của tôi ngày nào cũng đầy tin nhắn. Tuy nhiên đó cũng là vấn đề nhỏ, việc đau đầu nhất là đứng giữa các cuộc xung đột của họ để hòa giải”.
SK nhớ lại sự cố khi một cô gái buộc tội phòng bên kia đột nhập trái phép. Sau khi giải quyết tranh chấp, SK gửi tin nhắn cho từng người thuê, nhắc nhở họ khóa cửa phòng và tôn trọng quyền riêng tư của nhau ngay cả khi cửa không khóa.
“Khoảng 20h, nữ sinh đó thông báo rằng cô đã quyết định báo cảnh sát và tố cáo nhà bên ăn cắp một số đồ đạc. Cùng lúc đó, người thuê khác cũng gọi cho tôi và nói mình đang bị người kia quấy rối”, SK kể.
SK phải đóng vai trung gian cho đến khi họ kết thúc hợp đồng thuê kéo dài một năm.
Một vấn đề phổ biến khác mà SK thấy mình phải xử lý hàng tháng là hóa đơn tiện ích. Những người độc thân thường phàn nàn nhà khác sử dụng nhiều điện, nước hơn mình. Trong một trường hợp, SK đã bắt gặp một phụ nữ đang quay video những người thuê khác đang dùng máy giặt hoặc máy sấy.
Khó kiểm soát
Trách nhiệm giải trình khó khăn hơn và những người sống một mình có xu hướng muốn các căn hộ được trang bị đầy đủ.
SK cho biết thêm hầu hết sinh viên, người lao động nước ngoài đều mong đợi nơi ở sẽ được lắp đặt đầy đủ tiện nghi.
Điều này khác với những nhóm gia đình khi anh chỉ cần cung cấp các ngôi nhà ít nội thất.
Những cặp vợ chồng có ý định ở lâu dài thường không thích quá nhiều đồ đạc, vì họ có thể tự trang bị căn hộ theo sở thích của mình. Còn người độc thân không muốn tốn kém khi phải mua giường, bàn, ghế.
“Trong quá trình xem xét, tôi thường thấy các bức tranh bị cạo hoặc đồ nội thất ở khu vực chung bị hư hỏng. Thậm chí, tôi còn tìm ra một vết cháy thuốc lá trên ghế sofa phòng khách. Tất nhiên, tất cả người thuê sẽ phủ nhận đó là lỗi của họ và bắt đầu đổ lỗi cho nhau. Với nhóm gia đình, điều này ít xảy ra”, SK nói.
Nhiều gia đình thích dọn đến căn hộ ít nội thất để thoải mái bày trí theo ý mình. Ảnh: Pexels. |
Ngoài ra, việc chuyển đi cũng là một vấn đề nan giải. Với những nhà có con cái, họ sắp xếp mọi thứ rất mạch lạc. Còn người sống một mình thường có phong cách riêng và thích sắm những thứ rẻ hơn.
“Khi nhìn vào cách họ trang trí nội thất, bạn sẽ thấy phòng khách có một chiếc ghế massage, những chiếc sofa không đồng bộ, xe đạp địa hình của ai đó, bàn ăn là nửa ghế đẩu và nửa ghế văn phòng. Nơi này sẽ trông giống như một khu bán đồ cũ. Khi chuyển đi, họ sẽ nói chúng là rác và từ chối tự dọn dẹp”.
Theo quan sát của SK, hạn chế duy nhất đối với nhóm gia đình là khi phá vỡ hợp đồng cho thuê, doanh thu của anh sẽ mất trắng.
Một ví dụ điển hình là trong đại dịch Covid-19, diễn ra vào năm 2020, một trong những người thuê của SK phải nghỉ việc, cả gia đình rời đi ngay lập tức. Điều đó khiến thu nhập cho thuê giảm xuống con số 0 trong vòng vài tuần.
“Các gia đình có xu hướng chọn nơi sinh sống và làm việc gần nhau. Nếu có nhiều cá nhân thuê nhà, tôi đã không mất tất cả khoản tiền cùng một lúc”.
Niềm vui và nỗi buồn của công việc
Tập truyện ngắn của nữ tác giả Jang Ryu Jin mang đến cái nhìn khác về cuộc sống của tầng lớp thanh niên ở Hàn Quốc. Chúng ta thường quen với hình ảnh những nam thanh nữ tú, chỉn chu trong bộ trang phục công sở, làm việc trong những cao ốc văn phòng sang trọng. Thực tế, áp lực công việc và khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, khiến nhiều người trẻ không còn thiết tha với tình yêu, chuyện kết hôn hay sinh con. Các nhân vật của Jang Ryu Jin đều là những thanh niên bình thường mà người ta có thể gặp ở bất cứ đâu. Mỗi câu chuyện là một mảng màu sáng-tối đan xen, tạo nên bức tranh đa chiều về những khó khăn của người trẻ trong xã hội hiện đại.